TP.HCM: Đẩy mạnh xây dựng hệ thống giao thông công cộng

Đầu tư - Tài chính - Ngày đăng : 12:02, 26/03/2019

(TN&MT) - Trong những tháng đầu năm nay, hàng ngàn tỷ đồng ngân sách đã được linh động giải ngân, góp phần đẩy nhanh tiến độ thi công tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Bức tranh giao thông công cộng ở TP.HCM đã có gam màu sáng...
by1
Giao thông công cộng là một trong những giải pháp cải thiện tình trạng kẹt xe

Vẫn ùn ứ giao thông

Theo Ban An toàn giao thông (ATGT) TP.HCM, những năm gần đây TP đã đầu tư hàng loạt giải pháp công trình, phi công trình để giảm tình trạng ùn tắc giao thông trầm trọng trên địa bàn TP. Cụ thể, TP đã triển khai 13 công trình/hạng mục công trình: Hầm chui và cầu vượt thuộc dự án xây dựng nút giao thông Mỹ Thủy (quận 2); nhánh N1 thuộc dự án xây dựng hầm chui tại nút giao thông An Sương (quận 12); hầm chui nút giao thông Đại học Quốc gia (hướng TP.HCM đi Đồng Nai); cầu qua đảo Kim Cương (quận 2); nâng cấp đường Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp)...

Bên cạnh đó, TP.HCM cũng đã khởi công 8 dự án, như xây dựng cầu Thủ Thiêm 2 (quận 2); mở rộng đường Đỗ Xuân Hợp (quận 9); mở rộng, nâng cấp đường Tô Ký (nối quận 12 và huyện Hóc Môn). Song song đó, TP cũng đang tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công một số dự án thi công trọng điểm, như nhánh N2 dự án nút giao thông An Sương; dự án nâng cấp, mở rộng cầu Chữ Y; dự án nâng cấp, mở rộng cầu Kênh Tẻ...

Tại Hội nghị tổng kết công tác bảo đảm trật tự ATGT trên địa bàn TP.HCM năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019 diễn ra ngày 22/3, ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó trưởng Ban chuyên trách Ban ATGT TP cho biết, năm qua TP không xảy ra ùn tắc giao thông, tuy nhiên tình hình ùn ứ giao thông thường xuyên diễn ra và diễn biến phức tạp tại các tuyến đường ra vào các kho bãi, cảng hàng hóa, sân bay, trường học, bệnh viện, các cửa ngõ ra vào TP.

Xe buýt “đuối hơi”

Trong bài toán giải tỏa ùn tắc giao thông tại đô thị lớn nhất nước này, hệ thống xe buýt, tuyến BRT (xe buýt nhanh), metro được xem là loại hình giao thông công cộng thay thế phương tiện cá nhân (xe máy, ô tô con) nhằm cứu cánh ùn tắc. Tuy nhiên, các loại hình giao thông này đang gặp khó về cơ chế, nguồn vốn, dẫn đến “đuối hơi” và thậm chí có dự án còn “chết yểu”.

Theo phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch phát triển GTVT TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 của Chính phủ xác định rõ, thị phần vận tải hành khách công cộng đảm bảo thực hiện được tối thiểu 60 - 80%. Theo đó, vận tải bằng xe buýt tối ưu hóa mạng lưới hiện tại và phát triển mở mới bình quân 20 - 25 tuyến/năm (giai đoạn 2019 - 2020) và 17 - 18 tuyến/năm (giai đoạn 2021 - 2030). Cuối năm 2020, có khoảng 200 - 220 tuyến, với 4.500 - 5.200 phương tiện...

Ngoài ra, đề án dự kiến hoàn thành 1 tuyến metro và 1 tuyến BRT đến năm 2020; 6 tuyến metro và 5 - 6 tuyến BRT đến năm 2030; phát triển mạng lưới buýt đường sông 3 - 5 tuyến đến năm 2020 và 12 - 15 tuyến vào năm 2030. Thực tế hiện nay, việc phát triển xe buýt gặp rất nhiều khó khăn, mạng lưới tuyến xe buýt TP chưa phân cấp rõ ràng. Phát triển mạng lưới trong giai đoạn hiện nay chỉ dựa vào nhu cầu thực tế đi lại của người dân, chưa có quy hoạch chi tiết cũng như định hướng lâu dài.

Đáng lưu ý, vào năm 2017, TP.HCM có 144 tuyến với 2.603 phương tiện xe buýt. Năm 2018, TP hiện chỉ còn 138 tuyến (trong đó có 100 tuyến có trợ giá và 38 tuyến không trợ giá), với số lượng 2.457 phương tiện, giảm cả số tuyến và số phương tiện. Báo cáo tổng kết của Sở GTVT TP.HCM về khối lượng vận tải bằng xe buýt năm 2018, khối lượng đạt 296,5 triệu lượt hành khách, tăng 1,7%.

Tuy nhiên, khối lượng trên các tuyến có trợ giá chỉ đạt 211,8 triệu lượt, giảm 6,7% cùng kỳ và chỉ đạt 82,8% kế hoạch. Riêng tuyến BRT (xe buýt nhanh) sau nhiều lần đưa ra nghiên cứu thì đến nay UBND TP.HCM đã quyết định dừng triển khai, do kinh phí đầu tư BRT rất lớn và hiệu quả không cao, thiếu thực tế.

by2


Metro được tiếp sức

Theo Quyết định 568/QĐ-TTg ngày 08/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ về Điều chỉnh Quy hoạch phát triển GTVT TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020, hệ thống đường sắt đô thị của TP gồm 8 tuyến xuyên tâm và vành khuyên nối các trung tâm chính của TP; 3 tuyến xe điện mặt đất hoặc đường sắt một ray. Tổng chiều dài của toàn bộ hệ thống đường sắt đô thị khoảng 220km, với tổng vốn đầu tư ước tính gần 25 tỷ USD. Trong những giải pháp nòng cốt để giảm tình trạng kẹt xe dai dẳng ở TP, các tuyến metro đang được thi công đang mang lại kỳ vọng lớn cho người dân TP.

Sau những thời điểm khó khăn về giải ngân vốn, ngày 21/3 vừa qua, UBND TP.HCM có văn bản gửi các sở, ngành liên quan và Ban Quản lý (BQL) đường sắt đô thị TP về việc tạm ứng vốn cho dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Theo đó, UBND TP.HCM chấp thuận tạm ứng đợt 1 năm 2019 từ ngân sách TP, với tổng số tiền là 2.185,5 tỷ đồng cho dự án tuyến đường sắt đô thị số 1.

Đồng thời, UBND TP.HCM cũng giao Sở Tài chính phối hợp Kho bạc Nhà nước TP khẩn trương thực hiện thủ tục tạm ứng theo tiến độ giải ngân thực tế cho BQL đường sắt đô thị từ nguồn ngân sách TP. Các dự án trọng điểm hạ tầng giao thông đang được cấp tập triển khai trong năm 2019 ở TP.HCM, hy vọng thời gian tới thực trạng giao thông đô thị ở TP sôi động nhất cả nước này sẽ được cải thiện đáng kể.