Phí môi trường trong khai thác khoáng sản: Cần thu sát thực tế

Kinh tế - Ngày đăng : 00:00, 07/06/2016

(TN&MT) - Việc áp dụng công cụ phí bảo vệ môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản thời gian qua đã góp phần hạn chế khai thác tràn lan, giảm ô nhiễm môi trường, tạo được nguồn kinh phí đáng kể cho địa phương để đầu tư trở lại khắc phục hậu quả môi trường. Tuy vậy, sau 5 năm thực hiện, bên cạnh mặt tích cực đã nảy sinh một số bất cập, đòi hỏi cách tính phí hoàn thiện hơn.

Nảy sinh nhiều bất cập

Ngày 25/8/2011, Chính Phủ ban hành Nghị định số 74/2011/NĐ-CP quy định về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản. Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, mức thu phí đối với một số khoáng sản còn chưa tương xứng với mức độ gây ô nhiễm môi trường do hoạt động khai thác khoáng sản gây ra, chưa có sự phân biệt theo công nghệ khai thác, do đó, không khuyến khích được việc áp dụng công nghệ mới trong khai thác khoáng sản. Bên cạnh đó, mức thu cũng chưa tính đến đặc thù của từng loại khoáng sản khai thác và chưa có sự phân biệt theo hàm lượng khoáng sản, do đó, không khuyến khích các mỏ tận thu khai thác.

Thu phí môi trường khai thác khoáng sản đòi hỏi cách tính phí hoàn thiện hơn.  Ảnh: MH
Thu phí môi trường khai thác khoáng sản đòi hỏi cách tính phí hoàn thiện hơn. Ảnh: MH

Có doanh nghiệp cho rằng, khoáng sản nằm trong lòng đất, không gây ô nhiễm, khi khai thác mới gây ô nhiễm. Như vậy, mức độ ô nhiễm sẽ không phải do khoáng sản gây ra mà do quá trình khai thác. Do đó, công nghệ khai thác sẽ quyết định mức độ gây ô nhiễm nhiều hay ít. Công nghệ khai thác hiện đại sẽ gây ít ô nhiễm hơn so với công nghệ lạc hậu. Tuy vậy, vấn đề là lấy tiêu chí nào để xác định mức độ gây ô nhiễm, nếu lấy công nghệ để đo mức độ gây ô nhiễm, phải đo như thế nào để xác định đây là công nghệ tiên tiến, còn kia là công nghệ lạc hậu?

Từ thực tế đó, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Bộ Tài chính đã lấy ý kiến của doanh nghiệp về việc sửa đổi Nghị định 74/2011/NĐ-CP về phí bảo vệ môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản. Theo đó, quy định mức thu phí, đơn vị tính thu phí bảo vệ môi trường đối với từng loại khoáng sản, vừa bảo đảm phù hợp với nguyên tắc Luật Bảo vệ môi trường, gây ô nhiễm nhiều phải nộp phí nhiều và ngược lại; đồng thời, bảo đảm phù hợp với nguyên tắc của Pháp lệnh phí và lệ phí là mức thu phí phải tính đến khả năng đóng góp của người nộp, có tính đến những chính sách của Nhà nước trong từng thời kỳ.

Cách tính phí mới

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 66/2016/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Nghị định số 12/2016/NĐ-CP của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản.

Theo quy định tại Thông tư này, phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản phải nộp trong kỳ nộp phí được tính toán dựa theo số lượng đất đá bốc xúc thải ra trong kỳ nộp phí; số lượng quặng khoáng sản nguyên khai khai thác trong kỳ; mức phí đối với số lượng đất đá bốc xúc thải ra; mức phí tương ứng của từng loại khoáng sản khai thác và hệ số tính phí theo phương pháp khai thác. Riêng số lượng đất đá bốc xúc thải ra trong quá trình khai thác than sẽ không thu phí đến hết năm 2017.

Cách tính phí này đã có sự thay đổi và chi tiết hơn so với cách tính phí hiện hành chỉ dựa trên số lượng từng loại khoảng sản khai thác trong kỳ và mức phí phải nộp của từng loại khoáng sản tương ứng đang được quy định trong Thông tư số 158/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 74/2011/NĐ-CP của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản. Ngoài công thức tính, Thông tư số 66 cũng bổ sung một số quy định trong quản lý số phí thu được. Theo đó, phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản, không kể dầu thô và khí thiên nhiên, khí than là khoản thu ngân sách địa phương hưởng 100% để hỗ trợ cho công tác bảo vệ và đầu tư cho môi trường tại địa phương nơi có hoạt động khai thác khoáng sản.

Các nội dung chi bao gồm: Phòng ngừa và hạn chế các tác động xấu đối với môi trường tại địa phương nơi có hoạt động khai thác khoáng sản; khắc phục suy thoái, ô nhiễm môi trường do hoạt động khai thác khoáng sản gây ra; giữ gìn vệ sinh, bảo vệ và tái tạo cảnh quan môi trường tại địa phương nơi có hoạt động khai thác khoáng sản.

Phí bảo vệ môi trường đối với dầu thô và khí thiên nhiên, khí than là khoản thu ngân sách Trung ương hưởng 100% để hỗ trợ cho công tác bảo vệ và đầu tư cho môi trường.

Thông tư cũng quy định, trước ngày 31/3 hàng năm, cơ quan thu phí bảo vệ môi trường có trách nhiệm thông tin công khai số lượng khoáng sản khai thác, số lượng đất đá bốc xúc thải ra, số phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản mà doanh nghiệp đã nộp của năm trước trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử của cơ quan thu phí và các hình thức phù hợp khác để người dân được biết.

Thông tư này có hiệu lực từ 13/6/2016 và áp dụng cho kỳ kê khai, nộp phí từ tháng 5/2016. Thông tư này thay thế Thông tư số 158/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 74/2011/NĐ-CP của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản.

 Phạm Thu Hà