Keangnam được phép bán đứt toà cao ốc Landmark 72 tại Hà Nội

Kinh tế - Ngày đăng : 00:00, 28/05/2015

Toà án Seoul (Hàn Quốc) vừa cho phép bán toà cao ốc Keangnam Landmark 72 tại Hà Nội nhằm giúp Tập đoàn này giải quyết vấn đề nợ nần với các chủ nợ.

Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc vừa đăng tải thông tin cho hay, Toà án Seoul đã ra quyết định cho phép bán toà cao ốc Keangnam Landmark 72 tại Hà Nội theo đề nghị của cơ quan độc lập được chỉ định cho tập đoàn Keangnam. 

Hiện chủ sở hữu của Hanoi Landmark Tower 72 là Keangnam Vina, một công ty con của tập đoàn Keangnam Enterprises. Tập đoàn Keangnam đang đứng trước nguy cơ phá sản do gặp các rắc rối về tài chính và các bê bối chính trị. Phán quyết của toà án Hàn Quốc được đưa ra nhằm bảo về quyền lợi của các chủ nợ của tập đoàn này.

Trước đó, toà án cũng đã phê duyệt một kế hoạch hồi sinh Keangnam Enterprises và hai công ty con. Theo đó, toà án sẽ tiếp quản quyền quản lý tại Keangnam để xử lý các khoản nợ và các nghĩa vụ tài chính đến hạn cũng như tái cơ cấu tập đoàn này.

Theo toà án quận trung tâm Seoul, với khối nợ khổng lồ lên tới 1 tỷ USD, việc bán đi tài sản lớn nhất là toà nhà Hanoi Landmark Tower 72 được coi là "nước bài" quan trọng để tiến hành các “thủ tục hồi sinh công ty”.

Hồi đầu tháng 4 vừa qua, truyền thông Hàn Quốc rộ lên thông tin bán toà nhà Keangnam tại Hà Nội. Cụ thể ngân hàng Goldman Sachs và quỹ đầu tư quốc gia Qatar Investment Authority (QIA) là hai đơn vị bày tỏ ý định mua lại toà nhà này. Goldman Sachs dự kiến sẽ mua lại khoản nợ mà Keangnam đã vay để đầu tư cho dự án trị giá 1.000 tỷ won (khoảng 900 triệu USD) và thành lập một công ty chuyên biệt để tiếp nhận vai trò là cổ đông lớn tại tòa nhà Keangnam Landmark Tower. Ngược lại, theo thông tin đưa ra, QIA muốn chi 800 triệu USD để mua lại toàn bộ toà nhà và sở hữu lâu dài.

Toà Landmark 72, toà nhà cao nhất Việt Nam, được hoàn thành vào năm 2011 và Keangnam Enterprises đã phải bỏ ra khoảng 1,2 nghìn tỷ won (1,1 tỷ USD) đầu tư vào đó.

Tuy nhiên, giữa tháng 5, tờ Korea JoongAng Daily, 1 trong 4 tờ báo lớn nhất Hàn Quốc, dẫn thông tin từ QIA cho biết, Quỹ đầu tư quốc gia Qatar này đã phủ nhận hoàn toàn thông tin họ sẽ mua lại toà nhà trên. QIA cho rằng, mọi thông tin đưa ra đều đã bị giả mạo và họ thậm chí còn không biết đến người bán là Keangnam.

Theo những thông tại thời điểm đó, giám đốc quản lý chi nhánh New York của công ty bất động sản Colliers International, đã cam kết với phía Tập đoàn Keangnam rằng những bước cuối trong tiến trình đàm phán bán toà cao ốc tại Hà Nội cho QIA đang tiến hành và sắp được thông qua. Nhờ đó, công ty này đề nghị Keangnam chỉ định Colliers International là đại lý độc quyền bán toà nhà Keangnam Hanoi Landmark vào năm 2013.

Nghi vấn đặt ra là những người liên quan của Colliers International đã cố ý lừa dối Keangnam và các chủ nợ của Tập đoàn này bằng thông tin sắp đạt được thoả thuận bán toà nhà, do đó, các chủ nợ đã tiếp tục ủng hộ Keangnam trong bối cảnh tập đoàn này gặp nhiều khó khăn về tài chính.

Toà Landmark 72, toà nhà cao nhất Việt Nam, được hoàn thành vào năm 2011 và Keangnam Enterprises đã phải bỏ ra khoảng 1,2 nghìn tỷ won (1,1 tỷ USD) đầu tư vào đó. Hiện tập đoàn này cũng gần như không có khả năng để thanh toán khoảng nợ 530 triệu won vay ngân hàng để đầu tư cho dự án.

Công ty đã huỷ niêm yết và chịu sự kiểm soát của các chủ nợ từ hồi tháng 3. Được biết, các chủ nợ trước đó đã nới lỏng một số điều kiện cho Keangnam nhờ các thông tin lạc quan về việc QIA đang đàm phán mua lại toà nhà Landmark 72 từ Keangnam.

Theo Phương Dung/Dân Trí