Ngành logistics Quảng Bình giàu tiềm năng tăng trưởng
Doanh nghiệp - doanh nhân - Ngày đăng : 17:52, 29/07/2019
Quảng Bình có nhiều tiềm năng, điều kiện thuận lợi về địa lý – kinh tế để phát triển, tỉnh có bờ biển dài 116 km với 5 cửa sông, trong đó có 2 cửa sông lớn. Cảng Nhật Lệ, cảng Gianh, cảng Hòn La có độ sâu 15m, diện tích mặt nước 4km2, lại nằm liền kề quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, gần kề với hành lang kinh tế Đông – Tây, đường xuyên Á quốc lộ 12A và cửa khẩu Cha Lo.
Hiện Quảng Bình đang điều chỉnh chiến lược phát triển mới cho ngành dịch vụ logistics theo hướng gắn với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu và thương mại trong nước, gắn với phát triển hạ tầng giao thông vận tải và công nghệ thông tin.
Với quyết tâm tạo đổi mới dịch vụ từ cơ sở hạ tầng, chỉ trong thời gian ngắn, hàng loạt dự án trọng điểm của Quảng Bình đã được đẩy nhanh tiến độ. Mới đây, nhiều công trình hạ tầng quan trọng được triển khai và đưa vào sử dụng như cầu và đường qua sông Gianh, cầu Nhật Lệ II, thông xe trên đoạn QL1 đoạn Km 597+549 – Km 605+000 và đoạn Km 617+000 – Km 641+000 qua tỉnh Quảng Bình… Điều này mở ra những tuyến giao thông huyết mạch phục vụ phát triển du lịch và vận tải hàng hóa.
Về vận tải đường biển, đến nay, Quảng Bình có 4 khu chuyển tải hàng hóa nằm dọc theo hệ thống cảng biển. Trong đó, lớn nhất là Khu chuyển tải Cửa Gianh có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải tới 50 nghìn tấn. Thêm vào đó, tuyến vận tải ven biển Quảng Ninh – Quảng Bình đi vào hoạt động đã giúp cho việc vận chuyển hàng hóa trở nên thông suốt. Thống kê từ năm 2015 đến nay, có khoảng hơn 6.000 lượt tàu ra vào các cảng Quảng Bình với khối lượng hàng hóa thông qua các cảng, khu chuyển tải khoảng 10 triệu tấn.
Đáng chú ý, khi cảng Hàng không Đồng Hới trở thành cảng Hàng không quốc tế vào năm 2020 sẽ tạo đà tăng trưởng cho ngành dịch vụ logistics Quảng Bình, từ đó thu hút nguồn lực đầu tư trong nước và quốc tế, tạo điều kiện để Quảng Bình bứt phá. Hiện nay, cảng Hàng không Đồng Hới đã triển khai thành công cơ chế một cửa Quốc gia đường hàng không, tạo thuận lợi cho các chuyến bay quốc tế đến và đi.
Ngoài đầu tư hạ tầng, một trong những giải pháp trọng tâm phát triển logistics mà Quảng Bình đã thực hiện xuyên suốt đó là cải cách thủ tục hành chính. Cụ thể, tỉnh đã triển khai thủ tục hải quan điện tử qua hệ thống VNACCS/VCIS nhằm hỗ trợ người khai hải quan thực hiện khai báo mọi nơi, mọi lúc. Kết quả, có 17.376 tờ khai hải quan tự động thông qua hệ thống VNACCS/VCIS, chiếm 99,9% tổng số tờ khai làm thủ tục và các hệ thống công nghệ thông tin hỗ trợ phương pháp quản lý hải quan hiện đại.
Mới đây, UBND tỉnh Quảng Bình đã có công văn số 1348/UBND-KTN về việc triển khai thực hiện quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đến năm 2020, nhằm mục tiêu đưa ngành dịch vụ logistics trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Điều này cho thấy nhận thức rõ ràng về tầm quan trọng của logistics đối với kinh tế - xã hội địa phương Quảng Bình. Đây sẽ là “kim chỉ nam” để đến năm 2020, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics đạt từ 14 -16% vào ngành dịch vụ của tỉnh, đạt từ 5 - 6% GRDP; đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics đạt từ 16 - 28% vào ngành dịch vụ, đạt từ 6 - 8% GRDP của tỉnh. Đồng thời hình thành 3 trung tâm logistics gồm: Trung tâm logistics Hòn La; Trung tâm logistics Chalo; Trung tâm logistics Cảng Gianh.