Người nghèo còn tâm tư

Bất động sản - Ngày đăng : 10:15, 04/06/2019

(TN&MT) - Theo tính toán của Bộ Xây dựng, đến năm 2020, các khu vực đô thị cả nước có hơn 1,7 triệu người khó khăn về nhà ở và 1,7 triệu công nhân có nhu cầu ổn định chỗ ở. Để đáp ứng nhu cầu nhà ở này, cần phải xây dựng khoảng 700.000 căn hộ.
5b4587725danh 3noxh kmjk
Ảnh minh họa

9 năm trước, Chiến lược Phát triển nhà ở quốc gia mà Chính phủ ban hành (năm 2011) xác định rõ mục tiêu, đến năm 2020 cần xây dựng thêm ít nhất 12,5 triệu m2 sàn nhà ở xã hội hướng tới tầng lớp dân cư có mức thu nhập thấp tại các khu vực đô thị; đáp ứng khoảng 80% số sinh viên, học sinh các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp dạy nghề và khoảng 70% công nhân lao động tại các khu công nghiệp có nhu cầu được giải quyết chỗ ở; hỗ trợ khoảng 500.000 hộ gia đình (theo chuẩn nghèo mới) tại khu vực nông thôn cải thiện nhà ở.

Tính đến đầu năm 2019, Chương trình Phát triển nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 84 dự án, quy mô xây dựng khoảng 33.400 căn hộ và đang tiếp tục triển khai 135 dự án với quy mô xây dựng khoảng 81.000 căn hộ.

Chương trình Phát triển nhà ở xã hội dành cho công nhân khu công nghiệp, đến nay, đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 100 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 41.000 căn hộ. Hiện nay, còn 72 dự án tiếp tục được triển khai với quy mô khoảng 88.000 căn hộ.

Chương trình Phát triển nhà ở xã hội dành cho học sinh, sinh viên cũng đã có 89/95 dự án nhà ở sinh viên đưa vào sử dụng, bố trí cho khoảng 22.000 sinh viên. Sáu dự án còn lại đang trong giai đoạn hoàn thiện. Số lượng học sinh, sinh viên đã được bố trí vào ở đạt tỷ lệ bình quân chung khoảng 83%...

Những kết quả trên, dù mới chỉ đáp ứng 30% nhu cầu, những cũng là sự nỗ lực đáng mừng thông qua chính sách chuyển đổi dự án nhà ở thương mại sang dự án nhà ở xã hội, điều chỉnh cơ cấu căn hộ các dự án nhà ở thương mại, đem lại sinh khí mới cho hàng loạt doanh nghiệp.

Nhưng, nói như một chuyên gia bất động sản, dù có thể coi là một thắng lợi, song phần nhiều lại thuộc về các doanh nghiệp. Bởi lẽ, trên thực tế, sản phẩm nhà ở xã hội còn thiếu rất nhiều so với nhu cầu. Trong khi đó, còn nhiều lực cản như: một số địa phương chưa thực sự quan tâm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội; quỹ đất ngày càng hạn hẹp nên việc lựa chọn nguồn cung về quỹ đất gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là trong khu vực trung tâm; quy định dành 20% quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại để đầu tư phát triển nhà ở xã hội ở một số nơi chưa được thực hiện nghiêm túc; nguồn vốn trung và dài hạn cho phát triển nhà ở xã hội còn thiếu, nhiều doanh nghiệp bất động sản vẫn chưa mặn mà với nhà ở xã hội và thị trường mới chỉ có nhà ở xã hội để bán, còn thiếu nhà ở cho thuê...

Rõ ràng, thành công không như mong đợi. Thắng lợi đang nghiêng hẳn về phía các doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường bất động sản ngày một khó khăn. Còn phía đối tượng được hưởng lợi - người nghèo, người có thu nhập thấp… - dường như còn chất chứa nhiều tâm tư chưa thể nói hết!