Thanh Ba – Phú Thọ: Méo mó thị trường gạch Tuynel

Kinh tế - Ngày đăng : 00:00, 27/10/2015

(TN&MT) - Trong khi nhiều doanh nghiệp tuân thủ các quy định của pháp luật khi sản xuất sản phẩm gạch Tuynel (dạng đặc và ống) thì Công ty CP Gốm sứ Haceco (gọi tắt là Cty Haceco) lại sản xuất gạch bằng đất có nguồn gốc xuất xứ “không rõ ràng”. Song gần 10 năm nay, không hiểu sao Công ty vẫn “qua mặt” được các cơ quan chức năng của huyện Thanh Ba và tỉnh Phú Thọ.

Qua tìm hiểu phóng viên Báo TN&MT được biết trên địa bàn huyện Thanh Ba có một nhà máy sản xuất gạch công suất lớn từ gần 10 năm nay nhưng không hề có giấy phép khai thác khoáng sản (hay còn gọi là giấy phép khai thác “mỏ đất” ).

Công ty Haceco (xã Vũ Yến, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ) tiền thân trước đây là nhà máy sản xuất phân bón Thanh Ba nhưng đã chuyển sang sản xuất gạch để làm vật liệu xây dựng từ những năm 2007. Kể từ khi đi vào hoạt động đến nay, mặc dù công suất của nhà máy lên tới 40 triệu viên / năm nhưng Cty Haceco không hề có bất cứ “mỏ đất” nào theo quy định mà chủ yếu dựa vào việc mua đất từ các cá nhân, tổ chức trong vùng.

Lý giải về điều này, ông Nguyễn Văn Long – Giám đốc Công ty cho biết: Công ty sản xuất hai sản phẩm chủ lực là gạch đặc và gạch ống. Hiện tại, do mới đổi mới dây chuyền sản xuất nên nhà máy vẫn đang trong quá trình chạy thử nghiệm. Còn về giấy phép khai thác khoáng sản, theo ông Long, khi lựa chọn được địa điểm, Công ty đã chuẩn bị hồ sơ thì lại bị Doanh nghiệp khác lấy mất. Chính vì thế, nguyên liệu đầu vào cho tới thời điểm này là đi mua đất của người dân và những dự án san lấp mặt bằng quanh huyện. “Hiện tại chúng tôi đang lấy đất của Công ty CP Hóa chất và Phân bón Sông Hồng (Cty Sông Hồng) để sản xuất gạch” – ông Long cho biết thêm.

Nói rồi ông Long đưa bản Hợp đồng san lấp mặt bằng ký giữa Cty Haceco và Cty Sông Hồng có thời hạn từ tháng 7 – tháng 12/2015. Theo đó, Cty Sông Hồng sẽ trả cho Cty Haceco 400 triệu đồng tiền đào đất hạ cốt nền trên diện tích 3,2ha để phục vụ Dự án của Cty Sông Hồng. Toàn bộ số lượng đất đào lên được Cty Haceco xin phép UBND huyện Thanh Ba mang về nhà máy phục vụ cho việc sản xuất gạch. Đây chính là lý do khiến Công ty Haceco chậm trễ trong việc xin giấy phép khai thác khoáng sản. Bởi lẽ, chỉ cần một Hợp đồng như trên thì Cty Haceco sẽ có nguồn nguyên liệu khổng lồ để dùng dần mà không phải nộp các loại lệ phí liên quan tới việc cấp giấy phép khai thác khoáng sản như: lệ phí cấp giấy phép, tiền cấp quyền khai thác, hồ sơ thiết kế mỏ, tiền thuê đất, phục hồi môi trường sau khai thác... Thật là một công đôi việc, vừa không mất tiền mua đất, vừa có nguyên liệu để sản xuất.

Cũng trên địa bàn huyện Thanh Ba, khi chúng tôi vào một số cơ sở sản xuất gạch khác để tìm hiểu thêm thông tin thì có gặp được ông Nguyễn Anh Đức, Giám đốc nhà máy sản xuất gạch của Công ty CP Hoàng Gia (Cty Hoàng Gia). Ông Đức cho biết: Nhà máy chúng tôi có công suất 30 triệu viên / năm, ngay từ khi lập dự án, Công ty đã chú trọng đi tìm vùng nguyên liệu đất sét, đất đồi phù hợp để chủ động về mặt đầu vào một cách lâu dài. Năm 2013, sau khi được cấp giấy phép khai thác khoáng sản trên diện tích 6.3ha thì nhà máy mới đi vào hoạt động. Qua đó, vừa đảm bảo thực hiện đúng, đầy đủ các quy định của pháp luật, vừa giúp khách hàng yên tâm về chất lượng sản phẩm.

Khi được hỏi về việc mua đất về làm gạch của Công ty Haceco, ông Đức bức xúc cho biết: Vì cùng hoạt động trên địa bàn nên tôi biết nhiều năm nay họ né tránh việc xin cấp giấy phép khai thác khoáng sản, thay vào đó lại đi mua đất ruộng, đất ao trôi nổi của dân về trộn với đất thịt của nơi khác để làm nguyên liệu sản xuất gạch. Trong khi đó, Cty Hoàng Gia lại thực hiện đầy đủ các quy định của nhà nước về hoạt động khai thác khoáng sản. Từ đánh giá tác động môi trường, giấy phép khai thác khoáng sản cho tới thuê đất, thiết kế xây dựng nhà máy và dây chuyền sản xuất… Tôi cho rằng đây là hành vi cạnh tranh không lành mạnh bởi làm như thế họ trốn được thuế, phí bảo vệ môi trường rất nhiều.

Làm việc với phòng TNMT huyện Thanh Ba, Sở TN&MT tỉnh Phú Thọ chúng tôi được biết. Từ khi hoạt động cho tới nay, Cty Haceco chỉ đi mua đất của các cá nhân, tổ chức trên địa bàn để sản xuất. Mặc dù đã được hướng dẫn làm hồ sơ và thủ tục để được cấp giấy phép khai thác khoáng sản từ những năm 2012 nhưng cho tới nay vẫn viện nhiều lí do để kéo dài thời gian không thực hiện.

Như vậy có thể thấy, việc các cơ sở sản xuất gạch trên địa bàn huyện Thanh Ba thắc mắc vì sao Cty Haceco sản xuất gạch gần 10 năm nhưng không tuân thủ các quy định của pháp luật mà lại “lách” bằng cách đi mua và xin tận thu đất như trên không phải không có lí do. Quan trọng hơn, nếu chỉ xét riêng trên khía cạnh chi phí nguyên liệu đầu vào thì rõ ràng Cty Haceco đã chiếm ưu thế rất lớn về giá thành cho mỗi viên gạch sản xuất ra.

Đề nghị Thanh tra Sở TN&MT, Chi cục thuế tỉnh Phú Thọ và các cơ quan liên quan nhanh chóng vào cuộc làm rõ vì sao Cty Haceco mặc dù sản xuất gạch công suất lớn nhưng lại không có giấy phép khai thác khoáng sản(?!). Phải chăng đây chính là nguyên nhân làm méo mó thị trường gạch Tuynel trên địa bàn tỉnh Phú Thọ?. Ngoài ra, đối với những yêu cầu về cam kết bảo vệ môi trường, quan trắc định kỳ và xử lý chất thải nguy hại thì Công ty này có thực hiện đầy đủ hay không cũng là một dấu hỏi lớn cần giải đáp.

Doãn Hưng