Quản lý rác thải vì môi trường nông thôn bền vững: Loay hoay xử lý
Môi trường - Ngày đăng : 11:37, 11/04/2019
Rác nhiều thu gom, xử lý ít
Mặc dù, tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt vẫn tăng hàng năm, nhưng do lượng phát sinh lớn, năng lực thu gom còn hạn chế, cùng với ý thức cộng đồng chưa cao nên tỷ lệ thu gom rác thải nông thôn vẫn chưa đạt yêu cầu.
Theo báo cáo của Sở TN&MT Vĩnh Phúc, mỗi ngày, khu vực nông thôn thải ra môi trường gần 600 tấn rác nhưng khả năng thu gom, xử lý ở khu vực này mới đạt khoảng 69%, chủ yếu theo phương thức chôn lấp. Mặc dù, chôn lấp là biện pháp xử lý rác thải được sử dụng phổ biến ở các địa phương hiện nay, mang lại hiệu quả kinh tế do giá thành xử lý thấp, song phương pháp này bộc lộ nhiều hạn chế chưa đảm bảo các quy định, yêu cầu về bảo vệ môi trường nên thường nảy sinh khiếu kiện, phản ánh của người dân.
Tại Bắc Ninh, mỗi ngày ở vùng nông thôn Bắc Ninh thải ra gần 400 tấn rác thải sinh hoạt các loại nhưng có hơn 20% được thu gom, tập kết vào nơi quy định để xử lý. Ở các làng nghề thuộc thị xã Từ Sơn và các huyện Yên Phong, Gia Bình…, lượng rác thải từ các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp được người dân tự do thải ra đường, cống rãnh, bờ đê, sông lạch. Cả tỉnh có 125 xã, phường, thị trấn nhưng mới chỉ có 3 địa phương là thị trấn Hồ (huyện Thuận Thành), thị trấn Phố Mới (huyện Quế Võ), thị trấn Chờ (huyện Yên Phong) thành lập được hợp tác xã dịch vụ - môi trường. Còn lại một số thôn, cụm công nghiệp làng nghề tuy có tổ vệ sinh môi trường nhưng hiệu quả hoạt động rất thấp.
13 triệu tấn rác thải sinh hoạt và khoảng 7.500 tấn vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật khu vực nông thôn phát sinh mỗi năm. |
Cùng cảnh ngộ, tỉnh Bình Định, rác thải ở khu vực nông thôn khoảng 520 tấn/ngày nhưng tỷ lệ thu gom chỉ đạt từ 10% - 20%. Những địa phương có tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) thấp là huyện Tuy Phước (25%), Hoài Ân (25,2%), Phù Mỹ (20,5%), Vân Canh (30%)...
Đáng lưu ý, ngay từ năm 2013, Nghị quyết 35/NQ-CP đã xác định “Chất thải sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân nông thôn không được thu gom, xử lý đúng quy cách hợp vệ sinh; tình trạng sử dụng phân bón hóa học, thuốc BVTV tràn lan dẫn đến ô nhiễm môi trường nông thôn ngày càng gia tăng. Ô nhiễm môi trường tại các làng nghề vẫn khó kiểm soát, xử lý và khắc phục, có nơi ngày càng trở nên trầm trọng”. Vì vậy, cần “Tập trung khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường nông thôn, làng nghề” nhưng đến nay, rác thải nông thôn chưa giảm mà có chiều hướng gia tăng.
Xã, huyện chưa đủ năng lực xử lý rác
Theo đánh giá của Bộ TN&MT, công tác thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực nông thôn chưa thực sự được coi trọng, dịch vụ vệ sinh môi trường chưa phát triển đúng mức. Hiện, tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực nông thôn chỉ mới đạt khoảng 40% - 55%. Phần lớn chất thải rắn được thu gom và xử lý bằng biện pháp chôn lấp không hợp vệ sinh nên gây ô nhiễm môi trường, chiếm diện tích lớn.
Mô hình chủ yếu là giao các tổ tự quản của thôn, xã thu gom rác trong khu dân cư, vận chuyển đến điểm tập kết và doanh nghiệp thu gom vận chuyển từ các điểm tập kết về khu xử lý tập trung của huyện, thành phố. Do phương tiện xe gom không đủ, không đúng quy cách, thời gian thu gom không thống nhất… dẫn tới rác tồn đọng trong khu dân cư. Hầu hết, ở các thôn, ấp, xã, phải từ 2 đến 3 ngày, thậm chí, có nơi 10 ngày mới thu gom rác một lần. Điểm tập kết rác thường bố trí ở đầu thôn, xóm, mặt đường giao thông chính của xã, không được che đậy kín dẫn đến ô nhiễm môi trường và làm xấu cảnh quan làng, xóm... Thực trạng này đòi hỏi phải có sự thay đổi về lâu dài theo hướng chuyên nghiệp trong việc thu gom, xử lý rác thải.
Trong khi ở khu vực đô thị, các Công ty dịch môi dịch vụ môi trường đô thị là các doanh nghiệp công ích Nhà nước, 80% kinh phí hoạt động từ ngân sách Nhà nước, 20% do dân đóng góp, các tổ chức dịch vụ môi trường ở nông thôn kinh phí hoạt động chủ yếu từ nguồn thu phí dịch vụ môi trường do người dân đóng góp chỉ đủ để trả thù lao cho người thu gom rác với mức chỉ bằng 30 - 40% thu nhập của người thu gom rác ở đô thị. Bên cạnh đó, nhiều tỉnh cấp kinh phí để xã, huyện làm bãi chôn lấp rác nhưng xã làm không đúng quy trình gây ô nhiễm… Các tổ chức dịch vụ môi trường nông thôn chưa đủ năng lực để giải quyết trọn vẹn các vấn đề quản lý chất thải. Vì vậy, không thể để phó mặc cho xã hoặc huyện lo giải quyết vấn đề này.
Ông Hoàng Dương Tùng - nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT cho rằng: Các cấp quản lý ở địa phương đang lúng túng trong việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải. Mục tiêu đến năm 2020, toàn quốc phải xử lý được 70% lượng rác thải nông thôn theo Chương trình Xử lý chất thải rắn đã đề ra sẽ rất khó khăn.
Nhiều mô hình cải tạo cảnh quan được áp dụng sáng tạo, góp phần tạo nên một diện mạo mới ở nông thôn như: Mô hình trồng hoa, cây xanh “Từ nhà ra ruộng”, hai bên đường giao thông (Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Hà Nam, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Đồng Nai, Cần Thơ, Hậu Giang, Vĩnh Long...); mô hình con đường bích họa (Đan Phượng, Hà Nội; Tam Kỳ, Quảng Nam); làng bích họa của đồng bào dân tộc Dao (Móng Cái, Quảng Ninh)... |