Đà Nẵng: Lo quá tải bãi rác Khánh Sơn
Môi trường - Ngày đăng : 14:50, 16/04/2019
PV: Tình trạng rác thải ở Đà Nẵng đang nóng dần lên không phải câu chuyện ô nhiễm, mà rác sẽ đổ về đâu trong thời gian tới, ông ý kiến về vấn đề này?
Ông Phạm Thanh Phúc: Bãi rác Khánh Sơn do Dự án Thoát nước và vệ sinh Môi trường TP. Đà Nẵng đầu tư xây dựng từ nguồn vốn vay ODA của Ngân hàng Thế giới và bàn giao cho Công ty vận hành từ năm 2007. Sau hơn 10 năm hoạt động, lượng rác chôn lấp hơn 4 triệu tấn chất thải rắn thông thường (sinh hoạt, công nghiệp không nguy hại, y tế không nguy hại, bùn từ hệ thống thoát nước...). Qua tính toán sơ bộ của Công ty thì khả năng đến tháng 9 năm 2019 bãi rác Khánh Sơn sẽ đạt cao trình theo hướng dẫn vận hành của Ngân hàng Thế giới.
PV:Bãi rác Khánh Sơn (ở quận Liên Chiểu) chỉ còn hơn 250 ngày nữa là đầy rác, vậy ông có thể nói về kế hoạch để giải phóng áp lực bãi chôn lấp rác?
Ông Phạm Thanh Phúc:Vấn đề xử lý rác thải đã được Đà Nẵng quan tâm nhiều năm trước đây. Năm 2009, cho phép Công ty Cổ phần Môi trường Việt Nam đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý, tái chế rác thải với công suất 620 tấn/ngày đêm, đơn vị đã đưa vào vận hành. Tuy nhiên, sau một thời gian thì dừng do nhiều yếu tố khác nhau.
Năm 2016, thành phố đã có chủ trương quy hoạch khu liên hợp xử lý chất thải rắn (CTR) tại xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang và thuê Ngân hàng Châu Á (ADB) làm tư vấn để kêu gọi đầu tư Nhà máy xử lý rác theo hình thức PPP. Tuy vậy, việc triển khai rất chậm, chưa có kết quả thiết thực.
Để giải quyết vấn đề xử lý rác, đầu tháng 4 năm 2019, Chủ tịch UBND thành phố đã có ý kiến chỉ đạo các sở, ban, ngành: Rút ngắn thời gian xử lý các thủ tục đối với việc triển khai Nhà máy xử lý rác; triển khai phân loại rác thải tại nguồn trong năm 2019; đẩy nhanh tiến độ Dự án Nâng cấp, cải tạo một số hạng mục tại bãi rác Khánh Sơn như: mở rộng hộc số 6, nghiên cứu mở rộng hộc chôn lấp số 7; nâng cao trình bãi rác Khánh Sơn hiện hữu... hướng dẫn Công ty Cổ phần Môi trường Việt Nam triển khai dự án Nhà máy xử lý CTR rắn tại bãi rác Khánh Sơn theo công nghệ đốt, phát điện.
PV: Việc cần làm nhất hiện nay là gì, thưa ông?
Ông Phạm Thanh Phúc: Trước mắt, Công ty tăng cường đầm nén lớp rác, phân bổ vị trí chôn lấp để giảm thể tích chôn lấp. Theo chỉ đạo của UBND thành phố, Công ty đã thuê đơn vị tư vấn lập phương án nâng cao trình bãi rác để tăng sức chứa của bãi rác Khánh Sơn để tiếp tục vận hành chôn lấp cho đến khi các dự án về xử lý chất thải rắn được đầu tư đưa vào sử dụng. Công ty đang nghiên cứu thay thế việc phủ lớp rác đã đạt cao trình bằng đất có độ dày 0,2 m lớp bằng vật liệu khác để giảm chiều cao, tăng sức chứa bãi rác để trình Sở TNMT báo cáo UBND thành phố.
PV: Đà Nẵng trong tương lai phải là thành phố môi trường của châu lục và thế giới. Kế hoạch để điều đó thành hiện thực như thế nào, thưa ông?
Ông Phạm Thanh Phúc: Thành phố cũng đã có quy hoạch xử lý chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trên cơ sở quy hoạch này thành phố cần hỗ trợ, kêu gọi thêm nhà đầu tư có năng lực và kinh nghiệm để thực hiện Nhà máy xử lý rác có công nghệ tiên tiến để tái sinh, tái sử dụng; có giải pháp xử lý khôi phục lại các hộc chôn lấp tại Khánh Sơn để có thể xử lý lượng tro xỉ, tro bay từ Nhà máy của Công ty CP Môi trường Việt Nam sau này để giải quyết bài toán chất thải rắn. Triển khai có hiệu quả việc phân loại rác thải tại nguồn.
Tỉ lệ nhựa trong rác thải của Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung còn rất cao, khả năng phân hủy khi chôn lấp kéo dài. Do vậy, đối với người dân cần thay đổi thói quen sử dụng các vật dụng bằng nhựa, tăng cường sử dụng các vật liệu dễ phân hủy trong sinh hoạt.
PV: Chính quyền cũng như người dân Đà Nẵng đang ấp ủ biến rác thải thành “tài nguyên” sinh thái, vậy ông cho biết, ý tưởng của mình và hướng đi của thành phố để con đường đó thành hiện thực?
Ông Phạm Thanh Phúc: Trong những năm qua, Công ty là đơn vị duy nhất thực hiện thu gom, vận chuyển và xử lý rác trên địa bàn thành phố, với kinh nghiệm của mình Công ty đã đề xuất UBND thành phố hỗ trợ Công ty trong vấn đề thu gom rác thải nâng cao ý thức của người dân trong việc quản lý rác thải. Trên cơ sở này, thành phố đã có chủ trương thực hiện phân loại rác thải tại nguồn trong năm 2019, qua đó sẽ thay đổi được thói quen của người dân trong việc phát thải rác.
UBND thành phố cần xem xét tiếp tục kéo dài các hoạt động xử lý chất thải tại khu vực Khánh Sơn bằng cách thay đổi các công nghệ tiên tiến hơn để đáp ứng yêu cầu về môi trường trong thời gian đến. Thành phố đã giao Sở Xây dựng nghiên cứu phương án quy hoạch toàn bộ bãi rác Khánh Sơn thành khu liên hợp xử lý chất thải rắn Khánh Sơn sinh thái.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!