Ước gì, mắc ca sẽ không "đắng" như cà phê!

Kinh tế - Ngày đăng : 00:00, 21/11/2015

(TN&MT) - Sau lần góp đất rồi nhận “trái đắng” từ cây cà phê, người dân một số xã của huyện Tuần Giáo ( Điện Biên) lại “đánh liều” thêm một lần góp đất để trồng cây mắc ca.

Từ năm 2012 đến năm 2014, cây mắc ca được triển khai trồng thí điểm, rải rác trong các hộ dân tại 3 xã Quài Cang, Quài Nưa và Quài Tở  của huyện Tuần Giáo, với diện tích hơn 20ha.

Năm 2015, Công ty Maccadimia Điện Biên tiếp tục triển khai kế hoạch trồng 100ha tại xã Quài Nưa và dự kiến sẽ trồng 1.000ha trong thời gian tới với phương thức người dân góp đất, doanh nghiệp bỏ vốn. Sau khi cây có quả cho thu hoạch, tỷ lệ chia sản phẩm cho người góp đất là 15% trên sản lượng thu hoạch quả.

Tuy nhiên, phía chính quyền cũng như một số hộ dân xã Quài Nưa đang rất hoài nghi và mông lung về loại cây trồng mới này, từ việc “ăn chia” lợi nhuận cho đến hiệu quả sau đầu tư và cuối cùng là đầu ra của sản phẩm. Theo thông tin chia sẻ từ phía các hộ dân xã Quài Nưa thì phía Công ty Maccadimia Điện Biên sẽ tiêu bao toàn bộ sản phẩm khi cây mắc cho thu hoạch, còn trước mắt đơn vị này sẽ đầu tư toàn bộ chi phí cho việc trồng và chăm sóc cây mắc ca về giống cây, phân bón, công đào hố, kỹ thuật chăm sóc...Phía người dân chỉ việc góp đất để thực hiện dự án và được chia giá trị thặng dư sau khi cây mắc ca cho thu hoạch.

Quả mắc ca. Ảnh minh họa
Quả mắc ca. Ảnh minh họa

Song, tính đến thời điểm này, người dân cũng như chính quyền xã Quài Nưa mới chỉ được tham gia duy nhất 1 buổi hội thảo của phía Công ty Maccadimia Điện Biên được tổ chức. Ngoài ra, chưa có một hợp đồng nguyên tắc hay biên bản ghi nhớ gì thể hiện sự tương tác giữa người dân và phía doanh nghiệp.  

Ông Cà Văn Ánh, Phó Chủ tịch UBND xã Quài Nưa, cho biết: “Tôi không hiểu phía công ty này làm ăn thế nào, thông qua những đâu. Nhưng bản thân tôi phụ trách nông lâm tại địa bàn xã từ nhiều năm nay cũng như đồng chí Chủ tịch xã mới nhận nhiệm vụ và cả phía các đồng chí bên Đảng ủy chưa nhận được văn bản chính thức nào của cấp trên chỉ đạo, cho phép Công ty Maccadimia Điện Biên vào trồng cây mắc ca tại địa bàn, mà mới chỉ nghe qua chủ trương huyện giao bằng…miệng. Thực sự chúng tôi băn khoăn, lo lắng, loay hoay chưa biết xử trí ra sao. Trong khi đó, người của Công ty Maccadimia Điện Biên, một số cán bộ phòng ban và cả lãnh đạo huyện đã về chỉ đạo, giám sát việc người dân đào hố, kiểm tra diện tích trồng xen canh cùng cây cà phê”.

Trước đó, một bài học “đắt giá” đã từng xảy ra tại xã Quài Nưa, hơn 100 hộ dân thuộc 3 bản Bó Ráng đã góp đất cho Công ty CP cà phê Thái Hòa Mường Ảng, trồng cà phê với diện tích 130ha. Người dân chưa kịp  “ăn chia” lợi nhận thì Công ty Thái Hòa này đã phá sản, đến nay vẫn chưa thanh lý hợp đồng với các hộ dân.

Thực tế nhiều năm qua, không chỉ có cây phê, Tuần Giáo đã có nhiều bài học về một số loại cây ban đầu được xác định là cây có thể giúp người dân thoát nghèo như: cây quế, cây cao su…Nhưng đến nay chưa có một loại cây nào giúp người dân thoát nghèo bền vững. Bài học nào cũng đắt, cái giá người dân phải trả diện tích canh tác cây lương thực dần ít đi, diện tích các loại cây như: cây quế, cà phê, cao su... giờ là cây mắc ca ngày một tăng lên nhưng vẫn chưa có cây nào giúp người dân Tuần Giáo thoát nghèo bền vững.

Cây mắc ca trồng thí điểm tại xã Quài Nưa, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên
Cây mắc ca trồng thí điểm tại xã Quài Nưa, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên

Trao đổi với chúng tôi, Ông Vũ Văn Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo cho biết: Hiện nay, Công ty Maccadimia Điện Biên đang gấp rút hoàn thiện hồ sơ thủ tục cấp đất, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Từ đó mới có cơ sở căn cứ để thương thảo, hợp đồng với chính quyền xã và các hộ dân. Song có một điều chúng tôi nhận thấy rõ ràng, phía doanh nghiệp này đã bỏ tiền đầu tư rất nhiều để triển khai dự án trồng mắc ca tại huyện. Việc người dân góp đất trồng mắc ca sẽ có lợi hơn so với việc góp đất trồng cao su; tỷ lệ chia sản phẩm cho người góp đất là 15% trên sản lượng thu hoạch quả (nghĩa là thu được 1 tấn quả mắc ca thì người dân có trong đó 1,5 tạ). Tại thời điểm này, Công ty đã đầu tư vườn ươm tại thị tứ Minh Thắng và thuê người dân đào gần 2.000 hố tại xã Quài Nưa.

Thiết nghĩ, chính quyền nào cũng mong người dân có đời sống kinh tế phát triển và ổn định; doanh nghiệp nào bỏ vốn đầu tư cũng mong có lợi nhuận; người dân nào cũng ước mơ có cuộc sống khá giả…Song, làm thế nào để Công ty Maccadimia Điện Biên đầu tư cây mắc ca trên địa bàn Tuần Giáo được thuận lợi; chính quyền có đủ hành lang pháp lý quản lý doanh nghiệp đầu tư tại địa bàn; người dân được đảm bảo quyền lợi chính đáng….đó là điều mà UBND tỉnh Điện Biên và UBND huyện Tuần Giáo cần phải tính đến.

Còn với người dân huyện Tuần Giáo, họ không bao giờ mong muốn nhận được “trái đắng” như  cây cà phê mà Công ty CP cà phê Thái Hòa đã từng đem tới.

Bài & ảnh: Trần Hương