Ra mắt bản ghi nhớ hợp tác về chương trình nhân nuôi bảo tồn Sao La

Môi trường - Ngày đăng : 11:38, 28/03/2019

(TN&MT) - Sáng 28/3, tại Hà Nội, Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) ký Bản ghi nhớ Hợp tác với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về xây dựng Chương trình nhân nuôi bảo tồn Sao La nhằm bảo tồn và khôi phục loài động vật quý hiếm này.

Việt Nam được cộng đồng quốc tế công nhận là một trong những quốc gia có tài nguyên đa dạng sinh học phong phú, hệ sinh thái đặc thù; đặc biệt là đa dạng thành phần loài. Các thành phần loài hiện nay đang tập trung phân bố chủ yếu ở các khu rừng đặc dụng. Thời gian qua, chính phủ đã ban hành nhiều chương trình, văn bản cá biệt để làm sao bảo tồn loài, trong đó có những loài nguy cấp, quý hiếm ở Việt Nam.

bảo tồn sao la 1 1
Ông Trần Thế Liên - Vụ trưởng Vụ quản lý rừng đặc dụng, Tổng Cục Lâm nghiệp phát biểu tại Lễ ra mắt biên bản ghi nhớ hợp tác về chương trình nhân nuôi bảo tồn Sao La 

Sao La là loài thú lớn đặc hữu hẹp của hệ sinh thái rừng Trường Sơn. Vào tháng 5/1992, Sao la được phát hiện lần đầu tiên trên thế giới tại Vườn quốc gia Vũ Quang (Hà Tĩnh) và được xem là một phát hiện ấn tượng nhất đối với khoa học thế giới. Tuy nhiên, số lượng quần thể Sao La đang bị suy giảm nghiêm trọng và có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất phân bố ở hệ sinh thái rừng Trường Sơn cả ở hai phía Việt - Lào.

Ông Trần Thế Liên - Vụ trưởng Vụ quản lý rừng đặc dụng, Tổng Cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT cho biết, nếu không có kế hoạch hành động khẩn cấp, khẩn trương chắc chắn trong tương lai, loài đặc hữu quý hiếm này sẽ bị tuyệt chủng.

bảo tồn sao la 2 2
Đại diện IUCN phát biểu tại Lễ ra mắt

Theo Nhóm công tác bảo tồn Sao La, hiện nay khả năng chỉ còn 1-10 cá thể Sao La ở tất cả các khu vực. Sao La có khả năng đã biến mất ở nhiều nơi, có thể là ở hầu hết các khu bảo tồn tự nhiên, vườn quốc gia.

Nghiêm trọng hơn, mặc dù chỉ còn một số lượng rất nhỏ cá thể Sao La còn sót lại, chúng ta vẫn không thể ngăn chặn việc Sao La bị săn bắt. Thậm chí, nếu việc săn bắt được ngăn chặn hoàn toàn, các cá thể đực và cái có thể không sống sót, chúng có thể chết trước khi gặp được nhau. Do vậy, một chương trình nhân nuôi sinh sản cần được thành lập.

sao la
Loài sao la còn được mệnh danh là kỳ lân châu Á. Đây là một trong những loài thú hiếm nhất trên thế giới được các nhà khoa học phát hiện năm 1992

Xuất phát từ thực tế đó, để bảo tồn loài Sao La, ngày 16/10/2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) ký kết Bản ghi nhớ Hợp tác (MOU) về Chương trình nhân nuôi bảo tồn Sao La. Việc ký kết Bản ghi nhớ hợp tác này là cơ sở cho việc xây dựng Văn kiện dự án của Chương trình bảo tồn Sao La và các loài thú móng guốc quý hiếm của Việt Nam. 

“Sau sự kiện công bố hôm nay, chúng ta cùng ngồi lại, bàn bạc và thảo luận làm sao để xây dựng được một dự án cho chương trình bảo tồn Sao La ở Việt Nam; trước mắt là lập được kế hoạch hành động cho từng tháng trong năm 2019”, Ông Trần Thế Liên nhấn mạnh.

Về vấn đề này, đại diện IUCN cho rằng, cần sự phối hợp với nhau để đạt được thành công trong nỗ lực chung bảo tồn Sao La. Nếu như chúng ta không có những hành động thiết thực bảo vệ loài này sẽ tuyệt chủng trong im lặng mà không ai biết đến.