Quản lý rác thải vì môi trường nông thôn bền vững: Mở lối cho rác thải nông thôn

Môi trường - Ngày đăng : 11:44, 11/04/2019

(TN&MT) - Trước thực trạng quản lý và xử lý rác thải ở nông thôn nước ta hiện vẫn còn nhiều hạn chế, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đặt câu hỏi "13 triệu tấn rác đang tồn đọng tại nông thôn sẽ được xử lý như thế nào?". Theo các chuyên gia, để xử lý, phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó, chú trọng đến việc định hướng về công nghệ cho các địa phương.
T6
Công nghệ xử lý rác thải nông thôn. Ảnh: MH

Trả lời Báo Tài nguyên và Môi trường về vấn đề này, bà Mai Thị Liên Hương - Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) cho biết, trên thực tế, Việt Nam đã có nhiều công nghệ xử lý chất thải rắn như: Tận dụng khí từ bãi chôn lấp để phát điện, đốt bỏ thông thường trực tiếp, đốt tầng sôi… Nhưng đến nay, tại các địa phương, việc xử lý rác thải sinh hoạt bằng hình thức phổ biến là chôn lấp. Hiện, có 28,9% chất thải rắn được xử lý đốt hoặc sản xuất phân hữu cơ; 71,1% chôn lấp trực tiếp và 6% chôn sau khi đốt.

Trong tổng số 660 bãi chôn lấp có quy mô lớn hơn 1 ha, mới có 120 bãi chôn lấp hợp vệ sinh. Những bãi chôn rác tại các thành phố thường trực nguy cơ gây ô nhiễm nước và không khí, trong khi năng lực quản lý, kỹ thuật, công nghệ cũng như nguồn lực tài chính cho chất thải rắn còn hạn chế.

“Để xử lý dứt điểm vấn đề môi trường nông thôn, phải trả lời được 3 câu hỏi: Ai làm, làm như thế nào và kinh phí ở đâu? Ngoài ra, phải cần “4 có”: Có tổ chức thu gom, xử lý theo hướng dịch vụ xã hội; có chính sách phù hợp để huy động nguồn lực đầu tư của doanh nghiệp theo hướng dịch vụ công ích; có công nghệ hiện đại, xử lý triệt để, không tạo hậu quả sau xử lý; có quỹ chi cho hoạt động này. Quan trọng nhất hiện nay, chúng ta phải tìm được công nghệ phù hợp với tình hình thực tế, nhưng đến nay, chúng ta vẫn chưa có tiêu chí lựa chọn thiết bị, công nghệ” - bà Hương nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo bà Hương, để giải quyết các vấn đề liên quan đến rác thải nông thôn cần phải rà soát bổ sung các văn bản dưới Luật hướng dẫn chi tiết đồng bộ, kịp thời để thực thi hiệu quả nhiệm vụ quản lý và bảo vệ môi trường nông thôn; ban hành một số chính sách đặc thù: chính sách thu hút sự tham gia của các bên, trong đó, có cộng đồng và thành phần kinh tế tư nhân tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường; chính sách khuyến khích, hỗ trợ quản lý chất thải nông thôn.

Phân định rõ vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường nông nghiệp nông thôn từ Trung ương đến địa phương. Cụ thể, quy định rõ vai trò trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị ngành nông nghiệp, chính quyền cơ sở phải chịu trách nhiệm chất lượng môi trường trên địa bàn; tăng cường giám sát đánh giá, xử lý nghiêm những vi phạm, gây ô nhiễm môi trường, kiên quyết dừng sản xuất kinh doanh đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường.

Đẩy mạnh áp dụng các giải pháp khoa học công nghệ, nhân rộng các mô hình đã triển khai thành công trong sản xuất và bảo vệ môi trường điển hình ví dụ như mô hình thu gom xử lý thuốc bảo vệ thực vật. Tách khu vực sản xuất làng nghề ra khỏi khu dân cư, hỗ trợ giải pháp xử lý chất thải làng nghề phù hợp cho từng vùng trong cộng đồng, xây dựng cụm công nghiệp làng nghề theo quy chuẩn.