Phân bón Lâm Thao: Nhân tố quan trọng cho những mùa cam Cao Phong thắng lợi

Doanh nghiệp - doanh nhân - Ngày đăng : 17:19, 19/12/2017

(TN&MT) - Đó là khẳng định của ông Nguyễn Văn Ánh - Giám đốc Công ty TNHH MTV Cam Cao Phong trong buổi làm việc với Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao.
Phân bón Lâm Thao: Nhân tố quan trọng cho những mùa cam Cao Phong thắng lợi
Đoàn Công ty TNHH MTV Cam Cao Phong thăm dây chuyền sản xuất NPK của Supe Lâm Thao

Đóng góp lớn của phân bón Supe Lâm thao

Ông Nguyễn Văn Ánh cho biết, hiện Công ty Cam Cao Phong có 850ha trồng cam. Cơ chế khoán đã làm cho Cao Phong thay da, đổi thịt bằng chính thu nhập cao của nhiều hộ gia đình. Bên cạnh cây cam chủ lực, công ty không ngừng nâng cao chất lượng các nông sản khác như mía, ngô, bưởi… Nhờ trồng cam đạt năng suất cao, chất lượng tốt nên công ty đã được đánh giá là mô hình doanh nghiệp nông nghiệp làm ăn hiệu quả của tỉnh Hòa Bình.

Theo ông Ánh, để có thương hiệu và thành công này là có sự đóng góp rất lớn của Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao. Phân bón Lâm Thao giúp cây cam sinh trưởng phát triển tốt, tăng khả năng chống chịu, tăng năng suất và chất lượng. Ngoài ra nó còn giúp thay đổi tập quán canh tác, giảm chi phí sản xuất, nhất là giảm chi phí phòng trừ sâu bệnh, góp phần làm ra sản phẩm cam có ưu thế vượt trội trên thị trường: mẫu mã đẹp, vị ngọt thơm mát, an toàn.

Hiệu quả từ công tác liên kết “4 nhà”

Thực hiện Chương trình liên kết “4 nhà” ở huyện Đoan Hùng và Cao Phong (Hòa Bình) thời gian qua, Supe Lâm Thao đã phối hợp Cơ quan khuyến nông, Hội Nông dân và chính quyền địa phương xây dựng các mô hình sử dụng phân bón Lâm Thao cho cây bưởi, cây cam. Đồng thời, tổ chức tốt hệ thống cung ứng phân bón cho nông dân với những ưu đãi về giá và cơ chế thanh toán, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con phát triển sản xuất.

 Mới đây, Đoàn cán bộ lãnh đạo và cán bộ kỹ thuật của Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao đã đến thăm đồi cam đẹp nhất vùng của anh Nguyễn Văn Hậu ở xã Thu Phong (Cao Phong). Anh Hậu cho biết: Với diện tích 0,7 ha, vụ này, sản lượng cam của gia đình anh đạt khoảng 80 tấn. Giá bán cam lòng vàng tại vườn từ 28 – 30.000 đồng/kg. Năm nay, anh Hậu cầm chắc doanh thu trên 2 tỷ đồng. Theo anh Hậu, người trồng cam ở đây đã biết đầu tư, chăm sóc cam đúng kỹ thuật. Cùng với phân chuồng, bà con đã sử dụng các loại phân bón của Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao như NPK-S*M1 5.10.3-8, 12.5.10-14; NPK-S 10.5.5-3 để bón cho cam theo từng giai đoạn sinh trưởng phù hợp. Ông Cù Minh Hà - Giám đốc Công ty CP Phùng Hưng - Đại lý phân bón Lâm Thao hàng đầu vùng đường số 6 với sản lượng tiêu thụ hàng năm trên 100 nghìn tấn, cho biết, đại lý và các tổ chức, đoàn thể địa phương đã xây dựng một số mô hình sử dụng phân bón Lâm Thao cho cây cam rất thành công. Được hướng dẫn, tập huấn, đến giờ, bà con đã khá thành thạo quy trình kỹ thuật bón phân khép kín.

Diện tích trồng cam, quýt ở thị trấn Cao Phong hiện là 715ha, trong đó, khoảng 500ha đang cho thu hoạch. Ở Hòa Bình, cây cam Cao Phong đã được đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý, tạo cơ hội thuận lợi để người trồng cam đưa sản phẩm của mình ra thị trường. Cây cam đã trở thành “cây vàng” của nông dân huyện miền núi Cao Phong.