Vựa rau Đắk Lắk lao đao vì giá tuột dốc

Kinh tế - Ngày đăng : 00:00, 21/01/2014

(TN&MT) - Chỉ còn gần chục ngày nữa là đến Tết Nguyên đán, vậy mà nỗi buồn lại bao trùm cả làng vì chưa năm nào rau có mức giá bèo bọt đến vậy.
   
(TN&MT) - Hàng chục năm nay, làng rau Khánh Xuân (Phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột) là nơi cung cấp hơn 90% rau xanh cho toàn thành phố và các vùng phụ cận. Quanh năm suốt tháng sống nhờ vào rau, thế nhưng, khi chỉ còn gần chục ngày nữa là đến Tết Nguyên đán, vậy mà nỗi buồn lại bao trùm cả làng vì chưa năm nào rau có mức giá bèo bọt đến vậy.
   
  Mỗi năm vào dịp tết, rau dù có giá không cao hơn ngày bình thường là mấy nhưng bù lại lượng rau bán nhiều gấp 3, 4 lần nên cũng có thu nhập kha khá để người trồng rau trang trải cho một cái tết tươm tất hơn. Bởi vậy, ngay từ đầu tháng 9 âm lịch, các chủ vườn đã tất bật với việc tính toán làm đất, để ải, xuống giống cho lứa rau cuối cùng của năm cũ để kịp cung ứng cho thị trường tết.
   
Dù giá rau giảm, nhà vườn vẫn trồng rau an toàn để cung ứng cho thị trường 
    
   
  Thông thường su hào phải xuống giống trước tết hơn 2 tháng, cải ngọt thì 20-25 ngày, mồng tơi 30 ngày, rau xà lách khoảng 1 tháng, ngò 27 ngày...Vì thế người dân phải bám sát thời vụ, canh thời gian sinh trưởng của từng loại rau. Tuy nhiên, khác với những năm trước, năm nay, bao công sức tính toán của người trồng rau coi như “đổ xuống sông xuống biển” khi giá rau giảm sâu và không có dấu hiệu ngừng. Theo phản ánh của các nhà vườn, thời gian gần đây, thời tiết tại thành phố Buôn Ma Thuột khá thuận lợi, sâu bệnh ít phá hoại nên rau màu, củ quả…tương đối được mùa và cho năng suất cao. Tuy nhiên, được mùa nhưng mất giá.
   
  Rau ế. Người dân buồn rầu. Thu hoạch từng củ su hào to đẹp nhưng khuôn mặt ông Đặng Hùng, người trồng rau tại khối 12, phường Khánh Xuân không nở nổi nụ cười: “Năm ngoái tôi làm có 1 sào rưỡi thu được 12 triệu, năm nay mạnh dạn mở rộng thành 2 sào rưỡi mong kiếm chút ít tiêu tết. Vậy mà thu chưa được 10 triệu. Bởi năm ngoái thời điểm này su hào có giá 6.000 đồng/kg vậy mà nay chỉ có 2.000 đồng. Người nông dân không lấy lại được vốn chứ nói gì tới chuyện lời. Thế là coi như mất tết rồi”. Là hộ trồng rau xanh có tiếng ở Khánh Xuân với hơn 30 năm kinh nghiệm, ông Đàm Đức Ngọc (khối 12) cũng lắc đầu ngao ngán: “Bao nhiêu năm trồng rau chưa năm nào chủ vườn thê thảm đến như vậy. Cải cúc vốn có giá 5.000 đồng/kg giờ còn 1.500 đồng. Thảm nhất là giá của rau cải. Thường có giá 8-10.000 đồng/kg, thời điểm này chỉ còn 400 đồng/kg. Nhiều hộ trồng cải điêu đứng, không buồn thu hoạch luôn ấy chứ”.
   
Giá su hào giảm sâu khiến người dân lao đao
    
   
  Nghề trồng rau ở Khánh Xuân đã có từ lâu đời. Năm 2006, 12 hộ dân có kinh nghiệm trồng rau ở đây được ngành nông nghiệp chọn thí điểm mô hình trồng rau an toàn đầu tiên ở TP. Buôn Ma Thuột. Đến năm 2008, tổ sản xuất rau an toàn thuộc Hợp tác xã nông nghiệp Thuận Hòa được thành lập với số vốn đầu tư 100 triệu đồng, vùng đất được quy hoạch gần 6 ha với mục đích giúp bà con nông dân mở rộng quy mô sản xuất. Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ và giá cả mất ổn định luôn là vấn đề nan giải làm đau đầu các nhà vườn. “Dù giá cả xuống thấp nhưng nhà vườn chúng tôi vẫn trồng và chăm sóc rau một cách an toàn, đảm bảo chất lượng để cung ứng cho thị trường dịp tết. Hi vọng vụ rau tới giá cả sẽ khôi phục để người làm rau bám trụ với nghề”, ông Ngọc chia sẻ thêm.
   
                                                                    Bài & ảnh: Tuệ Minh