Xây dựng trung tâm logistics để thúc đẩy vùng kinh tế trọng điểm miền Trung

Kinh tế - Ngày đăng : 00:00, 10/11/2016

(TN&MT) - Quy hoạch phát triển hệ thống Trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã xác định vùng miền Trung - Tây Nguyên hình thành và phát triển 6 Trung tâm Logistics hạng I, hạng II và 1 Trung tâm Logistics chuyên dụng hàng không tại địa bàn các vùng, tiểu vùng và hành lang kinh tế...

Vừa qua, tại TP. Đà Nẵng, Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm miền Trung phối hợp UBND thành phố Đà Nẵng và Nhóm Tư vấn hợp tác Phát triển vùng duyên hải miền Trung cũng đã tổ chức Hội thảo "Liên kết xây dựng hệ thống và Trung tâm Logistics tại vùng kinh tế trọng điểm miền Trung" đã chỉ rõ nhu cầu bức thiết phải thành lập trung tâm logistics đồng thời đưa ra giải pháp để tháo gỡ khó khăn, nhanh chóng xây dựng trung tâm logistics.

Thành lập trung tâm logistics là nhu cầu bức thiết

Khu kinh tế trọng điểm (KTTĐ) miền Trung có 5 đơn vị hành chính gồm: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định với gần 20 cảng biển lớn, nhỏ, nhưng tổng sản lượng hàng hóa qua cụm cảng năm 2014 đạt 55,5 triệu tấn, chiếm 13% thị phần cảng cả nước, trong đó sản lượng hàng container chỉ chiếm 2,8% thị phần cả nước. Theo ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch hội Logistics Việt Nam thì nguyên nhân chủ yếu là do năng lực sản xuất cũng như thị trường ở miền Trung quá nhỏ lẻ, các khu công nghiệp hoạt động chưa hiệu quả nên chưa tạo ra nguồn hàng đủ lớn và ổn định để cung cấp cho cả nước.

Hiện nay, ở khu vực miền Trung, mật độ cảng biển dày đặc nên nguồn vốn đầu tư dàn trải, quy mô đầu tư dừng lại ở mức độ nhỏ lẻ, thiếu cầu bến cho tàu trọng tải lớn, đặc biệt là các cầu bến cho tàu container vận hành trên tuyến biển xa. Vì vậy, các cảng miền Trung chỉ mới hoạt động mang tính chất gom hàng rồi đem đến các cảng Hải Phòng hoặc thành phố Hồ Chí Minh để xuất. Ngoài ra, theo Thông tư 17 của Bộ Giao thông vận tải, sân bay quốc tế Đà Nẵng không được quá cảnh hàng hóa sang Lào, điều này vô hình trung cản trở sự phát triển của ngành dịch vụ logistics vốn còn non trẻ nhưng đầy tiềm năng của Đà Nẵng và khu vực.

Các nghiên cứu gần đây cho thấy, nguồn nhân lực trong ngành logistics Việt Nam hiện còn yếu và thiếu hụt về cả số lượng lẫn chất lượng. Thực tế, nguồn nhân lực logistics hiện nay có đến 80,26% số người tự tích lũy kiến thức về logistics. Nguồn cung nhân lực logistics trình độ đại học ở Việt Nam còn rất yếu, cả nước chỉ mới có một số cơ sở giáo dục đại học có đào tạo chuyên ngành logistics nhưng số lượng hạn chế. Trong khi đó, ở khu vực duyên hải miền Trung hiện chỉ có Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) đào tạo chuyên ngành logistics với quy mô tuyển sinh từ 100-250 chỉ tiêu/năm. Mặt khác, theo nhiều công ty vận tải, chi phí cho hoạt động này ở miền Trung quá cao.

Nhiều chuyên gia kinh tế của các nước trong khu vực EWEC cũng cho rằng, hiện nay, có nhiều nhà cung cấp dịch vụ vận tải qua biên giới nhưng các thủ tục chưa rõ ràng, nhân viên hải quan lúng túng khi làm thủ tục, cơ chế pháp lý giữa các thành viên trên tuyến chưa đồng nhất. Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng vận tải đa phương thức đang gặp những khó khăn, thách thức trong vận chuyển hàng hóa qua biên giới bằng đường bộ; trong đó có việc thủ tục giám sát các lô hàng của cơ quan hải quan còn phức tạp, rườm rà; chi phí không chính thức gia tăng...

Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, Hồ Kỳ Minh cho rằng, với vị trí là điểm cuối của tuyến EWEC, Đà Nẵng được xác định là cửa ngõ chính ra Biển Đông, cảng Đà Nẵng được xem là cảng chủ lực của tuyến hành lang này và trở thành cảng container có quy mô lớn nhất miền Trung cho phép hàng hóa giữa các nước tuyến EWEC được lưu chuyển dễ dàng... Nhờ đó, quan hệ trao đổi giữa Đà Nẵng và các nước EWEC, và thông qua đó thâm nhập vào các nước ASEAN đạt được nhiều kết quả khả quan. Tuy nhiên, lợi ích mang lại còn nhỏ bé so với tiềm năng và yêu cầu đặt ra. Từ thực tế đó, cần phải có những định hướng, giải pháp phù hợp nhằm phát triển thương mại xuyên biên giới, nêu cao tinh thần liên kết, hợp tác vì sự phát triển bền vững giữa các nước tiểu vùng sông Mekong.

Tháo gỡ khó khăn để hình thành trung tâm logistic

Để kết nối 5 địa phương vùng kinh tế trọng điểm, khai thác hiệu quả 5 tuyến hành lang kinh tế, thúc đẩy lưu thông hàng hóa, xuất nhập khẩu và tiêu thụ sản phẩm cho các ngành và địa phương cần có chính sách đầu tư xây dựng các trung tâm logistics.

Theo GS,TS Trần Văn Nam, Giám đốc Đại học Đà Nẵng, để phát triển ngành dịch vụ logistics, nguồn nhân lực rất quan trọng. Vì vậy, cần gia tăng quy mô đào tạo nguồn nhân lực từ các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn. Một mặt, các trường đào tạo ngành này cần tăng cường đội ngũ giảng viên tiếp cận với chuẩn quốc tế nhằm mở rộng quy mô đào tạo. Mặt khác, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên theo hướng phát triển chuyên sâu thông qua hoạt động đào tạo mới, đào tạo lại và đặc biệt là tích lũy kinh nghiệm thực tế về lĩnh vực logistics. Về phía doanh nghiệp logistics, cần hợp tác chặt chẽ với các trường đại học, các trung tâm logistics để thực hiện nhiệm vụ đào tạo lại, đào tạo bổ sung cho đội ngũ cán bộ nhân viên làm việc trong các công đoạn khác nhau của logicstics.

Đồng thời, Phải có chính sách đặc thù về đất cho xây dựng các trung tâm logistics tại vùng KTTĐ nhằm thực hiện liên kết kinh tế hiệu quả giữa các ngành, địa phương và các doanh nghiệp trong vùng, thông qua đó thúc đẩy sản xuất, lưu thông và xuất nhập khẩu hàng hóa. Có chính sách thu hút nhân lực logistics chất lượng cao và đẩy nhanh công tác đào tạo nguồn nhân lực logistics cho vùng KTTĐ miền Trung, trước hết là cho các trung tâm logistics.

Chủ tịch Hội đồng vùng KTTĐ, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho rằng, chính quyền các địa phương trong vùng cần xác định ngành logistics là “chất keo” tổ chức, gắn kết cho nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ giúp các chuỗi cung ứng nâng cao giá trị gia tăng và cải thiện năng lực canh tranh. Do đó, cần nâng cao nhận thức không chỉ cho các bộ phận quản lý Nhà nước mà còn cho một bộ phận các doanh nghiệp trong phương thức cung cấp hàng hóa, dịch vụ, để hoạt động logistics vùng KTTĐ miền Trung không còn là lĩnh vực đầu tư mạo hiểm chứa đầy thách thức và rào cản đối với các doanh nghiệp.

Có chính sách huy động và quản lý sử dụng hiệu quả các nguồn vốn từ ngân sách, viện trợ, vốn vay của các tổ chức trong và ngoài nước cùng các hình thức đầu tư phù hợp. Đại học Đà Nẵng, Đại học Huế tạo điều kiện tối đa để đẩy nhanh công tác đào tạo nguồn nhân lực logistics cho vùng KTTĐ miền Trung thông qua việc nâng cao chất lượng giảng viên chuyên ngành logistics; liên kết với các trường đào tạo logistics tiên tiến trên thế giới; hoàn thiện các chương trình đào tạo logistics chuyên sâu cho các bậc học chính... nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho doanh nghiệp trong vùng...

Bài & ảnh: Anh Dũng - Yến Nhi