Chuyện trồng rau xanh ngoài những “pháo đài thép” giữa ngàn khơi

Môi trường - Ngày đăng : 17:35, 28/05/2019

(TN&MT) - Trồng rau xanh ngoài đảo Trường Sa đã khó, trồng rau mầm trên các Nhà giàn DK1, bốn mùa sóng gió mặn mòi, thời tiết khắc nghiệt càng khó khăn bội phần. Song, nhờ cần cù chịu khó sáng tạo của cán bộ, chiến sĩ, đến nay nhiều Nhà giàn DK1 có rau mầm xanh ăn hàng ngày, nâng cao sức khỏe bộ đội, giúp các chiến sĩ thêm ấm lòng vững vàng tay súng canh chủ quyền Tổ quốc nơi đầu sóng ngọn gió. Những bồn rau ở nhà giàn DK1 được ví như những “vườn treo babilon” trên sóng giữa đại dương.
anh 1,
Rau mầm siêu sạch ở Nhà giàn DK1/ 10

Người khai sinh “trồng rau trên sóng”

Trước năm 1995, nói đến trồng rau xanh ngoài Nhà giàn là chuyện quá xa vời. Một mặt do thời tiết khắc nghiệt sóng to gió lớn, phần vì lúc đó các chiến sĩ chưa có kinh nghiệm trồng rau trên máng gỗ. Những nhà giàn DK1 thế hệ đầu tiên có sàn công tác chỉ cao 3 mét so với mực nước biển, nên chỉ cần sóng cấp 6 cấp 7, toàn bộ mặt sàn đã bị sóng phủ, hơi mặn bốc lên tận giường ngủ các chiến sĩ, mặt sàn lúc nào cũng nhèm nhẹp ướt vì nhiễm mặn, bởi vậy chẳng có cây nào sống được, đời sống của bộ đội khi đó vô cùng khó khăn. Bên cạnh phải cảnh giác phát hiện mục tiêu từ xa, đối mặt với thời tiết, bão tố, còn nén lòng chịu đựng “ba cái khát”, khát rau xanh, khát nước ngọt và khát hơi ấm đất liền, trong đó rau xanh thuộc “hàng hiếm” nhất. Thức ăn lúc đó chủ yếu là đồ hộp và cá câu từ biển. Mỗi lần đi Nhà giàn, các chiến sĩ mua theo hàng chục bao rau muống khô. Còn đối với các tàu trực trên biển, mua rau muống tươi, luộc sẵn đóng trong bao ni lông cho vào hầm lạnh, mỗi lần ăn xả đông rồi chế biển. Do không có rau xanh, nhiều chiến sĩ trên các nhà giàn bị đau bóp bụng hoặc kiết lỵ, có chiến sĩ đau bao tử đành phải chuyển vào đất liền.

anh 2
Giàn rau mồng tơi ở nhà giàn Phúc Nguyên 2A

Trước thực tế đó, làm thế nào để có rau xanh cho bộ đội nấu canh mỗi bữa trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt giữa biển khơi? Một bài toán đặt ra cho ban chỉ huy Tiểu đoàn DK1. Thượng tá Nguyễn Văn Nam, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn DK1 cho biết, chính ông đã đi kiết lỵ gần một tháng ròng khi ở Nhà giàn Phúc Tần 3 vì không có chất xơ. “Khi tôi trở về đất liền nhận chức vụ Tiểu đoàn trưởng, việc làm đầu tiên của tôi là nghĩ cách trồng rau xanh trên Nhà giàn. Trước đó, tôi cũng thử trồng trong chậu sắt, nhưng hạt không mọc mầm được. Tìm hiểu nguyên nhân mới rõ do nhiễm mặn nước biển. Một số loại rau mọc mầm nhưng chỉ lên một gang tay là thối gốc, hoặc bị gió tạt bay cả chậu xuống biển”, ông Nam chia sẻ.

Tháng 4/1995, thế hệ Nhà giàn thứ hai được xây dựng ở các Cụm Phúc Tần, Tư Chính, Cà Mau, Quế Đường. Ngoài sự vững chãi, chịu đựng bão tố, sóng biển dâng cao đến cấp 10, thì điểm nổi trội  của nhà giàn này là chân cao 10 mét, sàn công tác và sàn ở cao hơn 13 mét so với nhà giàn thế hệ cũ. Không thể thể để bộ đội đi kiết lỵ mãi được, phải trồng được rau xanh ngay trên sóng biển - phong trào “rau xanh trên sóng” được triển khai rộng khắp trên các nhà giàn DK1 giữa năm 1995. Để có đất trồng rau, trước ngày tàu đi biển, Tiểu đoàn DK1 cử sĩ quan đến tận huyện Châu Đức (Bà Rịa Vũng Tàu) mua đất đỏ bazan đóng bao chuyển xuống tàu rồi vận chuyển ra nhà giàn. Những năm 1995-2009, phương tiện lên nhà giàn lúc đó chủ yếu bằng xuồng máy chứ chưa có cẩu ròng rọc như bây giờ. Mỗi lần thay quân, nếu mùa biển lặng, xuồng của tàu chở người và đất vào nhà giàn. Gặp mùa sóng gió, đất được bọc trong bao ni lông thả xuống biển để chiến sĩ trên giàn kéo lên, người bám theo dây bơi vào nhà giàn. Vì thả trôi dưới biển, nên nhiều bao đất bị nhiễm mặn, khi kéo lên nhà giàn cũng không sử dụng được đành bỏ đi. Có chiến sĩ đã sáng tạo phơi đất cho bay hơi mặn, hoặc dùng nước vo gạo lọc mặn.

anh 3,
Chiến sĩ  nhà giàn Phúc Tân chăm sóc rau xanh sau giờ huấn luyện chiều

Những ngày đầu tiên khi chưa có khay chất liệu composite như bây giờ, mọi xô, chậu thủng, thanh gỗ, mẹ giường được các chiến sĩ tận dụng đóng khuôn trồng rau. Trước khi gieo, hạt rau được ủ trong nước ấm cho nảy mầm. “Trồng rau xanh ngoài nhà giàn nâng niu từng li từng tí. Khi có gió lớn, phải bê bồn rau đi dấu chỗ kín kẻo gió tạt hết. Mùa bão tố, sóng dâng, phải che đậy, hoặc vác lên trần nhà chống nhiễm mặn. Có đêm cả mười anh em chúng tôi ngồi bên bồn rau xanh thao thức mừng rỡ”, Thượng tá Nam kể lại.

Rau mầm siêu sạch

Cho đến bây giờ gần 30 năm kể từ ngày thành lập, 15 nhà giàn DK1 đều trồng được rau xanh. Tuy không nhiều như đất liền, nhưng ngày nào cũng đủ nấu canh hai bữa trưa, chiều. Ngoài ra, các chiến sĩ còn biết trồng rau mầm - một loại rau mà ở đất liền trồng không phải dễ dàng.

anh 4,
Giàn mồng tơi mơn mởi ở nhà giàn Tư Chính

Ở nhà giàn DK1/15, thiếu tá Phạm Văn Bảy là người có khiếu trồng rau mầm siêu sạch. Anh Bảy cho biết, mặc dù khí khí hậu khắc nghiệt nhưng nếu có bí quyết thì vẫn có rau mầm ăn hàng ngày như ở đất liền. “Trước khi trồng, hạt rau ủ trong nước ấm một đêm, gieo dày dưới lớp đất mỏng. Nếu không có đất, gieo lên mặt vải, hoặc bì gai. Rau bốn ngày là có rau ăn. Nước tưới chủ yếu là nước vo gạo hoặc nước sau rửa mặt của bộ đội dồn lại. Đây là loại rau siêu sạch”, thiếu tá Bảy cho biết. Thiếu tá y sĩ Bùi Sĩ Sơn là một “chuyên gia” trồng rau xanh kỳ cựu quả quyết: “Tuy ở biển xa, nhưng phất đấu có rau mầm ít nhất tuần ăn bốn bữa. Mặc dù khí hậu thời tiết khắc nghiệt, nhưng chịu khó chăm bón thì chuyện rau xanh ăn hàng ngày là chuyện nhỏ”.

anh 5,
Nhà giàn DK1 sừng sững ngoài khơi xa

Cũng trồng rau mầm siêu sạch nhưng ở nhà giàn DK1/16 lại có cách làm mới. Tận dụng lan can ngoài cùng trên sân thượng, các chiến sĩ dùng bẹ giường cũ đóng thành khung rồi đổ đất vào. Ở vị trí này, vừa lấy được ánh sáng mặt trời nhiều nhất, vừa tránh nước biển bốc hơi nhiễm mặn, dùng ngay nước dự trữ trên sân thượng tưới mỗi ngày. Nếu gặp mưa to dùng bạt chằng che. Một giàn có 5 bồn rau như vậy thì quay vòng ngày nào cũng có rau mầm ăn. “Khi câu được con cá tươi dưới biển, anh em ngồi quây quần quanh nồi lẩu, nhai miếng rau mầm mát ruột lắm. Mùa biển lặng trồng được nhiều, chúng tôi chia cho tàu trực. Tiểu đoàn khuyến khích các nhà giàn trồng rau mầm siêu sạch, vừa bảo đảm vệ sinh, vừa nâng cao sức khỏe”, Trung tá Lê Xuân Nam, Chỉ huy trưởng Nhà giàn DK1/16 cho biết.

Trồng rau xanh ở nhà giàn DK1 không phải chuyện lạ, nhưng trồng rau mầm siêu sạch ở nơi “quần đảo bão tố” này không phải nhà giàn nào cũng trồng được. Ngay ở Cụm nhà giàn Tư chính, hai nhà giàn DK1/11 và DK1/12 gieo được rau mầm, nhưng Nhà giàn DK1/14 không sao mọc được. Vì khí hậu ở “múi biển này” khắc nghiệt hơn và thường xuyên có sóng lừng, hơi biển bốc dày đặc làm cho hạt mầm nhiễm mặn, hạt vừa nảy mầm đã bị thối rễ.

Ghi nhận những nhà giàn trồng được rau mầm siêu sạch giữa đại dương, Thiếu tá Nguyễn Hồng Sơn đã sáng tác ca khúc “Màu xanh nhà giàn” trong một lần anh ra công tác tại đây. Bài ca ấy sưởi ấm lòng và tiếp thêm sức mạnh cho các chiến sĩ vững vàng tay súng canh chủ quyền đất mẹ giữa biển trời Tổ quốc. Những ca từ xúc động sâu lắng, gần gũi thấm vào gan ruột: Ngôi nhà lính đó nằm giữa trời và nước/ dù ngoài khơi xa vẫn khoác một màu xanh/ màu của quê hương thương nhớ bạt ngàn sâu/ những ngôi nhà trên biển/ người chiến sĩ ươm mầm tươi tốt/ những mầm xanh nhà giàn/ thêm ấm lòng lính biển giữa đại dương.

“15/15 nhà giàn đều trồng được rau xanh. Chỉ có lính nhà giàn mới có cách trồng rau độc nhất vô nhị như vậy. Quân bình mỗi ngày một chiến sĩ bảm đảm tối thiểu 200 gam rau xanh như mồng tơi, dền, rau muống. Ngoài ra chúng tôi còn thường xuyên ủ giá đỗ và câu cá, nâng cao đời sống bộ đội. Ở giữa biển xa, những bồn rau là vườn cây cảnh, vừa có rau xanh ăn hàng ngày, vừa tạo không gian xanh, sạch, gần gũi đất liền. Chúng tôi hoàn toàn yên tâm, phấn đấu, vững vàng tay súng giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trong mọi tình huống”, Trung tá Nghiêm Xuân Thái, Chính trị viên Tiểu đoàn DK1 nói.