Doanh nghiệp bất động sản gặp khó

Bất động sản - Ngày đăng : 11:28, 09/07/2019

(TN&MT) - Thị trường bất động sản (BĐS) thời gian qua có phần trầm lắng là do các doanh nghiệp BĐS đang gặp khó khăn. Một trong những vướng mắc đó là chính sách chồng chéo, mâu thuẫn, không khả thi và thiếu tính thực tiễn.
T10
Nguồn cung BĐS có chiều hướng giảm sút. Ảnh: Hoàng Minh

Sụt giảm nguồn cung

Thị trường bất động sản (BĐS) thời gian qua có phần trầm lắng là do các doanh nghiệp BĐS đang gặp khó khăn. Một trong những vướng mắc đó là chính sách chồng chéo, mâu thuẫn, không khả thi và thiếu tính thực tiễn.

Theo số liệu thống kê từ Hội Môi giới BĐS Việt Nam, từ đầu năm 2019 đến nay, nguồn cung BĐS có chiều hướng giảm sút, đặc biệt tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM.

Tổng nguồn cung nhà ở tại Hà Nội giảm 25% so với cùng kỳ năm 2018, lượng giao dịch cũng giảm khoảng 28%; trong khi đó, tại TP.HCM mức độ giảm còn mạnh hơn, tổng nguồn cung giảm gần 50%.

Đối với phân khúc nhà ở là căn hộ, nguồn cung và sức tiêu thụ của phân khúc căn hộ giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm. Nguồn cung mới chỉ đạt 25% so với quý 4/2018, bằng 26% so với cùng kỳ năm trước. Lượng tiêu thụ đạt 29% so với quý 4/2018 và 26% so với cùng kỳ năm trước.

Căn hộ tầm trung dẫn đầu nguồn cung mới toàn thị trường, với phân khúc căn hộ giá rẻ không có dự án mới mở bán. Đáng chú ý, căn hộ cao cấp và hạng sang tiếp tục duy trì tỷ trọng lớn trong nguồn cung.

Trong 3 tháng qua, thị trường chỉ có hơn 4.500 căn hộ được mở bán mới. Tổng lượng giao dịch đạt trên 6.400 căn hộ, giảm đến 42% theo quý và 52% theo năm.

Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hội BĐS Việt Nam cho biết, không riêng phân khúc sản phẩm căn hộ, các phân khúc sản phẩm khác cũng bộc lộ dấu hiệu sụt giảm. Phân khúc nhà phố và biệt thự được mở bán trong quý 2/2019 cung cấp ra thị trường 183 căn, bằng khoảng 30% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ tiêu thụ đạt khoảng 66% nguồn cung mới, bằng 34% so với cùng kỳ năm trước. Giá bán không có nhiều biến động và có xu hướng đi ngang. Ông Nam nhận định, từ những tín hiệu thị trường và các động thái chính sách liên quan đều cho thấy, thị trường đi xuống, suy giảm, không thể tăng trưởng trong những tháng còn lại của năm 2019.

Chính sách gây khó doanh nghiệp

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Tổng Thư ký Hội Môi giới BĐS, thực chất nguồn hàng từ các dự án không phải không có, thậm chí, có nhiều nhưng việc đủ điều kiện chào hàng lại đang gặp nhiều khó khăn. Khó khăn xuất phát từ các cơ quan quản lý. Các dự án đang khẩn trương chào bán để thu hồi vốnnhưng việc phê duyệt các dự án đủ điều kiện khởi công xây dựng cho đến dự án đủ điều kiện đưa ra thị trường giao dịch, hồ sơ đều đang nằm tại các cơ quan chuyên môn.

Bên cạnh đó, trên cả nước đang có sự rà soát mạnh nên hàng trăm dự án tại TP. Hà Nội, TP.HCM phải dừng triển khai, chậm đưa hàng ra thị trường. Quá trình rà soát, thanh tra càng kéo dài càng bất lợi cho doanh nghiệp vì chi phí vốn, lãi vay ngân hàng tăng và mất cơ hội kinh doanh.

Đại diện một doanh nghiệp phản ánh, chính thủ tục hành chính rườm rà, chồng chéo sẽ dẫn đến cơ chế xin cho hoặc nảy sinh tiêu cực. Nguyên nhân chủ quan là công tác thực thi pháp luật còn rất nhiều hạn chế, một số cán bộ, công chức Nhà nước có thẩm quyền giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến BĐS, vừa có biểu hiện thiếu trách nhiệm, đùn đẩy, chuyển hồ sơ lòng vòng.

Có rất nhiều dự án phải “nằm im” hàng năm trời để chờ rà soát, thanh tra. Điều này dẫn đến nguồn cung dự án và sản phẩm nhà ở bị sụt giảm mạnh, theo quan hệ cung - cầu sẽ kéo theo việc tăng giá BĐS, làm giảm cơ hội tạo lập nhà ở của số đông người có thu nhập trung bình và thu nhập thấp đô thị, tác động đến việc đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở.

Về mặt kinh tế, sẽ làm sụt giảm nguồn thu ngân sách Nhà nước từ BĐS. Về phía doanh nghiệp bị tăng chi phí, mất cơ hội kinh doanh, khó khăn chồng chất, thậm chí có nguy cơ bị phá sản. Hoặc có thực tế, nhiều dự án xây dựng xong nhưng không có sổ đỏ cho người dân, nhiều dự án xây lên cao rồi nhưng chưa thể bán vì chưa biết tiền sử dụng đất là bao nhiêu để tính đúng đầu ra, đầu vào. Có những doanh nghiệp xin tạm đóng tiền sử dụng đất cũng không được cấp theo nguyện vọng. Điều này dẫn đến việc các doanh nghiệp BĐS khó khăn chồng chất hơn.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, sợ nhất dự án của họ vướng vào đất công, đất tư trộn lẫn với nhau. Theo quy định, đất công phải mang ra đấu giá, không được bán theo chỉ định nên nếu một chủ sở hữu nào đó trúng thầu, dự án đó gần như bỏ không hoặc bị “treo” mà không có biện pháp tháo gỡ.