Nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà: Đừng làm ô nhiễm bể nước ngọt Yên Bái
Môi trường - Ngày đăng : 15:25, 18/07/2018
“Trăm hoa đua nở”
Hồ Thác Bà là một trong ba hồ nước nhân tạo lớn nhất Việt Nam cách Hà Nội 140 km theo quốc lộ 2 về phía tây. Hồ Thác Bà được coi là “bể nước ngọt” của Yên Bái, bởi đây là nơi cung cấp nước sinh hoạt cho toàn TP.Yên Bái và huyện Yên Bình. Hồ nằm trên địa phận hai huyện Yên Bình và Lục Yên của tỉnh Yên Bái. Năm 1970 hồ được hình thành khi đập thủy điện Thác Bà chặn dòng sông Chảy.
Hồ Thác Bà có diện tích 23.400 ha, trong đó, diện tích mặt nước là 19.050 ha, chiều dài 80 km, chiều rộng lớn nhất 30 km, mực nước dao động từ 46-58m, chứa được 3-3,9 tỉ m3 nước. Ngoài dòng sông Chảy là nơi cung cấp nước chủ yếu, hồ Thác Bà còn có một hệ thống ngòi lớn như: ngòi Hành, ngòi Cát... đổ về làm tăng lượng phù sa và các loài sinh vật phong phú cho hồ.
Hiện nay, tỉnh Yên Bái đang tận dụng được lợi thế sẵn có trong hồ, khuyến kích người dân, doanh nghiệp phát triển nuôi cá lồng tạo điều kiện phát triển kinh tế tại địa phương.
Ông Lã Tuấn Hưng - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Bình cho biết: Năm 2018, huyện có trên 1.323 lồng, tăng 914 lồng so với năm 2011. Trong đó, đề án tái cơ cấu từ năm 2016 đã hỗ trợ đóng mới 623 lồng và hỗ trợ 234,8 ha quây lưới nuôi cá trên eo ngách hồ Thác Bà. Hiện nay, huyện có 5 hợp tác xã nuôi cá lồng trên hồ và 2 doanh nghiệp.
Để tránh tình trạng gây ô nhiễm nguồn nước, tỉnh Yên Bái đã yêu cầu các đơn vị doanh nghiệp và các hộ dân nuôi cá có diện tích 5ha mặt nước trở lên phải có đánh giá tác động môi trường. Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại chỉ duy nhất một đơn vị thực hiện việc đánh giá tác động môi trường. Nếu không có sự quản lý chặt sẽ dẫn tới tình trạng nuôi tràn lan, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới nguồn nước sinh hoạt cũng như ảnh hưởng tới môi trường.
Cần sớm có quy hoạch
Ghi nhận của PV Báo TN&MT, hiện nay diện tích mặt nước trên hồ Thác Bà được người dân và doanh nghiệp tận dụng để nuôi cá với số lượng ngày càng tăng.
Anh Hoàng Văn Thể - Nhân viên nuôi Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thành Phú Hưng chia sẻ: “Những năm trước công ty chỉ nuôi một vài lồng, năm nay công ty đầu tư nuôi 170 lồng. Với thời tiết khắc nghiệt như những ngày vừa qua cần phải cẩn thận trong việc chăm sóc, vệ sinh lồng nuôi không cá rất dễ bị dịch bệnh và chết”.
Ông Nguyễn Đức Điển – Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Bình cho biết: Trước đây, huyện có các hình thức hỗ trợ người dân nuôi cá lồng bằng tre. Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp huyện được tỉnh giao cho hỗ trợ các gia đình, HTX khoảng 500-600 lồng. Năm 2017 chỉ đạo các hộ gia đình chủ động việc đóng lồng nuôi cá vì đây là lợi thế cần sớm được khai thác, nếu được hỗ trợ sẽ hỗ trợ cho người dân.
“Hiện tại thực hiện chỉ đạo chung của tỉnh, tỉnh đang cho thực hiện đánh giá tác động môi trường trên Hồ Thác Bà, sau khi có kết quả đánh giá huyện Yên Bình sẽ kết hợp với Sở TN&MT và một số Sở ngành liên quan để tổng hợp, đánh giá mức độ ảnh hưởng cũng như các dự án có thể triển khai. Tới lúc đó huyện sẽ có thông tin chính thức về quy mô nuôi để phù hợp phát triển cũng như bảo vệ nguồn nước trên hồ Thác Bà”, ông Nguyễn Đức Điển nói.
Qua thực tế cơ sở, trong thời gian vừa qua, trên địa bàn tỉnh Yên Bái có những đợt nắng nóng kéo dài, nhiệt độ lên tới 38 - 39 độ, nhiều chủ đơn vị nuôi cá đã thả cá vào thời gian này dẫn đến tình trạng cá bị chết hàng loạt. Từ đó, đặt vấn đề: Số lượng cá chết hàng loạt vừa rồi là cá giống, trọng lượng cá nhỏ. Nếu trong thời gian tới tỉnh Yên Bái không làm tốt công tác quy hoạch, quản lý vẫn xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt như vậy, liệu “bể nước ngọt” của tỉnh Yên Bái có bị ô nhiễm hay không?...
Tìm hiểu tại Sở TN&MT tỉnh Yên Bái, được biết: Vừa qua Sở đã trình UBND tỉnh dự án đánh giá tác động môi trường trên hồ Thác Bà trong việc phát triển nuôi cá lồng, với kinh phí 1,5 tỉ đồng và đã được phê duyệt. Hiện nay vẫn đang chờ kinh phí để thực hiện.
Vẫn biết, chính sách thu hút hỗ trợ người dân và doanh nghiệp nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà để tận dụng tiềm năng sẵn có phát triển kinh tế là chính sách tốt, nhận được sự ủng hộ của người dân. Tuy nhiên, tỉnh Yên Bái cần sớm thực hiện việc đánh giá, quy hoạch và cần phải siết chặt công tác quản lý việc nuôi cá lồng trên hồ để tránh tình trạng nuôi tràn lan, ảnh hưởng tới nguồn nước và môi trường.