Nạn đổ rác, phế thải ra bờ sông: Bao giờ mới “mạnh tay” xử lý

Môi trường - Ngày đăng : 10:47, 07/08/2018

Hà Nội là địa phương có nhiều con sông lớn chảy qua. Bên cạnh chức năng điều hòa dòng chảy, mang lại không khí trong lành cho các khu dân cư, nhiều con sông còn là tuyến giao thương đường thủy, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và cả nước. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhiều tuyến sông bị một số tổ chức, cá nhân “biến” thành nơi xả rác, phế thải. Câu hỏi đặt ra là bao giờ hiện tượng trên mới được "mạnh tay" xử lý?

Rác, phế thải "lấp" sông

Khảo sát dọc một số tuyến sông (cả nội và ngoại thành Hà Nội) cho thấy, tình trạng đổ rác, phế thải xuống sông diễn ra khá nhiều. Tại địa bàn huyện Hoài Đức, nơi sông Đáy chảy qua có nhiều điểm vi phạm nghiêm trọng. Điển hình phải kể đến khu vực bờ sông Đáy, qua địa phận xã Vân Côn, tương ứng Km15 + 300 đê tả Đáy. Tại đây tồn tại một bãi phế thải rất lớn với khối lượng khoảng 100m3. Cách đây khoảng hai năm, tình trạng đổ trộm phế thải bắt đầu xuất hiện, nhưng đến nay khu vực này dường như đã biến thành bãi thải thực sự mà không thấy lực lượng nào có biện pháp xử lý.

Tương tự, khu vực cầu Tân Phú (tương ứng Km15 + 600 đê tả Đáy), hay cầu Đại Thành bắc qua sông Đáy, địa phận xã Đông La, huyện Hoài Đức cũng nhức nhối tình trạng này. Hàng trăm mét khối đất, đá, bê tông hiện hữu ngay sát cầu, đã và đang gây cản trở nghiêm trọng dòng chảy, nhưng không được chính quyền địa phương và cơ quan chức năng xử lý cho dù hiện nay đang vào giữa mùa mưa bão. Khảo sát dọc tuyến sông Hồng qua địa phận các quận, huyện như: Long Biên, Gia Lâm, Tây Hồ, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, phóng viên nhận thấy tình trạng đổ rác, phế thải xuống bờ sông cũng diễn ra đáng kể.

RÁC THẢI VEN SÔNG
Hàng trăm mét khối rác, phế thải đổ xuống lòng sông Đáy, đoạn qua cầu Đại Thành thuộc địa phận xã Đông La (Hoài Đức)

Theo thống kê của Hạt Quản lý đê số 6, dọc bờ sông Hồng qua xã Bát Tràng (Gia Lâm) tồn tại 7 điểm vi phạm, chủ yếu là phế thải với khối lượng khoảng 10-30m3/điểm. Trong đó, vi phạm nghiêm trọng là tại bờ sông Hồng, đoạn Km76 + 920 với bãi rác, phế thải có khối lượng khoảng 30m3. Từ tháng 2-2018, khi phát hiện vi phạm, Hạt Quản lý đê số 6 đã lập biên bản vi phạm, đề nghị UBND huyện Gia Lâm và UBND xã Bát Tràng có biện pháp ngăn chặn và xử lý. Song, đã quá nửa năm, vi phạm không những chưa được xử lý, mà còn có chiều hướng phát triển thêm. Tại phía bãi sông Hồng (tương ứng Km71 + 200 đê tả Hồng) thuộc địa phận phường Long Biên (quận Long Biên) cũng tồn tại khoảng 700m3 phế thải xây dựng do một hộ dân đổ ra. Khi phát hiện vi phạm (đầu tháng 5-2018), Hạt Quản lý đê số 5 đã lập biên bản và đề nghị UBND quận Long Biên, UBND phường Long Biên xử lý. Song, cả phường và quận đều "bặt vô âm tín", còn vi phạm vẫn ngang nhiên tồn tại.

Bao biện cho việc không xử lý vi phạm, đại diện chính quyền một số xã, phường đều cho rằng, do các đối tượng thường đổ trộm vào ban đêm, khu vực đổ xa khu dân cư nên việc bắt quả tang rất khó, trong khi đó lực lượng chức năng lại mỏng. Và khi “việc đã rồi” thì lại không có kinh phí để xử lý, dẫn đến vi phạm kéo dài...

Cần giải pháp cụ thể

Phế thải và rác đổ xuống sông là nguyên nhân trực tiếp gây thu hẹp, bồi lắng sông, kéo theo khả năng tiêu thoát nước chậm. Hậu quả là ngập lụt dễ xuất hiện ở các địa bàn trong vùng.

Theo ông Đỗ Đức Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng, chống lụt bão Hà Nội, nguyên nhân chính gây nên tình trạng đổ trộm rác, phế thải xuống sông là do tốc độ đô thị hóa cùng với tốc độ xây dựng tại một số xã, phường ven sông quá nhanh. Phế thải phát sinh nhiều, trong khi hầu hết các địa phương chưa có điểm tập kết, dẫn đến người dân tìm mọi cách để đổ trộm. Ngoài ra, chính quyền một số địa phương không xử lý kiên quyết, dứt điểm, khiến vi phạm liên tục tái diễn...

Trước thực trạng trên, Hà Nội đã và đang triển khai nhiều giải pháp như: Tiếp tục thực hiện kế hoạch xử lý, giải tỏa vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn Hà Nội; áp dụng các biện pháp phòng ngừa kết hợp xử lý dứt điểm các vụ việc mới phát sinh. Thành phố cũng đang áp dụng các biện pháp mạnh tay như điều tra, lập hồ sơ xử lý theo quy định các vụ việc vi phạm nghiêm trọng, có dấu hiệu vi phạm Bộ luật Hình sự.

Theo ông Đỗ Đức Thịnh, về lâu dài có thể nghiên cứu đầu tư xây dựng kè bờ sông, làm đường dọc bờ sông để "giữ sông" và quan trọng nhất là chính quyền các cấp phải nâng cao trách nhiệm, xử lý dứt điểm các vi phạm...