Khai thác và chế biến thủy hải sản: Đóng góp lớn vào nền kinh tế đất nước
Đầu tư - Tài chính - Ngày đăng : 15:37, 23/08/2018
Việt Nam nằm bên bờ Tây của Biển Đông, là một biển lớn của Thái Bình Dương, có diện tích khoảng 3.448.000km2. Vùng nội thủy và lãnh hải với các đảo lớn nhỏ đã tạo nên 12 vịnh, đầm phá với tổng diện tích 1.160km2 được che chắn tốt dễ trú đậu tàu thuyền. Cùng với hệ thống sông ngòi dày đặc rất thuận lợi phát triển hoạt động khai thác và nuôi trồng thủy sản. Sản lượng thủy sản Việt Nam đã duy trì tăng trưởng liên tục trong 17 năm qua với mức tăng bình quân là 9,07%/năm.
Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, năm 2017, tổng sản lượng thủy sản đạt hơn 7,28 triệu tấn, tăng 5,6% so với năm 2016, bao gồm sản lượng thủy sản khai thác đạt gần 3,42 triệu tấn, tăng 5,7%; sản lượng thủy sản nuôi trồng trên 3,86 triệu tấn, tăng 5,5%; diện tích nuôi trồng 1,1 triệu ha. Tỷ trọng sản lượng nuôi trồng chiếm 53,0% tổng sản lượng (năm 2016 là 54,2%).
Trong chiến lược phát triển của ngành, các lĩnh vực khai thác và nuôi trồng thủy sản được định hướng phát triển phục vụ xuất khẩu. Từ thành công lớn trong chế biến, xuất khẩu đã trở thành động lực thúc đẩy khai thác và nuôi trồng thủy sản. Ngành thủy sản đã chủ động đi trước trong hội nhập quốc tế, đẩy mạnh việc áp dụng khoa học - công nghệ tiên tiến vào sản xuất, gắn sản xuất nguyên liệu với chế biến, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu.
Trong giai đoạn 2001 - 2015, xuất khẩu thủy sản Việt Nam tăng nhanh về cả giá trị và khối lượng. Đến năm 2015, giá trị xuất khẩu đạt 6,57 tỷ USD, sản phẩm thủy sản được xuất khẩu sang 164 nước và vùng lãnh thổ. Ba thị trường chính là EU, Mỹ và Nhật Bản chiếm trên 54% tỷ trọng. Cùng với diện tích nuôi trồng tăng nhanh, tổng sản lượng cũng tăng mạnh, từ 1,02 triệu tấn (năm 2009) lên 5,92 triệu tấn (năm 2013). Trong đó, 2 đối tượng chủ lực (tôm, cá tra) cũng ghi nhận nhiều thành tựu khả quan, trở thành mặt hàng xuất khẩu chính, kim ngạch tương ứng là 3,1 tỷ USD và 1,7 tỷ USD (năm 2013).
Trên phương diện khai thác thủy, hải sản, số lượng tàu thuyền tăng nhanh theo chiều hướng giảm số lượng tàu công suất nhỏ, khai thác ven bờ và gia tăng tàu công suất lớn khai thác xa bờ. Đến năm 2013, cả nước có trên 27.200 tàu công suất trên 90 CV, tỷ trọng sản phẩm khai thác xa bờ tăng nhanh, chiếm khoảng 40% tổng sản lượng khai thác thủy hải sản, giá trị xuất khẩu của các mặt hàng: cá ngừ, mực và bạch tuộc đạt gần 1 tỷ USD. Cùng với đó, công tác đảm bảo an toàn trong khai thác cũng được đẩy mạnh, giảm tổn thất sau thu hoạch được cải thiện đáng kể.
Để phát triển ngành nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản, kinh doanh và xuất khẩu theo hướng bền vững, trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, ngành thủy sản cơ bản sẽ được đổi mới theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hoá và tiếp tục phát triển toàn diện theo hướng bền vững, thành một ngành sản xuất hàng hóa lớn, có cơ cấu và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, có năng suất, chất lượng, hiệu quả, có thương hiệu uy tín, có khả năng cạnh tranh cao và hội nhập vững chắc vào kinh tế thế giới; đồng thời, từng bước nâng cao trình độ dân trí, đời sống vật chất và tinh thần của ngư dân, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái và quốc phòng, an ninh vùng biển, đảo của Tổ quốc.
Mục tiêu đến năm 2020, kinh tế thủy sản đóng góp 30 - 35% GDP trong khối nông - lâm - ngư nghiệp, tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành Thủy sản từ 8 - 10%/năm. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 8 - 9 tỷ USD. Tổng sản lượng thủy sản đạt 6,5 - 7 triệu tấn, trong đó, nuôi trồng chiếm 65 - 70% tổng sản lượng; tạo việc làm cho khoảng 5 triệu lao động nghề cá, có thu nhập bình quân đầu người cao gấp 3 lần so với hiện nay; trên 40% tổng số lao động nghề cá qua đào tạo; xây dựng các làng cá ven biển, hải đảo thành các cộng đồng dân cư giàu truyền thống tương thân, tương ái, có đời sống văn hóa tinh thần đậm đà bản sắc riêng.
Để thực hiện được mục tiêu trên, ngành thủy sản chú trọng song song việc khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tập trung nghiên cứu điều tra nguồn lợi, dự báo ngư trường phục vụ khai thác hải sản; phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao cho các hoạt động nghiên cứu nguồn lợi và tổ chức khai thác hải sản trên biển.
Xây dựng cơ chế quản lý phù hợp để định hướng khai thác, bảo tồn và phát triển nguồn lợi hải sản trên biển, tăng cường sự tham gia của cộng đồng. Đổi mới và ứng dụng khoa học - công nghệ trong khai thác thủy sản, bảo quản sản phẩm để giảm tổn thất sau thu hoạch. Hình thành một số doanh nghiệp, tập đoàn lớn đủ mạnh để hoạt động khai thác hải sản xa bờ và hợp tác khai thác viễn dương với các nước trong khu vực.