Thái Nguyên: Đẩy mạnh hoạt động “Chống rác thải nhựa”
Môi trường - Ngày đăng : 11:04, 12/02/2019
Theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc, mỗi năm lượng rác thải từ nhựa đủ để bao quanh Trái đất 4 lần. Việt Nam cũng là nước có mức độ ô nhiễm rác nhựa lớn trên thế giới, xếp thứ 17 trong 109 quốc gia. Để hạn chế và giảm thiểu ô nhiễm môi trường do chất thải nhựa gây ra, cần có sự chung tay hưởng ứng, vào cuộc tích cực của cả cộng đồng.
Ngày 10/10/2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản số 5539/BTNMT-TCMT về việc phát động phong trào “Chống rác thải nhựa” gửi đến các Bộ, ngành, UBND các tỉnh và các tổ chức chính trị xã hội trên cả nước. Văn bản nêu rõ: Tiếp nối các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm 2018 với chủ đề “Giải quyết ô nhiễm nhựa và ni lông”, Bộ TN&MT tổ chức phát động phong trào “Chống rác thải nhựa” nhằm tuyên truyền, vận động, kêu gọi cộng đồng cùng nhau thay đổi hành vi, thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni lông khó phân hủy, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe con người và hệ sinh thái.
Hưởng ứng phong trào trên, nhiều địa phương, đơn vị trên cả nước đồng loạt triển khai, đề ra những biện pháp cụ thể và tạo ra sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. Trong đó, Thái Nguyên cũng là tỉnh luôn quan tâm, chú trọng đề ra những giải pháp chi tiết, gắn liền với thực tế và bước đầu gặt hái những kết quả rất tích cực.
Để hạn chế phát sinh chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe con người và hệ sinh thái theo tinh thần phong trào “Chống rác thải nhựa” của Bộ TN&MT, UBND tỉnh Thái Nguyên đã đề nghị các Sở, Ban, ngành, tổ chức đoàn thể, UBND các huyện, thành phố, thị xã, cơ quan báo, đài triển khai thực hiện các nội dung cụ thể như: Giảm thiểu việc sử dụng các sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần trong hoạt động của cơ quan. Rà soát hiện trạng sử dụng các sản phẩm nhựa tại các văn phòng, cơ quan, qua đó thay đổi cách thức hoạt động của văn phòng để giảm thiểu phát sinh chất thải nhựa. Thái Nguyên phát động mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động hành động và vận động người thân cùng thực hiện “nói không với sản phẩm nhựa sử dụng một lần”, phân loại rác thải tại nguồn để giảm thiểu chất thải phải xử lý. Các tổ chức chính trị xã hội đẩy mạnh việc xây dựng, phát triển, hỗ trợ duy trì phong trào, các mô hình huy động sự tham gia của cộng đồng trong thu, gom, phân loại, tái sử dụng chất thải nhựa; sản xuất, sử dụng các sản phẩm bao gói thân thiện với môi trường thay thế các sản phẩm nhựa, túi ni lông khó phân hủy. Các cơ quan báo, đài trên địa bàn tỉnh tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức trong cơ quan và cộng đồng về nguy cơ ô nhiễm nhựa và ni lông nhằm thay đổi, tiến tới từ bỏ thói quen sử dụng túi ni lông, sản phẩm nhựa khó phân hủy.
Ông Nguyễn Thế Giang, Phó Giám đốc Sở TN&MT Thái Nguyên cho biết: Năm 2018, Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Nguyên đã phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai cuộc thi “Tái chế nhựa phế liệu”. Cuộc thi đã nhận được sự tham gia đông đảo của các em học sinh, sinh viên, công nhân viên các công ty trên địa bàn tỉnh, đã lựa chọn được 14 tác phẩm xuất sắc nhất để trao giải, trong đó có 4 tác phẩm đạt giải cao nhất được lựa chọn để gửi tham dự Giải thưởng sáng tạo xanh do Bộ TN&MT phối hợp với Trung ương Đoàn thanh niên tổ chức, trong đó có 2 tác phẩm đạt giải 3 và giải khuyến khích. Bên cạnh đó, để nâng cao kiến thức pháp luật về bảo vệ môi trường cho các doanh nghiệp, Sở TN&MT cũng phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tổ chức 2 lớp tập huấn cho hàng trăm doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ủy ban MTTQ tiếp tục duy trì các mô hình điểm về bảo vệ môi trường, duy trì, nhân rộng các khu dân cư tự quản về BVMT. Hội nước sạch và môi trường tỉnh đã phối hợp với Đại học Thái Nguyên tổ chức đêm Gala về bảo vệ môi trường tại Thái Nguyên đã vận động đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên tham gia thu gom rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa tại một số nơi công cộng qua đó nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. UBND huyện Đại Từ đã tổ chức 12 lớp tập huấn nghiệp vụ chuyên môn về BVMT cho các cán bộ cấp xã, thị trấn, cấp phát tài liệu, tờ rơi về BVMT, hướng dẫn phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt tại nguồn ở khu vực nông thôn đảm bảo yêu cầu VSMT…
Có thể thấy, sự vào cuộc tích cực, bám sát thực tế, đồng bộ của cả hệ thống chính trị trong phong trào “Chống rác thải nhựa” mà Bộ TN&MT phát động của tỉnh Thái Nguyên đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Thành quả này có thể khó đong đếm bằng con số cụ thể nhưng rõ ràng đã góp phần to lớn vào việc thay đổi nhận thức của mỗi người dân, mang đến hơi hướng, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng. Từ đây xây dựng nếp tư duy mới, nhận thức mới trong sinh hoạt, tiêu dùng để giảm thiểu, tiến tới đẩy lùi ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa.