Phát triển công nghiệp ở An Lão, Bình Định: Nhiều rào cản

Doanh nghiệp - doanh nhân - Ngày đăng : 23:18, 07/03/2018

(TN&MT) - Việc thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư ở Cụm Công nghiệp (CCN) Gò Bùi và Gò Cây Duối thuộc huyện An Lão, Bình Định thời gian qua gặp nhiều khó khăn,...

 

(TN&MT) - Việc thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư ở Cụm Công nghiệp (CCN) Gò Bùi và Gò Cây Duối thuộc huyện An Lão, Bình Định thời gian qua gặp nhiều khó khăn, thách thức. Nguyên nhân là do hệ thống hạ tầng chưa đảm bảo, nhiều doanh nghiệp e ngại khi chọn đầu tư vào các CCN này.
 

A1
Cơ sở hạ tầng tại CCN Gò Bùi chưa được đầu tư đồng bộ gây nhiều khó khăn tới việc sản xuất, kinh doanh của các DN tham gia sản xuất tại đây. Trong ảnh: Dù UBND huyện An Lão có nhiều nỗ lực trong việc đầu tư xây dựng hệ thống đường giao thông nội bộ tại CCN, song nhìn chung còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển sản xuất của DN.

Chưa đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất

Theo Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện An Lão, 2 CCN Gò Bùi và Gò Cây Duối được huyện quy hoạch và bắt đầu thu hút đầu tư từ năm 2008. Sau gần 10 năm đi vào hoạt động, đến nay, có 16 doanh nghiệp (DN) đăng ký thuê đất để đầu tư nhà xưởng, máy móc để sản xuất, kinh doanh. Trong đó, ở CCN Gò Bùi với diện tích quy hoạch gần 11,7 ha nằm ở thị trấn An Lão (huyện An Lão), đến nay, có 7 DN đăng ký đầu tư, gồm có 5 dự án chế biến gỗ và 2 dự án sản xuất vật liệu xây dựng. Ở thời điểm này, chỉ có 4 dự án đã đi vào hoạt động, 2 dự án chưa hoạt động và 1 dự án đang tiến hành xây dựng nhà xưởng sản xuất.

Tại CCN Gò Cây Duối được quy hoạch với diện tích 14,1 ha, đến nay, mới chỉ có 9 DN đăng ký vào sản xuất, kinh doanh; trong đó, có 5 dự án chế biến gỗ, 4 dự án sản xuất vật liệu xây dựng. Hiện nay, có 5 dự án đã đi vào hoạt động, 3 dự án đang làm thủ tục hồ sơ, triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng và 1 dự án chưa hoạt động.
 

A2
Cơ sở hạ tầng tại CCN Gò Bùi và Gò Cây Duối chưa được đầu tư đúng mức. Nhiều DN tham gia đăng ký sản xuất, kinh doanh tại đây phải tự bỏ tiền để xây dựng hệ thống điện, nước để phục vụ sản xuất.

Theo đánh giá của ông Huỳnh Minh Thắng, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện An Lão, đến nay, diện tích đất quy hoạch để phát triển sản xuất tại các CCN tuy cơ bản được lấp đầy, nhưng hiệu quả hoạt động còn khá thấp. “Cái khó hiện nay ở 2 CCN Gò Bùi và Gò Cây Duối chưa có hệ thống điện, nước. Hạ tầng về đường giao thông nội bộ, hệ thống thoát nước mưa, hệ thống xử lý nước thải tập trung chưa được đầu tư đồng bộ vì thiếu kinh phí. Trong khi đó, hệ thống giao thông trên trục tỉnh lộ 629 qua địa bàn huyện chưa đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hàng hóa của các DN do tải trọng cầu, đường chỉ 13 tấn. Đây thật sự là những rào cản lớn, ít nhiều làm ảnh hưởng đến khả năng thu hút đầu tư và tính hiệu quả trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN”, ông Thắng thẳng thắn nhìn nhận.
 

A3
Các DN đầu tư hạ tầng để phát triển sản xuất tại CCN Gò Bùi bước đầu tạo công ăn việc làm cho một bộ phận nhỏ cho người lao động ở địa phương, song hiệu quả sản xuất còn khá thấp.

Ông Nguyễn Văn Thủ, Giám đốc Công ty TNHH Vật liệu xây dựng Hai Tây, đơn vị đang tham gia sản xuất hoạt động gạch Hoffman tại CCN Gò Bùi, đánh giá: Thật lòng mà nói, tôi thấy hạ tầng cơ sở tại CCN Gò Bùi còn hạn chế nhiều mặt khi hệ thống điện, nước, đường giao thông nội bộ… đầu tư chưa đồng bộ, không đáp ứng được nhu cầu sản xuất, phát triển của DN. Để có nguồn điện, nước hoạt động, tôi phải tự bỏ tiền túi để hợp đồng dịch vụ với Điện lực Hoài Ân để kéo điện. Nước thì tôi cho máy bơm từ sông An Lão vào. Sau khi nhà máy đi vào hoạt động ổn định, tôi vấp phải khó khăn nữa là trục đường tỉnh lộ 629 qua địa bàn huyện An Lão lại khá xấu, chất lượng cầu, đường yếu nên gây khá nhiều khó khăn tới việc vận chuyển hàng hóa. Tôi cũng mong thời gian tới, chính quyền địa phương, các ngành chức năng của tỉnh quan tâm hỗ trợ nguồn kinh phí để nâng cấp hệ thống đường giao thông, tạo điều kiện cho các DN tham gia hoạt động sản xuất tại các CCN của huyện An Lão yên tâm hoạt động.
 

A4
Công ty TNHH Vật liệu xây dựng Hai Tây phải tự trang trải chi phí để xây dựng hệ thống điện, nước, khu xử lý nước thải để phục vụ việc sản xuất.

Nỗ lực khắc phục hạ tầng, đáp ứng yêu cầu của DN

Trước những khó khăn, vướng mắc đã và đang diễn ra ở các CCN của địa phương, UBND huyện An Lão đang nỗ lực tìm kiếm các giải pháp để khắc phục, tạo điều kiện cho các DN yên tâm sản xuất, kinh doanh. Ông Trương Văn Hào, Phó Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện An Lão, cho hay: “Trong lúc nguồn kinh phí gặp nhiều khó khăn, huyện cũng vận động các DN cùng chia sẻ để thực hiện các hạng mục hạ tầng theo hướng xã hội hóa. Vừa qua, huyện đã bê tông 700m đường giao thông nội bộ tại CCN Gò Bùi và 500m đường bê tông ở CCN Gò Cây Duối. Để đảm bảo nguồn kinh phí, huyện đã vận động DN đóng góp kinh phí, kết hợp lồng ghép chương trình bê tông hóa giao thông nông thôn của tỉnh để thi công các tuyến đường trong CCN. Huyện cũng vận động DN đầu tư hệ thống lưới điện, nước, khu xử lý nước thải để phục vụ sản xuất cho từng đơn vị”.
 

A5
Cơ sở hạ tầng tại 2 CCN Gò Bùi và Gò Cây Duối còn hạn chế khiến nhu cầu xây dựng hạ tầng để phát triển sản xuất của DN giảm lực.

Trao đổi về định hướng sắp tới, ông Phạm Văn Nam, Chủ tịch UBND huyện An Lão, nói: “Để thu hút các DN và tạo điều kiện cho các đơn vị tham gia sản xuất, kinh doanh ở các CCN một cách thuận lợi nhất, huyện kiến nghị UBND tỉnh quan tâm, hỗ trợ kinh phí để địa phương triển khai xây dựng hoàn thiện hệ thống đường giao thông nội bộ, trạm biến áp 630 KVA tại CCN Gò Bùi, CCN Gò Cây Duối, hệ thống cấp nước và xử lý nước thải tập trung tại các CCN”.

Bên cạnh tạo điều kiện cho các DN hoạt động sản xuất, huyện An Lão cũng sẽ chỉ đạo các đơn vị chức năng có liên quan tăng cường kiểm tra xử lý các DN hoạt động không đúng theo dự án đầu tư, gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời, hướng dẫn các doanh DN hoàn thành các thủ tục hồ sơ pháp lý liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh tại CCN. Ngoài ra, UBND huyện cũng kiên quyết thu hồi đất đối với các DN đã đăng ký vào CCN nhưng không triển khai hoạt động sản xuất, kinh doanh theo quy định.