Sẽ cấp "sổ tím" cho căn hộ office-tel?

Kinh tế - Ngày đăng : 00:00, 17/03/2017

(TN&MT) – "Ta đã có sổ hồng, sổ đỏ, sổ trắng (hợp đồng mua bán căn hộ chung cư) thì nay có thể cấp cho office-tel một loại sổ như "sổ tím" chẳng hạn"....

 

(TN&MT) – “Ta đã có sổ hồng, sổ đỏ, sổ trắng (hợp đồng mua bán căn hộ chung cư) thì nay có thể cấp cho office-tel một loại sổ như “sổ tím” chẳng hạn”. PGS-TS Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, kiến nghị như trên tại hội thảo “Thị trường căn hộ office-tel: Nhu cầu phát triển và những vướng mắc pháp lý cần tháo gỡ” tổ chức tại TP.HCM ngày 17-3.

Ông Nguyễn Trần Nam - Chủ tịch Hiệp Hội Bất động sản Việt Nam
Ông Nguyễn Trần Nam - Chủ tịch Hiệp Hội Bất động sản Việt Nam

Mơ hồ như... office-tel

Lý giải cho kiến nghị này, PGS-TS Trần Kim Chung lập luận: Về mặt đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất cho nên cần phải nghiên cứu cấp cho office-tel một loại sổ. Theo nghị định mới đây của Chính phủ, đất lấn chiếm nếu không tranh chấp, đã sử dụng ổn định còn được cấp sổ đỏ. “Vậy tại sao một sản phẩm bất động sản như office-tel lại không có một loại sổ riêng? Điều này là rất cần thiết để office-tel “danh chính ngôn thuận” phát triển, chứ không nên để office-tel mơ hồ như hiện tại”, PGS-TS Đặng Kim Chung nói.

Để giải quyết vướng mắc này, PGS-TS Đặng Kim Chung đưa ra năm giải pháp: Thứ nhất, xã hội cần “trải thảm đỏ” cho office-tel phát triển, “nương nhẹ” chứ đừng “dìm hàng”. Thứ hai, nhà nước phải làm “bà đỡ” ươm mầm cho office-tel phát triển bằng cách nhanh chóng hoàn thiện khung pháp lý. Thứ ba, những người làm thị trường bất động sản nên ngồi lại với nhau, thống nhất đưa ra lộ trình phát triển cho mô hình office-tel. Thứ tư, các nhà đầu tư thứ cấp đừng “nóng lạnh” với loại hình này mà nên xác định đúng khả năng của mình. Cuối cùng, bản thân truyền thông cũng nên thông tin với thái độ khách quan, trung thực và trung tính. “Đừng chưa gì đã “xỉa xói” hay “tâng” lên tận trời xanh khiến người mua không đánh giá được khả năng thật của loại hình này”, PGS-TS Đặng Kim Chung nhấn mạnh.

Chủ toạ Hội thảo
Chủ toạ Hội thảo

Chưa có quy định pháp luật về office-tel

Đồng tình, PGS-TS Doãn Hồng Nhung (Đại học Quốc gia Hà Nội), cho biết hiện tại trong hệ thống pháp luật Việt Nam chưa có bất kỳ quy định pháp luật nào điều chỉnh trực tiếp loại hình bất động sản này. Chính vì thế, hiện tại chúng ta phải căn cứ vào Luật Nhà ở 2014 để quản lý mô hình căn hộ office-tel.

Theo đó, Luật Nhà ở 2014 có phân biệt nhà chung cư có mục đích để ở và nhà chung cư có mục đích hỗn hợp để ở và kinh doanh. Trong đó, với nhà chung cư có mục đích hỗn hợp cũng được tách biệt rõ ràng phần dùng để ở và phần dùng để kinh doanh. Đồng thời, theo Khoản 11 Điều 6 Luật Nhà ở 2014 thì chung cư để ở sẽ không được sử dụng vào mục đích khác. “Đến đây một câu hỏi được đặt ra: Khi đăng ký mục đích sử dụng của căn hộ office-tel thì chủ đầu tư nên đăng ký là căn hộ chung cư hay văn phòng cho thuê?”, PGS-TS Doãn Hồng Nhung đặt câu hỏi.

Cũng theo PGS-TS Doãn Hồng Nhung, chính sự nhập nhằng trong công năng của office-tel đã và đang chỉ ra nhiều lỗ hổng trong hệ thống văn bản pháp luật nước ta. Để tìm cách giải quyết cho những bất cập này thì hãy nhìn lại lịch sử phát triển của office-tel đã xuất hiện từ lâu tại các nước phương Tây, thậm chí còn trước cả Hàn Quốc. Họ phân ra thành hai nhóm chính để quản lý: nếu mục đích làm nơi cư trú thì sẽ được xếp vào loại cư trú, còn nếu phần lớn được sử dụng vào mục đích kinh doanh thì xếp vào loại nơi không phải để cư trú.

“Chính nhản, sự phân loại rạch ròi này mà các nhà quản lý có thể dễ dàng quản lý và áp dụng các quy phạm pháp luật đối với bất động sản đa chức năng như office-tel. Nhìn chung, office-tel là kết quả của xu hướng phát triển lẫn lộn. Chính vì thế, Việt Nam đang thể hiện sự lúng túng của mình trong việc xây dựng khung pháp lý đối với loại bất động sản đa chức năng này. Đứng trước sự phát triển không ngừng của thị trường bất động sản, phải thừa nhận rằng khung pháp lý của chúng ta đang bị lạc hậu. Thiết nghĩ, những nhà làm luật cần phải điều chỉnh lại những quy định pháp luật để bắt kịp xu thế hiện nay”, PGS-TS Doãn Hồng Nhung nhận định.

Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cho rằng do đặc thù là loại hình bất động sản mới xuất hiện tại Việt Nam nên hệ thống pháp lý chưa thể kịp thời điều chỉnh. “Hiệp hội Bất động sản Việt Nam sẽ có văn bản kiến nghị đến các cơ quan quản lý nhà nước có các chỉ đạo và văn bản pháp luật hướng dẫn nhằm tạo điều kiện cho phân khúc sản phẩm căn hộ - văn phòng này phát triển phù hợp với tiềm năng, nhu cầu thị trường và đi đúng định hướng”, ông Nguyễn Trần Nam kết luận.

Office-tel là gì?

Office-tel là mô hình căn hộ đa chức năng, vừa là văn phòng làm việc (office) vừa có thể cư trú quan đêm (hotel). Loại hình căn hộ office-tel đáp ứng nhu cầu của nhiều doanh nhân trẻ và các chuyên gia nước ngoài có Văn phòng đại diện, công ty vừa và nhỏ, nhóm nghiên cứu dự án...

Theo CBRE Việt Nam, tại TPHCM, số lượng căn hộ office-tel có sự gia tăng đáng kể trong những năm gần đây và xu thế này được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong năm 2017 với tổng nguồn cung lũy kế ước tính khoảng 8.000 căn vào cuối năm 2017. Trong đó, Vingroup và Novaland hiện là hai chủ đầu tư hoạt động tích cực nhất tại thị trường TPHCM. Còn tại thị trường Hà Nội, hiện cũng đã xuất hiện một số dự án office-tel đầu tiên với tổng nguồn cung khoảng hơn 1.000 căn. Về mặt bằng giá, căn hộ office-tel có giá phổ biến 1.500-3.000 USD/m2. Tuy nhiên, do diện tích căn hộ nhỏ dẫn đến tổng giá trị thấp so với căn hộ chung cư thông thường. Đây cũng là lợi thế cạnh tranh của dòng sản phẩm này.

Trọng Mạnh