Giải phóng mặt bằng ở Cty than Khánh Hòa: Liệu đã đến hồi kết?

Kinh tế - Ngày đăng : 00:00, 27/02/2017

(TN&MT) - Tại dự án bãi thải Tây của Công ty Than Khánh Hòa, nhiều năm nay, việc đền bù ngoài mức giá giữa 2 thời điểm thực thi Luật Đất đai mới và cũ vẫn còn những khiếu nại, đề xuất, đòi hỏi liên quan đến đời sống, an sinh xã hội của người dân có đất bị thu hồi nhưng không được chính quyền giải quyết dứt điểm.

Xác định ảnh hưởng từ dự án mở rộng sản xuất của Công ty Than Khánh Hòa đối với phát triển kinh tế, xã hội, chính trị trên địa bàn cũng như xác định rõ trách nhiệm của doanh nghiệp. Hội đồng GPMB huyện Đại Từ, Công ty Than Khánh Hòa, TCT CN Mỏ Việt Bắc đã cùng phối hợp tổ chức các buổi đối thoại với người dân xóm Ngò (xã An Khánh) nhằm tìm ra tiếng nói chung trong việc thực hiện công tác đền bù, bồi thường.

Trong những cuộc đối thoại đó, người dân đã đưa ra rất nhiều yêu cầu, trong đó tập trung các nội dung như: không chấp nhận đền bù giá cũ; đòi bồi thường thêm cho những dự án đã xong từ những năm 2010; đền bù diện tích đất công, giao thông, kênh mương và đường dân sinh (2ha); Đề nghị cấp nước sinh hoạt, sản xuất cho canh tác tại cánh đồng Bục; Xây dựng riêng 01 nghĩa trang (thực tế có 4 ngôi mộ của 4 hộ dân trong diện tích 29,47ha). 

Cánh đồng Bục đã được cấp nước để phục vụ sản xuất của bà con xã An Khánh
Cánh đồng Bục đã được cấp nước để phục vụ sản xuất của bà con xã An Khánh

Điều đáng nói là những kiến nghị này đã được Công ty Than Khánh Hòa giải quyết thỏa đáng những kiến nghị hợp lý, chính đáng và đúng pháp luật như: Đường mới tránh bãi thải Tây; cấp nước sạch; chi tiền cho các hộ dân tự khoan nước mỗi hộ 3 triệu đồng, xây dựng trạm bơm và hệ thống kênh mương dẫn nước vào cánh đồng Bục phục vụ sản xuất của nhân dân… Tuy nhiên, vẫn trăn trở như lần đền bù từ năm 2012-2013, liệu rằng, sau những cam kết đó, sau những lần chi trả tiền bồi thường đó, Công ty than Khánh Hòa có nhận được mặt bằng phục vụ cho sản xuất hay lại tiếp tục phải giải quyết những đòi hỏi không phù hợp của một số hộ dân và tiếp tục bị cản trở không cho công ty sử dụng diện tích đất trên? 

Cái khó lúc này là người dân luôn tính đến lợi ích của họ, nhưng liệu rằng chính quyền có quyết liệt khi số ít không hợp tác mà tính đến lợi ích chung hay không?.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trương Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã An Khánh còn chưa dám khẳng định được liệu có chấm dứt tình trạng khiếu kiện, ngăn cản sản xuất sau khi nhận tiền bồi thường của người dân hay không. Ông cũng cho biết, hầu hết các hộ dân đều đồng tình ủng hộ với phương án được công khai tại cuộc đối thoại tháng 10/2016. Nhưng trong số đó vẫn còn một số hộ không chịu hợp tác mà đưa ra những đòi hỏi không hợp pháp, không chính đáng. Như yêu cầu về bồi thường phần đất của một số hộ hiến đất để làm đường hay đường giao thông, kênh mương là không có cơ sở pháp lý.

Quyết định số 215/QĐ-UBND ngày 24/01/2017 của Ủy ban Nhân dân huyện Đại Từ về việc việc phê duyệt bổ sung phương án bồi thường, hỗ trợ về dự án bãi thải Tây của Công ty than Khánh Hòa được ban hành. Mức tiền của phương án bổ sung này tăng thêm trên 20 tỷ đồng so với mức tiền đã được phê duyệt từ năm 2014. Được biết, để có được Quyết định phê duyệt về bồi thường bổ sung dự án bãi thải Tây, trên cơ sở lấy lợi ích của người dân làm trọng tâm, Hội đồng GPMB huyện Đại Từ đã cố gắng đảm bảo tối đa lợi ích cho người dân nhưng vẫn tuân thủ quy định của pháp luật.

Bà con nhận tiền đền bù, bồi thường chênh lệch và cam kết hoàn trả mặt bằng vào ngày 21/2/2017
Bà con nhận tiền đền bù, bồi thường chênh lệch và cam kết hoàn trả mặt bằng vào ngày 21/2/2017

Về phía doanh nghiệp, ông Vũ Đình Lên – Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc TKV-CTCP cho biết, trong thời gian qua nếu không có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền xã An Khánh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên và sự chia sẻ của những hộ dân trên địa bàn hẳn Công ty Than Khánh Hòa sẽ tiếp tục đối mặt với những khó khăn khó lường.

Biết rằng, GPMB ách tắc chậm trễ có thể có nguyên nhân từ nhiều phía, nhưng một trong số những nguyên nhân chính đó là thái độ bất hợp tác, cố tình trì hoãn vì mục đích cá nhân của một số ít hộ dân. Câu hỏi đặt ra là: “Dự án chậm tiến độ và đã phát sinh chi phí đến hàng trăm tỷ đồng trong thời gian qua là một minh chứng. Vậy có nên vì một số ít hộ dân không hợp tác, chây ì với những khiếu nại, đòi hỏi quá đáng thì có nên kéo dài sự đối thoại, ủng hộ?”.

Ngay lúc này, gần 900 lao động của Công ty than Khánh Hòa mong chờ sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng liên quan, chính quyền huyện Đại Từ, UBND tỉnh Thái Nguyên nhằm thực hiện nghiêm túc chính sách pháp luật về đền bù, giải phóng mặt bằng của người dân và hơn hết sớm chấm dứt tình trạng khiếu nại, đòi hỏi quá đáng, bất hợp tác tại dự án bãi thải Tây. Thiết nghĩ, Hội đồng GPMB, UBND huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên cần có biện pháp bảo vệ để doanh nghiệp thực hiện các hoạt động sản xuất kinh doanh. Đó cũng chính là một trong những trách nhiệm đối với doanh nghiệp của chính quyền, nhân dân tỉnh Thái Nguyên trong phát triển kinh tế xã hội.

Với những bài học kinh nghiệm trong công tác GPMB, tin rằng, chính quyền, doanh nghiệp và người dân sẽ tìm được tiếng nói chung và khi lòng dân thuận thì mọi việc đều thành công, "Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong".

                                                                                                                                Sông Thương