Phú Thọ: Gấp rút thành lập Văn phòng Đăng ký đất đai một cấp

Kinh tế - Ngày đăng : 00:00, 29/10/2015

(TN&MT) - Chỉ còn đúng 2 tháng nữa là đến thời điểm mà Thủ tướng Chính phủ và Bộ TN&MT yêu cầu 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cho ra đời Văn phòng Đăng ký đất đai theo mô hình một cấp trực thuộc Sở TN&MT. Vì vậy, Phú Thọ đang gấp rút chuẩn bị những công việc cuối cùng để cho ra đời Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Phú Thọ trong năm 2015.

Khó từ cơ sở vật chất…

Trực tiếp có mặt ở Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất tỉnh Phú Thọ vào những ngày cuối tháng 10/2015, ấn tượng đầu tiên của phóng viên Báo TN&MT đó là khu vực làm việc không khác gì thời… bao cấp. Đó là hai căn phòng cấp Bốn cũ kỹ với tổng diện tích chưa tới 60m2 với tường vôi bong tróc, ẩm thấp…

Ông Hoàng Văn Cờ, Giám đốc Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất tỉnh Phú Thọ cho biết: Năm 2005, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất tỉnh Phú Thọ trực thuộc Sở TN&MT tỉnh Phú Thọ thành lập. Trụ sở làm việc của Văn phòng ĐKQSD đất cấp tỉnh chưa có phải bố trí làm việc tại nhà ăn của Sở TN&MT. Ông Hoàng Văn Cờ cho hay: “Ngày đó, tỉnh nói chúng tôi ở tạm để chờ bố trí trụ sở khang trang hơn. Tuy nhiên, mới đó mà đã… 10 năm rồi đấy. Ngoài ra, hầu như tài sản, trang thiết bị, cơ sở vật chất được trang bị chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ và lạc hậu, chưa đáp ứng được yêu cầu chuyên môn…”.

Trụ sở “như trong thời bao cấp” của Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Phú Thọ hiện đang sử dụng
Trụ sở “như trong thời bao cấp” của Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Phú Thọ hiện đang sử dụng

Điều đáng lo ngại là không phải chỉ ở chỗ Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất tỉnh Phú Thọ có trụ sở không khang trang mà mà điều băn khoăn ở chỗ sắp tới khi ra mắt Văn phòng đăng ký đất đai theo mô hình một cấp, lượng hồ sơ ở khắp 13 huyện, thành, thị chuyển về sẽ rất nhiều. “ Với cơ sở vật chất cũ kỹ như thế này, chắc chắn sẽ không đảm bảo cho việc lưu giữ hồ sơ và đặc biệt là phôi sổ đỏ để phục vụ công việc” - ông Hoàng Văn Cờ băn khoăn.

Không chỉ ở cấp tỉnh mà ở cấp huyện, đa số Văn phòng ĐKQSD được bố trí trụ sở chật hẹp, không đảm bảo cho hoạt động chuyên môn, không an toàn, nhất là an toàn cháy nổ, an toàn mối mọt. Nhiều nơi còn chưa được bố trí trụ sở riêng và không có kho lưu trữ hồ sơ riêng. Và dù phải thực hiện nhiệm vụ mang tính chất dã ngoại thường xuyên, trên địa bàn rộng, trang thiết bị, hồ sơ nhiều nhưng Văn phòng ĐKQSD đất cấp tỉnh chưa có xe ô tô để thực hiện nhiệm vụ…

… đến thiếu nhân sự

Cái khó về cơ sở vật chất đã rõ tuy nhiên, theo Sở TN&MT Phú Thọ, cái khó lớn nhất chính là dự thiếu hụt về nhân sự trong công tác chuẩn bị thành lập Văn phòng Đăng ký đất đai một cấp.

Theo báo cáo của Sở TN&MT Phú Thọ, để chuẩn bị cho công tác này, Sở TN&MT Phú Thọ đã xây dựng dự thảo đề án thành lập VPĐKĐĐ, tổ chức hội thảo, xin ý kiến góp ý vào dự thảo… Ngoài ra, Sở TN&MT tỉnh cũng đã tổ chức đi thực tế, trao đổi, học tập kinh nghiệm tại một số tỉnh bạn và báo cáo xin ý kiến của UBND tỉnh chỉ đạo về việc thành lập VPĐKĐĐ. Cùng với đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ TN&MT và UBND tỉnh Phú Thọ, Sở TN&MT đi thực tế, điều tra, thống nhất với UBND các huyện, thi, thành phố về thực trạng VPĐKQSD đất cấp huyện, tổng hợp, chỉnh sửa dự thảo đề án.

Việc thành lập Văn phòng Đăng ký Đất đai một cấp của Phú Thọ khó cả vật chất và nhân sự
Việc thành lập Văn phòng Đăng ký Đất đai một cấp của Phú Thọ khó cả vật chất và nhân sự

Ngoài ra, biên chế của Văn phòng ĐKQSD đất còn thiếu nhiều so với yêu cầu của công việc được giao; Lực lượng hợp đồng lao động không đồng đều về chuyên môn, kinh nghiệm công tác; Cơ cấu tổ chức của Văn phòng ĐKQSD đất chưa được kiện toàn, thiếu ổn định.

Trao đổi với phóng viên Báo TN&MT, ông Nguyễn Mạnh Tài, Chánh Văn phòng Sở TN&MT tỉnh Phú Thọ cho biết: Cái khó lớn nhất trong việc chuẩn bị hoạt động theo mô hình một cấp của Văn phòng đăng ký đất đai chính là nhân sự. Chỉ nói chuyện ở các chi nhánh, ngoài TP Việt Trì được 5 biên chế thì 12 huyện, thị xã còn lại chỉ được 3 biến chế cho một Văn phòng ĐKĐĐ. “Thông tư liên bộ: Bộ TN&MT - Bộ Nội vụ - Bộ Tài chính yêu cầu chuyển nguyên trạng biên chế. Với lượng công chức, viên chức như vậy, cùng lắm đáp ứng được 30% lượng công việc. Trong khi đó muốn hợp đồng thêm chúng tôi không biết dựa vào đâu để lấy nguồn trả lương…” - ông Nguyễn Mạnh Tài bày tỏ.

Và những kiến nghị

Một công việc bắt buộc sau khi thành lập VPĐKĐĐ đó là chỉ có Giám đốc Sở TN&MT các tỉnh, thành phố mới có trách nhiệm ký Giấy chứng nhận đăng ký quyền sử dụng đất. Với Phú Thọ, việc tiếp nhận, luân chuyển hồ sơ phục vụ thẩm định và trình ký gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các xã, huyện vùng sâu, vùng xa, đi lại khó khăn, không đảm bảo thời gian theo quy định; Việc thẩm định và trình ký giấy chứng nhận mất nhiều thời gian của Lãnh đạo Sở TN&MT, ảnh hưởng nhiều đến công tác quản lý điều hành thực hiện nhiệm vụ chung của Lãnh đạo sở; Công tác phối hợp trong thẩm định, trình ký hồ sơ và quản lý, khai thác thông tin làm phát sinh thêm nhiều thủ tục hành chính, công sức, kinh phí.

Để Văn phòng ĐKĐĐ một cấp hoạt động có hiệu quả, Sở TN&MT Phú Thọ kiến nghị ngay sau khi có Quyết định thành lập, UBND tỉnh Phú Thọ cho phép rà soát, sắp xếp bố trí biên chế, đề xuất bổ nhiệm Giám đốc, Phó giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai, lãnh đạo các phòng chuyên môn và Giám đốc, Phó giám đốc các chi nhánh theo quy định. Đề nghị được xét tuyển viên chức bổ sung cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ mới của VPĐKĐĐ theo chỉ tiêu biên chế được giao. “Ngoài ra, chúng tôi đề nghị UBND tỉnh cho phép ký kết hợp đồng lao động đối với các trường hợp đủ điều kiện theo yêu cầu chuyên môn, nhằm đáp ứng yêu cầu công việc của Văn phòng Đăng ký đất đai theo cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập” – ông Nguyễn Văn Hậu - Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Phú Thọ nói.

Về công tác cán bộ, ông Nguyễn Văn Hậu kiến nghị: “UBND tỉnh Phú Thọ tạo điều kiện về cơ sở vật chất, máy móc phương tiện cho hệ thống Văn phòng từ cấp tỉnh đến huyện để đáp ứng công việc. Đặc biệt, chúng tôi kiến nghị Bộ TN&MT có những hướng dẫn cụ thể để có cơ sở điều chỉnh nhân sự với từng huyện, thành phố, thị xã sao cho phù hợp để ngành TN&MT Phú Thọ vận dụng điều chỉnh nhân sự đáp ứng nhu cầu công việc…”

Bài và ảnh: Việt Hùng