Nhiều nỗi lo của ngư dân với tàu vỏ thép

Kinh tế - Ngày đăng : 00:00, 10/04/2016

(TN&MT) – Thời gian gần đây, nhiều tàu vỏ thép hiện đại, có công suất lớn được đóng mới bằng nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước nhưng qua sử dụng không hiệu quả vì nhiều nguyên do, nhưng nặng nhất là “lỗi thiết kế”. Điều này khiến người dân băn khoăn việc đóng mới tàu vỏ thép.
Tàu vỏ thép Sang Fish 01 của ngư dân Lê Văn Sang (phường Thuận Phước, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng) sau thời gian hoạt động không ổn định, trục trặc do lỗi thiết kế nên trả lại cho đơn vị đóng tàu là Cty TNHH MTV Đóng tàu Nha Trang
Tàu vỏ thép Sang Fish 01 của ngư dân Lê Văn Sang (phường Thuận Phước, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng) sau thời gian hoạt động không ổn định, trục trặc do lỗi thiết kế nên trả lại cho đơn vị đóng tàu là Cty TNHH MTV Đóng tàu Nha Trang

Ngư dân trả lại "tàu vỏ thép" vì đi biển là lỗ

Đầu tháng 4/2016 vừa qua, ngư dân Phan Thu (xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) trả lại con tàu vỏ sắt QNa- 95997TS cho Công ty TNHH MTV Đóng và sửa chữa tàu Hải Sơn (Tổng Công ty Sông Thu, Bộ Quốc phòng) vì thu không đủ bù chi và hư hỏng, con tàu lại rung lắc mạnh nên không đánh bắt được.

Tàu QNa- 95997TS dài hơn 25m, rộng 6.5m, công suất máy chính 822 CV và 1 máy phát điện công suất 20KW, có khả năng đánh bắt cả ngày và đêm; được bàn giao cho anh Phan Thu vào ngày 17/11/2015. Đây là tàu đánh cá vỏ sắt đầu tiên mà ngư dân tỉnh Quảng Nam được Nhà nước cho vay vốn ưu đãi theo Nghị định 67. Anh Phan Thu cho biết: Ngay từ chuyến đi biển đầu tiên, tàu đã bị hỏng. Lưới quá nặng mà tời kéo không đủ lực nên  ngư dân không thể đưa được lưới lên tàu bằng tời máy đó. Đi 2 chuyến biển đều lỗ 200 triệu. “Nguyên nhân chính của hư hỏng này là do từ thiết kế”- ông Phan Thu cho biết thêm.

Cùng chung số phận, sau gần 2 năm đưa vào sử dụng con tàu vỏ thép Sang Fish 01, ngày 2/4/2016, ngư dân Lê Văn Sang (phường Thuận Phước, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng) đã giao trả lại con tàu này cho Công ty TNHH MTV Đóng tàu Nha Trang (thuộc Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam). Chiếc tàu vỏ thép Sang Fish 01 có công suất 750CV, dài hơn 25m, rộng 8m là sản phẩm thử nghiệm theo thiết kế riêng của Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam. Công ty TNHH MTV Đóng tàu Nha Trang ứng vốn 7 tỷ đồng theo chương trình thí điểm đóng tàu vỏ thép cho ngư dân của Chính phủ, anh Sang là người chạy thử nghiệm nên không bỏ tiền ra đóng tàu mà chỉ bỏ tiền ra mua sắm ngư lưới cụ hơn 4 tỷ đồng. Hợp đồng giữa 2 bên cam kết, nếu đưa tàu vào sử dụng, tàu hoạt động ổn định, an toàn thì mỗi năm anh Sang phải trả lại cho Công ty TNHH MTV Đóng tàu Nha Trang 1 tỷ đồng cho đến khi hoàn đủ vốn. Ngược lại, nếu tàu hoạt động không ổn định, trục trặc do lỗi thiết kế thì anh Sang sẽ trả lại tàu cho Công ty.

Tuy nhiên, kể từ khi hạ thủy, đưa vào sử dụng (7/2014) đến nay, ngư dân Lê Văn Sang mới đi được 10 chuyển biển. Thế nhưng, trong 10 chuyến này có đến 4 chuyến gặp sự cố và hư hỏng (chủ yếu là hỏng tời, máy chính mất tải, tàu lắc mạnh); chi phí sửa chữa hơn 900 triệu đồng, trong đó nặng nhất là chuyến đi biển đầu tiên, tàu bị hỏng và sửa chữa mất 500 triệu đồng. 6 chuyến còn lại thu về 2,2 tỷ đồng, lãi hơn 700 triệu đồng.

Trước đó, từ giữa năm 2015, ông Mai Thành Văn (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), chủ tàu cá Hoàng Anh 01 cũng đã quyết định trả lại tàu cho đơn vị đóng tàu là Công ty TNHH MTV Đóng tàu Nha Trang. Trong 5 chuyến con tàu này ra khơi, có đến 3 chuyến tàu bị hỏng hóc, lúc thì hư tời, khi thì hỏng máy.

Nan giải bài toán giải quyết

Tại tỉnh Quảng Nam, ngư dân Trần Công Kỳ (thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang, huyện Núi Thành) cho biết, chiếc tàu vỏ thép QNa- 90318TS có công suất 822CV của của anh ngay sau chuyến biển thử nghiệm vừa qua đã hỏng hệ thống điện trên tàu. Anh Trần Công Kỳ tỏ ra bức xúc: “Tàu cá QNa- 90318TS có chiều cao 3.9m, rộng 7.8m, dài 30.8m, có đầy đủ trang thiết bị hiện đại phục vụ cho sản xuất lớn của nghề khai thác hải sản xa bờ. Thế nhưng, chưa sản xuất chính thức mà tàu đã bị hỏng hệ thống phát điện nên tôi rất lo lắng. Lỡ khi ra khơi xa mà các bộ phận khác của tàu cá bị trục trặc chi thì mệt lắm. Chỉ cầu mong chuyến mở biển của tàu sắp tới sẽ thuận buồm, xuôi gió…”.

Rút kinh nghiệm từ những trường hợp trên, ngư dân Bùi Thế Cả (tỉnh Quảng Nam) hiện đang đóng mới tàu vỏ thép tại Công ty TNHH MTV Đóng và sửa chữa tàu Hải Sơn (Tổng Công ty Sông Thu, Bộ Quốc phòng) cho biết, sẽ phải sửa chữa lại một số chi tiết trên tàu cá đang dần hoàn thành vì thiết kế không phù hợp với tập quán sản xuất.

“Qua khảo sát, tìm hiểu tàu vỏ thép của những người đóng trước, tôi nhận thấy tàu mình đang đóng cũng có một số khuyết điểm như phần mũi và phần lái có độ cao không cân đối. Sự ổn định của tàu cá khi đang hoạt động trên biển đòi hỏi phải có mức độ chịu đựng với sóng, với gió cao. Hệ thống nhiên liệu, hầm bảo quản hải sản và các trang, thiết bị khác cũng phải được lắp đặt sao cho cân đối hơn theo yêu cầu cân bằng trên tổng thể tàu cá”- ông Bùi Thế Cả chia sẻ.

Tàu vỏ thép QNa- 90318TS của ngư dân Trần Công Kỳ (xã Tam Quang, huyện Núi Thành) sau chuyến đi biển thử nghiệm đã hỏng hệ thống điện
Tàu vỏ thép QNa- 90318TS của ngư dân Trần Công Kỳ (xã Tam Quang, huyện Núi Thành) sau chuyến đi biển thử nghiệm đã hỏng hệ thống điện

Ngư dân Lê Trung Thành (xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) bộc bạch do chưa tiếp cận được công nghệ tàu vỏ thép bởi lâu nay, ngư dân chủ yếu điều khiển tàu gỗ, nhiều ngư dân còn phân vân về điều khiển tàu vỏ thép. Do vậy, các ngành chức năng tỉnh, Trung ương nên mở lớp tập huấn hướng dẫn hoặc tuyên truyền để ngư dân hiểu về điều kiện lái tàu, lợi ích của tàu vỏ thép so với tàu gỗ và mở lớp đào tạo thuyền trưởng cho tàu vỏ thép… Có vậy, ngư dân mới mạnh dạn đầu tư. Đồng tình với ý kiến trên, ngư dân Trần Công Kỳ (xã Tam Quang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) cho rằng, nếu đã sử dụng tàu vỏ thép thì cũng đồng nghĩa với việc phải đánh bắt biển xa. Mà đã đi biển xa nhưng tàu hay bị hỏng máy thì rất nguy hiểm. Vì thế, chính quyền tỉnh Quảng Nam nên tổ chức một số lớp bồi dưỡng về kỹ thuật máy tàu cho các đối tượng thuyền trưởng, máy trưởng. Bởi thực tế các thuyền trưởng, máy trưởng trước đây chỉ quen với tàu vỏ gỗ, loại có công suất không lớn và không phức tạp như tàu vỏ thép.

Ngoài các khó khăn trên, một bất cập nữa đối với ngư dân đang sử dụng tàu vỏ thép là ít có nơi để neo đậu.

Nghị định 67 của Chính phủ ra đời ưu đãi về vốn vay cho ngư dân đóng tàu vỏ thép vươn ra khơi xa bám biển dài ngày là phù hợp với nguyện vọng của nhiều bà con ngư dân. Nhưng để người dân an tâm đóng mới tàu vỏ thép, thì Nhà nước cần quan tâm đến chất lượng thiết kế con tàu, công tác bảo hành khi có sự cố, công tác đào tạo lái tàu và bố trí chỗ neo trú tàu… có như vậy dự án đóng tàu vỏ thép mới khả thi. 

Anh Dũng