Người đi tiên phong từ Bình Dương
Doanh nghiệp - doanh nhân - Ngày đăng : 15:45, 03/02/2019
Và giờ đây, hãy nhìn bằng đôi mắt của thời đại 4.0 vào bức tranh nhiều màu sắc của tỉnh Bình Dương phát triển công nghiệp, thu hút đầu tư, ta sẽ nhận ra những nét phóng khoáng, để lại nhiều ấn tượng đột phá của “người mở đường” Huỳnh Uy Dũng.
Ở vào thời điểm cuối thập niên 90 của thế kỷ 20, khi cơ chế về đầu tư phát triển còn chưa rõ ràng, vấn đề giải tỏa đền bù cho dân và chuyển dân đến nơi ở mới để dành đất xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp đụng chạm đến nhiều quyền lợi về kinh tế, xã hội của dân, trong khi chưa có cơ chế giải quyết để được dân đồng thuận. Vốn doanh nghiệp còn hạn hẹp, những bài toán về tài chính, những giải pháp dù nhỏ nhất để thích ứng thực tế khó khăn phát triển luôn đặt ra. Nhưng niềm tin của Huỳnh Uy Dũng vào thành công thôi thúc anh quyết tâm đi tới. Bắt đầu là thành công xây dựng khu công nghiệp Bình Đường 16,5 ha, như một bước đột phá đổi mới quan trọng giúp Bình Dương chuyển mình từ một nền sản xuất nông nghiệp tiến vào đầu tư phát triển công nghiệp.
Đường lớn đã mở và “trải thảm đỏ mời gọi”, các khu công nghiệp Sóng Thần 1, Sóng Thần 2, Sóng Thần 3… rồi cùng với VSIP 1, với Đại Lộ Bình Dương, kết nối với các khu công nghiệp Mỹ Phước, Bầu Bàng và nhiều Khu công nghiệp khác được nhanh chóng được xây dựng trên khắp tỉnh Bình Dương. Điểm nhấn đỉnh cao là Khu Liên hợp Công nghiệp, Đô thị, Dịch vụ Bình Dương (thành phố mới), tạo nên sự sôi động của các dòng đầu tư trong nước và nước ngoài, trong đó có nhiều tập đoàn công nghiệp từ các nền kinh tế lớn thế giới. Vài con số sau đây: Năm 1997 thu ngân sách của Bình Dương mới đạt 813 tỷ, năm 2018 đã đạt 50 nghìn tỷ VNĐ, là phản ánh đầy đủ sự bùng nổ kinh tế của Bình Dương sau 20 năm đổi mới, phát triển.
“Dũng lò vôi” trở thành thương hiệu, nói về một doanh nhân làm nên sự nghiệp từ bước xuất phát khiêm tốn, đã như sự soi sáng lớp tuổi trẻ: Nếu có đủ đam mê, có đủ quyết tâm, nhất định khởi nghiệp sẽ thành công. Thực tế, cuộc chuyển đổi kinh tế của Bình Dương gần 30 năm qua, đã chứng minh điều đó. Cũng phải nói thêm về “lò vôi” thời ấy, khi đất nước chưa có nhiều xi măng thì vôi là chất kết dính chủ yếu để xây dựng các công trình nhà cửa. Chính là vậy, “chất kết dính” trong suy nghĩ mới của Huỳnh Uy Dũng là sự liên kết các mô hình kinh doanh, đa dạng các ngành hàng để tạo động lực thúc đẩy nhau nâng cao hiệu quả kinh tế toàn xã hội.
Huỳnh Uy Dũng dám nghĩ dám làm. Khi những chiếc cọc bê tông đầu tiên đóng vào lòng đất tại Khu du lịch Đại Nam, người ta bảo “Dũng chơi ngông”. Còn cái lý của Huỳnh Uy Dũng là “nói là làm, làm ra làm, chơi ra chơi”. Một nền kinh tế tăng trưởng cao qua từng năm, phải có nơi cho người lao động vui chơi dịp nghỉ ngơi, lễ tết. Đến Đại Nam mới thấy Huỳnh Uy Dũng “ngông” thật. Cái mà người ta chưa nghĩ đến, anh đã làm, dựng lên năm ngọn núi hoành tráng trên miền đất bằng, nối với những dòng sông chảy giữa hai bờ xanh cây trái của Bình Dương. Trên năm ngọn núi ấy, ríu rít đàn chim yến bay làm tổ. Rồi anh đem cả biển xanh, cát vàng quanh năm sóng vỗ đôi bờ đặt lên khu du lịch. Cả một vườn thú lớn, có đủ các loài thú hoang dã từ châu Phi, châu Mỹ được đưa về đây, thỏa sức cho khách thăm quan hứng thú ngắm xem những con vật vốn chỉ được nhìn qua trên phim ảnh. Dưới chân núi là một khu kim điện, đền chùa nguy nga tráng lệ, trong đó, tôn thờ Đức Phật và các vị vua, các vị anh hùng của đất nước ta trong chiều dài lịch sử chống giặc ngoại xâm. Khách vào viếng bái, xúc động cảm nhận sâu sắc triết lý yêu thương con người: “Từ, Bi, Hỷ, Xả” của đạo Phật như đang tỏa sáng, thắp lên ngọn lửa sẻ chia từ ái, để lòng ta trong sáng hơn, sức ta mạnh mẽ hơn, sống, cống hiến làm giàu xã hội. Từng thời gian, Huỳnh Uy Dũng lại đưa ra những sản phẩm du lịch, vui chơi độc đáo như đầu tư hàng trăm triệu USD để làm trường đua tổng hợp. Không phải ra nước ngoài, chỉ cần đến Đại Nam, khách sẽ thỏa mãn xem đua ngựa, đua chó, đua xe mô tô, xe mô tô nước, xe địa hình… Và cứ thế, Đại Nam trở thành một khu du lịch tầm cỡ thế giới, mỗi năm thu hút hơn 2 triệu lượt khách.
Có tiền lãi qua nhiều dự án kinh doanh, mục tiêu của Huỳnh Uy Dũng là dùng tiền đó giúp đời. Anh tâm sự: Gia đình tôi vốn rất nghèo nhưng luôn sẵn lòng chia sẻ giúp đỡ đồng tiền bát gạo cho những người có hoàn cảnh nghèo khổ hơn. Truyền thống đó của gia đình đã nuôi dưỡng trong tôi tâm nguyện sẽ hết lòng giúp đỡ người nghèo và làm các chương trình từ thiện xã hội. Khi làm ăn có tiền khấm khá tôi làm 3 điều: Phúc, Đức, Tình, để chuyển giao lại tiền đó cho dân, những người nghèo khó, những người ốm đau bệnh tật thiếu tiền chạy chữa. Mong cho họ sớm ổn định cuộc sống để làm ăn tấn tới. Việc đầu tiên, anh đã xây một khoa phòng chữa bệnh từ thiện miễn phí cho người nghèo (trong khuôn viên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương). Lập Quỹ “Trái tim Hằng Hữu” 1.000 tỷ đồng để mổ tim bẩm sinh cho các cháu nhỏ ở bệnh viện Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh, bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP. HCM, sắp tới là các bệnh viện trên cả nước. Thời gian qua, đã có 733 ca mổ tim nhận được tài trợ từ nguồn kinh phí này. Nhiều học sinh nghèo học giỏi ở các vùng miền cũng được Huỳnh Uy Dũng giúp tài chính để các em tiếp tục học tập theo đuổi ước mơ của mình.
Ngồi tâm sự với Huỳnh Uy Dũng, tôi hỏi: Anh sẽ làm gì tiếp? Huỳnh Uy Dũng chia sẻ: Sẽ rất bận rộn với hai dự án nhà ở xã hội vừa được phê duyệt. Một là khu dân cư đô thị Đại Nam (Dự án thành phần nằm trong Khu liên hợp Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ - Thành phố mới) diện tích 1.058.194 m2, trong đó diện tích đất ở 793.194 m2, xây dựng 3.309 căn nhà cho 20.000 cư dân ở. Tại dự án này, Công ty cũng dành 15 ha xây nhà ở xã hội cho công nhân. Vốn toàn dự án lên tới 2.312 tỷ đồng. Hai là xây dựng Khu dân cư đô thị Chơn Thành, Bình Phước trên diện tích 97 ha, nằm lọt giữa bốn khu công nghiệp huyện Chơn Thành, sẽ là nơi an cư - lạc nghiệp lý tưởng của người lao động đang làm việc tại chỗ.
Huỳnh Uy Dũng chân thành nói tiếp: Phát triển công nghiệp và hệ lụy nặng nề về môi trường là vấn nạn lớn của cả nước, cần có giải pháp khắc phục để không làm tổn hại đến sức khỏe nòi giống dân tộc. Tôi đề ra mục tiêu xây dựng 100 nhà máy xử lý nước thải trên toàn quốc, với tổng mức đầu tư khoảng 10 nghìn tỷ đồng nhất là ở những tỉnh nóng về phát triển kinh tế. Công nghệ xử lý bằng sinh học do chính tôi nghiên cứu ra. Nước sau xử lý sẽ được tái sử dụng cho sinh hoạt, tiết kiệm được những khoản chi lớn. Hiện tại, chúng tôi đang cải tạo, làm mới nhà máy xử lý nước thải khu công nghiệp Sóng Thần 2, công suất 7.000 m3/ngày và sẽ khánh thành vào ngày 26/1/2019. Chúng tôi sẽ liên hệ với các tỉnh, sẵn sàng mua lại các nhà máy xử lý nước thải còn kém chuẩn, nhiều tai tiếng, dân kêu để đầu tư làm mới, cho ra nguồn nước sau xử lý có thể dùng trong sinh hoạt như đã nói.
Bằng việc làm thiện tâm chăm lo sức khỏe cộng đồng, tin rằng, Huỳnh Uy Dũng sẽ thực hiện thành công mục tiêu đột phá mới xây 100 nhà máy xử lý nước thải.