Hút vốn đầu tư cho bảo vệ môi trường

Môi trường - Ngày đăng : 11:21, 02/10/2018

(TN&MT) - Hiện nay, nguồn vốn đầu tư cho bảo vệ môi trường chủ yếu từ ngân sách và viện trợ nước ngoài (ODA) chưa đủ để đáp ứng nhu cầu thực tế. Vì vậy, các cơ quan quản lý Nhà nước cần có giải pháp để kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào lĩnh vực này…
ODA
Các cơ quan quản lý Nhà nước cần có giải pháp để kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào lĩnh vực bảo vệ môi trường. Ảnh: Hoàng Minh

Thiếu vốn

Theo dự báo, từ nay đến năm 2020, Việt Nam cần huy động một lượng vốn đầu tư khoảng 150 - 160 tỷ USD để thực hiện thành công kế hoạch và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đặt ra, tạo sự đột phá trong phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế. Tuy vậy, các nguồn vốn đầu tư Nhà nước từ trước tới nay chỉ có thể đáp ứng 50% nhu cầu, do ngân sách Nhà nước chỉ có mức tăng nhất định, vốn ODA ưu đãi sẽ giảm dần vì nước ta đã là nước có thu nhập trung bình và đặc biệt công nợ của Chính phủ như ODA, trái phiếu Chính phủ và các khoản vay khác có bảo lãnh của Chính phủ bị hạn chế ở mức nhất định so với tổng GDP, không được vượt quá mức hạn an toàn nhằm đảm bảo duy trì ổn định kinh tế vĩ mô.

Trong khi đó, nhu cầu triển khai các hoạt động bảo vệ môi trường (BVMT) của các Bộ, ngành ngày càng nhiều. Báo cáo về công tác BVMT năm 2017 của Chính phủ cho thấy, để triển khai các hoạt động BVMT các Bộ, ngành đề xuất kinh phí là gần 853 tỷ đồng. Tuy vậy, do điều kiện ngân sách có hạn nên chỉ phân bổ khoảng 469 tỷ đồng (đáp ứng được 55% nhu cầu đề xuất).

Chính phủ nhận định, kinh phí đầu tư phát triển cho công tác BVMT chưa đáp ứng được nhu cầu, nhất là đối với nhu cầu triển khai một số dự án có vốn đầu tư lớn về hạ tầng kỹ thuật xử lý môi trường; khắc phục, cải tạo ô nhiễm tại các lưu vực sông, khu vực bị ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Cụ thể năm 2017, ngân sách sự nghiệp môi trường Trung ương hỗ trợ có mục tiêu cho 12 địa phương để xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc khu vực công ích ở các địa phương là hơn 215,5 tỷ đồng cho 33 dự án, tuy vậy, mới chỉ đáp ứng được rất nhỏ nhu cầu của địa phương.

Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích nhằm thúc đẩy nguồn vốn xã hội hóa cho công tác BVMT; kiến nghị xây dựng cơ chế đột phá huy động nguồn lực, thu hút đầu tư, xã hội hóa BVMT, thực hiện đúng nguyên tắc: “Người được hưởng lợi từ môi trường có nghĩa vụ đóng góp tài chính cho công tác BVMT. Người gây ô nhiễm, suy thoái môi trường phải bồi thường, chi trả chi phí xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường”.

Đối thoại để hút vốn

Tại Hội thảo “Đối thoại giữa Nhà nước và các thành phần kinh tế về thu hút vốn đầu tư cho công tác BVMT của Việt Nam giai đoạn 2017 - 2025” do Tổng cục Môi trường tổ chức nhằm kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia vào các lĩnh vực đầu tư cho BVMT, các đại biểu cho rằng, Đảng và Nhà nước đã có nhiều định hướng, chính sách đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, như Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị; Luật Bảo vệ môi trường 2014… Nhà nước cũng khuyến khích tổ chức, cá nhân thành lập doanh nghiệp dịch vụ môi trường, khuyến khích áp dụng cơ chế PPP trong các lĩnh vực như thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải; phát triển, chuyển giao công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường, công nghệ môi trường. Đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thành lập quỹ bảo vệ môi trường; phát triển các dịch vụ môi trường…

Tuy vậy, các quy định liên quan đến thúc đẩy thị trường xử lý chất thải, đặc biệt là cơ chế giá vẫn chưa thực sự tháo gỡ cho doanh nghiệp. Một số văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động quản lý môi trường còn chồng chéo, thiếu các văn bản hướng dẫn chi tiết, dẫn đến khó khăn trong triển khai thực hiện. Không nhất thiết, Nhà nước phải là người cung cấp trực tiếp các dịch vụ công đến người dân. Nhà nước còn có thể phối hợp với tư nhân, với cộng đồng hoặc các đối tác khác để thực hiện nhiệm vụ này.

Ngoài ra, các đại biểu cũng thống nhất các giải pháp để tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT với các cơ quan liên quan, các địa phương, các doanh nghiệp, các tổ chức nhằm triển khai hiệu quả các hoạt động đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường trong thời gian tới.