Việt kiều hiến kế phát triển ngành nông nghiệp

Kinh tế - Ngày đăng : 00:00, 09/02/2015

(TN&MT) - Ngày 9/2, tại TP.HCM, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức diễn đàn kết nối doanh nghiệp Việt kiều với doanh nghiệp trong nước...
   
(TN&MT) - Ngày 9/2, tại TP.HCM, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức diễn đàn kết nối doanh nghiệp Việt kiều với doanh nghiệp trong nước, nhằm tiếp tục tạo mối liên kết giữa những người quản lý Nhà nước với doanh nhân Việt kiều và làm cầu nối để các doanh nghiệp Việt kiều với doanh nghiệp trong nước tăng cường mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp.
   
  Diễn đàn đã thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp là Việt kiều đến từ các nước như Đan Mạch, Isarel, Thụy Điển, Nga, Bungari, Pháp... có hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực nông sản.
   
   
  Thông báo về tiềm năng của ngành nông nghiệp Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết, năm 2014, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp nước ta đạt 3,31%. Tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp trong năm vừa qua đạt 30,86 tỷ USD. Trong đó, có nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu đứng hàng đầu thế giới như là: đồ gỗ, cà phê, tiêu, điều và các loại rau quả. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp hiện nay cũng đang gặp rất nhiều hạn chế, trong đó khó khăn nhất hiện nay của nông sản Việt Nam là kết nối thị trường. Chính vì điều này khiến nông sản hiện nay có hàm lượng giá trị gia tăng khá thấp, thu nhập của các hộ nông dân còn khá bấp bênh, chưa ổn định.
   
  Tại diễn đàn, nhiều doanh nghiệp Việt kiều cho rằng, vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong kết nối, do không tìm được các doanh nghiệp uy tín đảm bảo đúng số lượng, chất lượng, mẫu mã theo đặt hàng. Ngoài ra, khó khăn trong vận chuyển nông sản, cước phí cao, thời gian dài, nếu nông sản không đảm bảo an toàn thực phẩm sẽ không có sức cạnh tranh tại các thị trường khó tính đó. Doanh nghiệp đề nghị, cần phải có đầu mối trung gian, có thể là cơ quan quản lý, tập hợp các doanh nghiệp nông sản Việt Nam có uy tín, từ đó việc kết nối trực tiếp mới dễ dàng và không mất thời gian để kiểm tra độ tin cậy trong giao thương.
   
   
  Là một Tiến sĩ nông nghiệp, bà Đỗ Thị Đông Xuân, Việt kiều Hungary góp ý, Việt Nam không nên sản xuất và sử dụng các sản phẩm biến đổi gen. Điều này sẽ gây bất lợi cho các nông sản Việt Nam trên các thị trường khó tính. Mặt khác, trong quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn, các cơ quan quản lý Nhà nước phải gắn đồng thời với việc bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên. Đồng thời, nên có chính sách bù lỗ cho người dân tiếp tục sản xuất để họ yên tâm gắn bó với ngành.
   
  Kết luận Diễn đàn, Bộ trưởng Cao Đức Phát đánh giá, các thương nhân người Việt tại nước ngoài có vai trò rất lớn trong việc phối hiệu quả nhất để đưa hàng nông sản Việt Nam ra thế giới. Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, trong đó chủ yếu là lĩnh vực chế biến và thương mại nông nghiệp. Để hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, ngoài việc đề xuất các chính sách ổn định lâu dài, Nhà nước cũng cần triển khai các công việc liên quan như tổ chức lại sản xuất để nông dân có thể hợp tác với các doanh nghiệp.
   
                                                                                        Tin & ảnh:Thục Vy