Dựng rào chắn với ngành sản xuất gây ô nhiễm

Kinh tế - Ngày đăng : 00:00, 05/11/2015

 (TN&MT) - Sau một thời gian chạy theo phát triển kinh tế xem nhẹ môi trường đến nay nhiều địa phương như  Ninh Bình, Đà Nẵng, Đồng Nai… đã “tỉnh ngộ” và “nói không”với những dự án phát triển kinh tế nhưng ảnh hưởng lớn tới môi trường. Tới đây sẽ còn nhiều địa phương khác cũng sẽ thực thi điều này khi môi trường đang trở thành vấn đề bức xúc của xã hội.

Không thu hút đầu tư bằng mọi giá  

Theo cảnh báo của các chuyên gia trong 10 năm tới, GDP của Việt Nam có thể tăng gấp đôi, nhưng nếu không quan tâm đúng mức thì ô nhiễm môi trường sẽ tăng gấp 3 so với hiện nay, thậm chí đến năm 2025 có thể gấp 4-5 lần. Trung bình, cứ tăng 1% GDP thì thiệt hại do ô nhiễm môi trường đã làm mất đi 3% GDP. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng: Đây là cảnh báo mà chúng ta phải quan tâm. Trên thực tế, vẫn còn tình trạng coi trọng lợi ích trước mắt hơn việc bảo vệ môi trường bền vững, lâu dài. Vì vậy, tại Hội nghị môi trường toàn quốc lần thứ 4 vừa qua Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu các các cấp, ngành: Không cho phép thực hiện các dự án đầu tư, sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm môi trường. Kiểm soát chặt chẽ, không để nước ta trở thành bãi thải công nghiệp lạc hậu của các nước phát triển.

Người đứng đầu Bộ Tài nguyên & Môi trường đã thẳng thắn chia sẻ: Các lãnh đạo địa phương muốn thu hút đầu tư, phát triển kinh tế địa phương nên đã nới tay cho cơ sở sản xuất, kinh doanh liên quan đến vấn đề môi trường. Nhưng các đồng chí nên hiểu rằng nhìn vào cái lợi trước mắt, ta sẽ phải trả giá rất lâu dài và ảnh hưởng đến nhiều thế hệ mai sau.

Nhiều địa phương
Nhiều địa phương "nói không" với những dự án phát triển kinh tế ảnh hưởng tới môi trường. Ảnh: HM

Một thời gian dài chúng ta "trải thảm đỏ” để thu hút các dự án có vốn đầu tư nước ngoài, ưu ái, dung túng cho cả việc sử dụng công nghệ lạc hậu của các DN FDI hiện nay, những dự án ngốn hàng ngàn ha đất nhưng lại không triển khai gây lãng phí tài nguyên. Đến nay nhiều địa phương đã nếm trải hậu quả của phát triển công nghiệp ồ ạt gây ô nhiễm môi trường. Không chỉ gây ô nhiễm, việc khắc phục hậu quả còn kéo dài nhiều năm, thậm chí cả đời người. Cùng với đó, sinh kế người dân, môi trường sống, sức khỏe bị ảnh hưởng là những hậu quả khó đo đếm được và cũng khó tính thành tiền nếu đền bù. Vì vậy, nhiều địa phương đã khôn ngoan tìm đến hướng đi bền vững.

Nói không với ngành sản xuất gây ô nhiễm

Để đảm bảo môi trường xanh, sạch Đà Nẵng chỉ trải thảm đỏ cho nhà đầu tư bền vững. Lãnh đạo thành phố này đã từ chối cả tỷ USD vì môi trường sống của người dân thành phố. Năm 2011, thành phố này không chấp thuận cho hai tập đoàn nước ngoài đầu tư dự án thép và sản xuất bột giấy có tổng vốn lên đến 4 tỉ USD vì sợ ô nhiễm môi trường. Cùng vì mối lo này, đầu năm 2015, Đà Nẵng tiếp tục từ chối một Tập đoàn dệt may của Hồng Kông xây dựng các nhà máy dệt nhuộm và may mặc với tổng số vốn đầu tư dự kiến 200 triệu USD.

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã dựng rào chắn đối với các lĩnh vực sản xuất thép, đặc biệt là thép xây dựng và phôi thép; chế biến tinh bột sắn; chế biến mủ cao su; sản xuất hóa chất cơ bản (có phát sinh nước thải công nghiệp); nhuộm, thuộc da; sản xuất giấy các loại, bột giấy; chế biến bột cá: các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm thượng nguồn và các hồ chứa nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Ngoài các hàng loạt lĩnh vực bị hạn chế đầu tư cũng đã được công bố, như công nghiệp xi mạ; chế biến hải sản; sản xuất sơn, phụ gia, chất tẩy rửa công nghiệp. Đây là những dự án sử dụng nhiều lao động phổ thông, sử dụng nhiều đất, có giá trị gia tăng thấp; dự án có phát sinh chất thải lớn, đặc biệt là khí CO2; dự án sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu…

Trong khi đó, Đồng Nai cương quyết nói không với các lĩnh vực sản xuất giấy, bột giấy từ nguyên liệu thô; chế biến tinh bột sắn; chế biến mủ cao su chưa sơ chế; sản xuất hóa chất cơ bản; thuộc da, sơ chế da… Các dự án sản xuất công nghiệp hỗ trợ có công đoạn xi mạ, phun phủ, đánh bóng kim loại, hay có công đoạn nhuộm… sẽ thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện.

Không chỉ có các tỉnh phía nam “tỉnh ngộ” mà các tỉnh phía Bắc cũng đang đi theo con đường phát triển bền vững. Mới đây, tỉnh Ninh Bình đã ra quyết định về danh mục các ngành nghề thu hút, hạn chế thu hút và không thu hút đầu tư. Theo đó, tỉnh không chấp thuận các dự án chế biến tinh bột sắn, sản xuất thuốc trừ sâu, các ngành sản xuất giấy, bột giấy từ nguyên liệu thô; sản xuất sơn, phụ gia, sơ chế nhuộm da lông thú, bột gốm, ắc quy; sản xuất thép… Lý do, đây là các ngành nghề tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm cao, công nghệ cũ tốn nhiên liệu, xả thải lớn…

Bên cạnh đó, nhiều ngành nghề cũng sẽ bị Ninh Bình hạn chế thu hút đầu tư hoặc đầu tư có điều kiện. Đó là các lĩnh vực không sử dụng công nghệ cao, giá trị gia tăng thấp, ví dụ sản xuất phân bón, sản xuất sơn, chất tẩy rửa công nghiệp, chế biến vật liệu xây dựng từ đá vôi, chế biến hải sản…

Ngay cả Hải Dương “điểm đến” của nhiều KCN cũng đã đưa ra sáu lĩnh vực tạm dừng thu hút đầu tư. Các lĩnh vực sản xuất mà chủ yếu khai thác từ nguồn tài nguyên thiên nhiên như khoáng sản, vật liệu xây dựng; khai thác thô không qua chế biến cũng thuộc diện bị Hải Dương tạm dừng thu hút đầu tư kể từ năm nay.

Rõ ràng không còn thu hút các dự án đầu bằng mọi giá như ở thời kỳ đầu, các địa phương đang bắt đầu nói “không” với những dự án có thể gây ô nhiễm môi trường, sử dụng nhiều đất đai nhưng hiệu quả kinh tế không cao.

Mai Chi