Khu Đông TP.HCM: Khi hạ tầng chưa theo kịp dự án

Bất động sản - Ngày đăng : 18:44, 13/05/2018

(TN&MT) - Việc phát triển dự án dựa vào kỳ vọng tương lai đang đưa hạ tầng quận 9 (TP.HCM) vào cuộc rượt đuổi không cân sức với các dự án nhà ở thương mại. Nếu TP không có kế hoạch thực hiện quy hoạch với lộ trình rõ ràng, xác định nguồn lực để đầu tư các tuyến đường, cầu kết nối theo thứ tự ưu tiên thì hạ tầng giao thông ngày càng bị bỏ xa so với tốc độ phát triển của dự án.
 
cd1
Các dự án chung cư cao tầng mọc dày hai bên đường Nguyễn Duy Trinh

Ào ạt dự án chung cư

Quận 9 với tiềm năng đất đai rộng lớn, cùng với vị trí cửa ngõ liên kết vùng Đông Nam bộ nên đây là hướng phát triển chủ đạo của TP.HCM với định hướng là vùng kinh tế đô thị hiện đại quy tụ các ngành công nghệ - kỹ thuật cao, thương mại - dịch vụ - vận tải… Đặc biệt, khu vực này còn là đầu mối nhiều công trình giao thông trọng điểm như tuyến metro, đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây, đường Vành đai 2… Chính đầu mối hạ tầng này là ưu điểm lớn để thu hút các nhà đầu tư cũng như dân cư đổ về đây đón đầu các tiện ích.

Trong thời gian qua, TP.HCM đã và đang đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng nâng cấp mở rộng các trục giao thông chính như Nguyễn Xiển, Lò Lu, Đỗ Xuân Hợp, cầu Phú Hữu, cầu Tăng Long, cầu nối Long Thành (Đồng Nai)…, sẽ góp phần giảm áp lực giao thông cho khu vực, giúp hoạt động lưu thông hàng hóa diễn ra nhanh hơn. Tuy nhiên, chỉ phần nhỏ trong danh mục đầu tư hạ tầng này được hoàn thiện.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Thanh Toàn, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP.HCM, một thực tế của khu Đông TP là các dự án phát triển đô thị đi nhanh hơn hạ tầng. Thế nên mới có chuyện có nhà mà không có đường, có dự án mà không có cầu… Điều dễ nhận thấy hiện trạng khu vực này là dự án mọc lên rất nhiều. Đa phần đất trống thì đều có dự án nhà ở và hạ tầng không theo kịp tốc độ xây dựng của các dự án. Có thể điểm qua hàng loạt dự án nhà ở đã được triển khai thi công tại quận 9 như: Dự án căn hộ Flora Fuji của Nam Long; khu căn hộ The Art của Công ty TNHH Xây dựng Kinh doanh Nhà Gia Hòa; dự án khu đô thị Dragon Village do Công ty CP địa ốc Phú Long làm chủ đầu tư…

Những cảnh báo về nguy cơ quá tải hạ tầng ở khu Đông đang dần trở thành hiện thực khi hàng loạt dự án bất động sản hình thành, đưa vào sử dụng, dân số không ngừng gia tăng nhưng hạ tầng chỉ nhích từng chút một. Đơn cử như đường Đỗ Xuân Hợp có lẽ là trục đường có nhiều dự án bất động sản đang hoạt động nhất quận 9, số lượng phương tiện giao thông ngày càng gia tăng, gồm xe cá nhân, xe chở vật liệu ra vào công trình. Thế nhưng việc nâng cấp, mở rộng tuyến đường này lên 30m vẫn chưa được triển khai, hệ thống thoát nước của tuyến đường này cũng chưa được đầu tư đồng bộ. Hay như tuyến đường Nguyễn Duy Trinh hiện chỉ lưu thông hai làn xe cơ giới, rộng khoảng 7m, lúc này các dự án chung cư cao tầng bám dọc hai bên đường. Đây là con đường xuyên tâm huyết mạch tại quận 9. Vào giờ cao điểm, trên con đường này thường xuyên ùn tắc nghiêm trọng, ảnh hưởng dây chuyền đến lưu thông phương tiện trên đường Vành đai 2 ra vào cảng Cát Lái, xa lộ Hà Nội phía quận 2 và đường Võ Chí Công, qua cầu Phú Mỹ về quận 7.

Các chuyên gia đô thị nhận định: TP.HCM đã được kế thừa kinh nghiệm phát triển đô thị từ thế giới nên đã có những chuẩn bị về mặt quy hoạch hạ tầng khá đầy đủ, thậm chí là đủ cho tương lai khá xa. Thế nhưng thực tế thì các khu đô thị mới đang thiếu hạ tầng kỹ thuật - xã hội, bởi lẽ đa phần các quy hoạch vẫn… ở trên giấy. TP đang bị động về mặt hạ tầng, nước đến chân mới nhảy. Vốn là khó khăn lớn nhất: hiện nay mới chỉ kêu gọi được một phần nhỏ xã hội hóa, còn lại chi phí đầu tư cho hạ tầng vẫn đến từ ngân sách, trong khi ngân sách TP cũng không dư dả gì. Bên cạnh đó, việc đầu tư quận 9 hiện nay còn mang tính tự phát, “nước chảy chỗ trũng”. Chỗ nào còn đất trống, đất rẻ thì đổ vào nhưng doanh nghiệp, tất nhiên, chỉ đầu tư hạ tầng trong dự án, thậm chí nhiều dự án còn chưa hoàn thành tốt hạ tầng nữa kia, thì nói gì đến việc kết nối hạ tầng bên ngoài!

cd 2
Trong khi đường xá chưa kết nối đồng bộ, các chủ đầu tư đã triển khai rầm rộ các dự án nhà ở tại quận 9

Khởi động các dự án giao thông quan trọng

Trước những bức bách về hạ tầng giao thông ở quận 9, UBND TP.HCM vừa duyệt đề xuất Dự án nạo vét tuyến sông Tắc và xây dựng mới cầu Trường Phước (thay thế cầu cũ trên đường Long Thuận) theo hình thức đối tác công tư. Dự án này sẽ góp phần hoàn chỉnh hệ thống giao thông của TP kết nối mạng lưới giao thông đường thủy, phục vụ công tác vận tải hàng hóa, giảm áp lực cho hệ thống giao thông đường bộ đang quá tải; nâng cao năng lực giao thông thủy, tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông hàng hóa; rút ngắn lộ trình vận chuyển hàng hóa từ khu vực phía Đông TP.HCM về Đồng Nai và ngược lại. Ngoài ra, dự án cũng sẽ tạo khả năng liên kết giao thông trực tiếp giữa Đồng Nai và TP.HCM, giảm bớt mật độ chạy tàu trên sông Sài Gòn và rút ngắn được hành trình, tiết kiệm chi phí vận tải và tận dụng lợi thế của các tuyến đường thủy. Dự án xây cầu Trường Phước và nạo vét sông có tổng vốn đầu tư khoảng 1.174 tỷ đồng và sẽ được thực hiện từ năm 2018 đến năm 2019.

Trong khi đó, dự án giao thông quan trọng bậc nhất trên địa bàn quận 9 vừa được khai thông. Cụ thể, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM vừa có văn bản đề xuất UBND TP thực hiện thí điểm quy trình triển khai đầu tư dự án BT (xây dựng - chuyển giao) đối với tuyến đường Nguyễn Duy Trinh, kéo dài từ quận 9 đến quận 2. Đường Nguyễn Duy Trinh được ví là “con đường tử thần” bởi trong hai năm qua đã có 15 người đi xe máy tử vong khiến người dân bất an.

Đường Nguyễn Duy Trinh - tuyến đường chính dẫn vào cảng Phú Hữu hiện mặt đường rất hẹp, chỉ đủ cho 2 làn xe ô tô lưu thông. Vào giờ cao điểm, cửa ngõ cảng Phú Hữu thường xuyên xảy ra ùn tắc. Đơn vị chủ quản cảng Phú Hữu từng kiến nghị TP khẩn trương khép kín đường Vành đai 2, hỗ trợ cảng xây dựng tuyến đường từ cầu Bà Cua đến đường vào cảng Phú Hữu và mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh để hàng hóa dễ dàng thông qua cảng Phú Hữu, chia tải cho cảng Cát Lái. Để “giải cứu” cảng Phú Hữu, TP đã sớm phê duyệt dự án mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh lên thành 30m, với chiều dài hơn 1,6km, với tổng mức đầu tư khoảng 930 tỷ đồng. Nhưng đến nay dự án vẫn chưa thể triển khai được.

Cần phải biết rằng cảng Phú Hữu là một trong những cảng có vai trò quan trọng ở khu Đông, được xem là một phần của cảng Cát Lái mở rộng. Đây là cảng có quy mô, thiết bị cảng biển hiện đại và cũng là cảng đầu tiên tại khu vực phía Nam áp dụng mô hình hải quan điện tử thành công. Cảng Phú Hữu nằm trong quy hoạch của nhóm cảng biển số 5, thuộc khu bến cảng trên sông Đồng Nai. Với vị trí đặc thù, cảng có kết nối tốt với đường bộ: kết nối đường Vành đai 2 và cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây thông qua đường Nguyễn Duy Trinh và đường Nguyễn Thị Định (qua cảng Cát Lái), cũng như kết nối tốt bằng đường thủy nội địa với các cảng nước sâu và hệ thống cảng thủy, ICD trong vùng.

Ông Nguyễn Văn Toàn, Trưởng phòng Kế hoạch - Đầu tư (Sở GTVT TP.HCM) cho hay dự án nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh (đoạn từ vòng xoay Vành đai 2 đến đường 990) đã có nhà đầu tư nghiên cứu thực hiện theo hình thức hợp đồng BT và đã được TP phê duyệt. Nhà đầu tư đang lập, hoàn thiện đề án khả thi theo trình tự thủ tục quy định, trong đó có việc xác định nguồn đất hoán đổi. Sau khi dự án khả thi được duyệt thì mới thực hiện các bước tiếp theo. Tuy nhiên thời gian hoàn thành dự án khi nào vẫn chưa được thông tin chính thức.

Vào lúc này, việc hoàn thành nhanh các thủ tục để sớm triển khai đầu tư, hoàn thành các công trình, dự án ở quận 9 sẽ góp phần giải quyết, kéo giảm ùn tắc giao thông tại cửa ngõ phía Đông của TP.HCM, cũng như kết nối đồng bộ giao thông liên vùng.