Tạo ra mô hình nông nghiệp ít tác động nhất tới môi trường
Môi trường - Ngày đăng : 12:25, 22/07/2019
Môi trường – nền tảng của nông nghiệp bền vững
Theo ông David Whitehead, Giám đốc của Hiệp hội Doanh nghiệp Úc, nông nghiệp bền vững là giải pháp thay thế giải quyết các vấn đề cơ bản và ứng dụng liên quan đến sản xuất lương thực thân thiện với hệ sinh thái. Trong khi nông nghiệp truyền thống chủ yếu dựa vào năng suất và lợi nhuận, nông nghiệp bền vững tích hợp khoa học sinh học, hóa học, vật lý, sinh thái, kinh tế và xã hội để phát triển các phương thức canh tác mới an toàn và không làm suy thoái môi trường.
“Đặc trưng của nông nghiệp bền vững chính là coi trọng chất lượng cuộc sống của người người nông dân, gia đình và cộng đồng; bền vững về sinh thái, bảo tồn tài nguyên duy trì sự sống của tất cả chúng ta”, ông David Whitehead khẳng định.
Cũng theo ông David Whitehead, để nông nghiệp bền vững đạt hiệu quả kinh tế, phát huy trách nhiệm xã hội và sinh thái cần đảm bảo liên kết các vấn đề kinh tế, xã hội và sinh thái, những điều kiện thiết yếu cho sự bền vững. Một hệ thống nông nghiệp khai thác cạn kiệt hoặc suy thoái tài nguyên thiên nhiên hoặc gây ô nhiễm môi trường tự nhiên cuối cùng sẽ mất khả năng sản xuất.
Như vậy, một trong 3 lĩnh vực quan tâm chính làm nền tảng cho nông nghiệp bền vững chính là mối quan tâm về môi trường liên quan đến các tác động bất lợi của nông nghiệp tới tài nguyên đất, nước và động vật hoang dã.
BĐKH đe dọa nông nghiệp bền vững ở Việt Nam
Sở hữu một trong những ngành công nghiệp lúa gạo lớn nhất thế giới, nền kinh tế Việt Nam đã cho thấy sự cải thiện không ngừng trong suốt thời gian qua. Tuy nhiên mặt khuất phía sau thành công lớn này là những vấn đề đe dọa nền nông nghiệp bền vững của Việt Nam. Đơn cử như sâu hại, dịch bệnh, khai thác đánh bắt quá mức và cũng giống như nhiều quốc gia ven biển, mối hiểm họa từ thiên tai và BĐKH.
Việt Nam là nước có 75% dân số sống bằng nông nghiệp nên phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên khá nhiều. BĐKH tác động tiêu cực đến đời sống, sản xuất nông nghiệp nói chung, ảnh hưởng tới tất cả các lĩnh vực của nông nghiệp như trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản, thủy lợi. Trong đó, BĐKH gây hạn hán, nắng nóng kéo dài dẫn đến sa mạc hóa và giảm năng suất, sản lượng cây trồng; BĐKH cũng gây ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển gia súc, gia cầm do rét đậm, rét hại, phát sinh dịch bệnh; BĐKH còn làm các động thực vật có nguy cơ tuyệt chủng bởi thay đổi môi trường do nắng nóng, nước biển dâng làm thu hẹp rừng ngập mặn, sâu bệnh tấn công…
Không những thế, BĐKH làm nước biển lấn sâu gây mất nơi cư trú của thủy sản nước ngọt, nhiệt độ tăng làm cá chết; hạn hán, thiếu nước cung cấp cho sản xuất và sinh hoạt của con người. BĐKH còn gây ô nhiễm nguồn nước, lũ lụt phá hủy các công trình thủy lợi.
Do vậy, bên cạnh những câu chuyện thành công về kinh tế, triển khai các kế hoạch thúc đẩy nông nghiệp bền vững ở Việt Nam là yêu cầu bắt buộc để đất nước có một nền kinh tế lành mạnh, lâu dài.
Ứng dụng công nghệ 4.0 trong nông nghiệp
Hiện nay, Việt Nam đã ứng dụng công nghệ liên quan đến cách mạng công nghiệp 4.0 trong ngành nông nghiệp như: ứng dụng công nghệ sinh học trong ngành nông nghiệp, công nghệ nuôi cấy tế bào, công nghệ gen được ứng dụng trong nghiên cứu cải tiến giống cây trồng vật nuôi, công nghệ vi sinh, ứng dụng công nghệ tự động hóa…
Tuy nhiên, ông Phùng Đức Tiến – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đánh giá, ứng dụng công nghệ 4.0 trong nông nghiệp còn có những khó khăn, thách thức từ cơ sở hạ tầng, công nghiệp hỗ trợ nguồn nhân lực. Do vậy, cần xác định ưu tiên phát triển trong trung và dài hạn. Trong đó, ưu tiên nhập khẩu và làm chủ công nghệ tiên tiến của thế giới; đồng thời tập trung nghiên cứu ứng dụng để nhanh chóng nâng cao năng suất, năng lực công nghệ trong nước, trình độ thiết kế chế tạo ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chủ lực có lợi thế cạnh tranh.
Để thực hiện, theo ông Phùng Đức Tiến, ngành nông nghiệp cần xây dựng nhiệm vụ nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng sâu rộng công nghệ sinh học, công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghệ viễn thám. Cùng với đó, thực hiện chương trình Quốc gia về Đề án tăng cường ứng dụng công nghệ viễn thám giai đoạn 2016 – 2020, tầm nhìn 2030 để tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Mặt khác, xác định các công nghệ mà ngành nông nghiệp cần ưu tiên phát triển trong trung và dài hạn để đón đầu các xu hướng công nghệ mới trên thế giới; xây dựng và triển khai đề án Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong ngành nông nghiệp.