Công ty Nam Triệu chưa tìm “tiếng nói chung” với ngư dân

Doanh nghiệp - doanh nhân - Ngày đăng : 23:19, 13/01/2018

(TN&MT) - Chiều 12/1, Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định chủ trì cuộc họp giữa Công ty TNHH MTV Nam Triệu và đại diện 14 chủ tàu được đóng mới theo Nghị định 67 của...

 

(TN&MT) - Chiều 12/1, Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định chủ trì cuộc họp giữa Công ty TNHH MTV Nam Triệu và đại diện 14 chủ tàu được đóng mới theo Nghị định 67 của Chính phủ bị hư hỏng phải nằm bờ sửa chữa, để họp bàn đi đến thống nhất việc đền bù, hỗ trợ cho các ngư dân.
 

A1
Ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định chủ trì cuộc họp.

Theo thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định, tổng số tiền 14 chủ tàu yêu cầu Công ty TNHH MTV Nam Triệu phải đền bù, hỗ trợ là hơn 36.5 tỷ đồng. Trong đó, bao gồm các khoản chi phí: chi phí sửa chữa sau nhận tàu, mua thêm thiết bị, hư hỏng ngư lưới cụ, nợ gốc, lãi ngân hàng, tiền thuê lao động…

Tiếp tục tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh Bình Định, ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định, đề nghị Công ty TNHH MTV Nam Triệu tiếp tục thể hiện thiện chí, phối hợp với các chủ tàu để giải quyết yêu cầu đền bù hỗ trợ có lý, có tình để giúp các chủ tàu khắc phục thiệt hại. Bên cạnh đó, mong muốn các chủ tàu cũng xem xét các thiệt hại hợp lý và phối hợp với công ty để thỏa thuận, thống nhất mức đền bù, hỗ trợ cụ thể trên tinh thần cùng chia sẻ sự cố, để sớm giải quyết dứt điểm việc khắc phục.

 

A2
Đại diện Hội Luật gia tỉnh Bình Định mong muốn các bên giải quyết bằng thương lượng chứ không nên đưa ra tòa.


Tại cuộc họp, các ngư dân yêu cầu Công ty TNHH MTV Nam Triệu phải trả các khoản phí đã kê khai được trình lên cơ quan chức năng. Riêng khoản phí hỗ trợ dầu theo Nghị định 48, ngư dân đồng ý bỏ; khoản phí thuê lao động, chủ tàu đồng ý sẽ chịu 50%, còn Công ty Nam Triệu phải chịu 50%. Thế nhưng, phía Công ty Nam Triệu chỉ đồng ý hỗ trợ những khoản chi phí mà công ty cho là phù hợp, còn lại đề nghị ngư dân xem xét lại trên tình thần có tình, có lý.

Ông Bùi Hữu Hùng, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Nam Triệu cho rằng, Công ty Nam Triệu là doanh nghiệp nhà nước nên việc hỗ trợ, bồi thường cho ngư dân phải dựa trên cơ sở hợp đồng kinh tế giữa các chủ tàu với công ty theo các quy định của pháp luật. Còn với các hạng mục mà bà con ngư dân chưa thống nhất, công ty sẽ ghi nhận ý kiến tại cuộc họp này, tiếp tục xem xét và xin ý kiến.

Ông Trần Văn Phúc, ngắt lời: “Cuộc họp này là để công ty xem xét, phần nào hỗ trợ được thì hỗ trợ, còn phần nào không được thì trả lời dứt khoát. Bây giờ, nếu còn chờ xin ý kiến thì có 10 cuộc họp thế này cũng không xong”. Một vị đại diện của Công ty Nam Triệu, nói thêm: “Do Công ty Nam Triệu là doanh nghiệp nhà nước, nên tất cả mọi quyết toán về tài chính phải đúng những quy định của luật pháp. Như vậy, để có một hồ sơ tàu cá được hỗ trợ, bồi thường thì phải căn cứ trên các giấy tờ, chứng từ chính xác được các cơ quan có thẩm quyền xác nhận. Nếu không có các giấy tờ đó thì việc quyết toán đó cũng không đúng. Khi đó, Công ty có muốn hỗ trợ ngư dân cũng không được”.
 

A3
Các chủ tàu vẫn chưa thống nhất với cách giải quyết đền bù, hỗ trợ của Công ty Nam Triệu.

Chưa hài lòng với cách giải quyết của Công ty Nam Triệu, ngư dân Trần Đình Sơn (xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ), chủ tàu 99345 TS, bức xúc: “Không ai điên, tự nhiên tàu không bị hư hỏng lại bỏ ra 120 triệu đồng để thuê tàu lai dắt đưa tàu đi sửa chữa. Nếu tàu không hư hỏng, tàu chúng tôi ra khơi đánh bắt, vừa có lãi trả ngân hàng, vừa có tiền chăm lo cho gia đình. Ngân hàng vui vẻ, vợ con tôi vui vẻ, chứ không đến nỗi vì con tàu này mà vợ chồng tôi lục đục”.

Kết luận cuộc họp, ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định đề nghị: “Sau cuộc họp này, các chủ tàu về cân nhắc, kê khai lại một nữa các khoản chi phí cần đền bù, hỗ trợ sao cho thực tế, phù hợp. Còn về phía Công ty Nam Triệu, gấp rút hoàn thiện các tàu chưa khắc phục xong, đồng thời tính toán để hỗ trợ, đền bù thỏa đáng cho ngư dân”.