Quay cuồng trong nắng nóng
Môi trường - Ngày đăng : 09:58, 02/07/2018
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của rìa Đông Nam vùng áp thấp nóng phía Tây với đới gió Tây Nam gây hiệu ứng Phơn nên dự báo đợt nắng nóng tiếp tục xảy ra trên diện rộng ở Bắc Bộ trong những ngày tới.
Hà Nội chạm ngưỡng 40 độ C
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia ghi nhận vào ngày 1-7, nhiệt độ khu vực Bắc Bộ phổ biến 35-38 độ C, có nơi trên 38 độ C. Các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và các tỉnh Trung Bộ xảy ra nắng nóng gay gắt, nền nhiệt cao nhất ngày ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ phổ biến 37-39 độ C, có nơi trên 39 độ C; các tỉnh Trung Bộ phổ biến 38-40 độ C, có nơi trên 40 độ C. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ C là từ 11 đến 16 giờ.
Khu vực Hà Nội nắng nóng gay gắt tiếp tục xảy ra trên diện rộng với nhiệt độ cao nhất ngày 1 và 2-7 phổ biến 37-39 độ C, có nơi trên 40 độ C. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ C là từ 11 đến 16 giờ. Cơ quan khí tượng cũng cảnh báo nắng nóng gay gắt diện rộng ở Bắc Bộ và Trung Bộ có khả năng kéo dài đến ngày 5-7. Trong đợt nắng nóng kéo dài này, nhiệt độ cao nhất ở các tỉnh, thành đồng bằng Bắc Bộ (trong đó có Hà Nội) phổ biến 37-39 độ C, có nơi trên 39 độ C; nhiệt độ cao nhất ở các tỉnh, thành Trung Bộ phổ biến 38-40 độ, có nơi trên 40 độ C.
Tại Hà Nội, đợt nắng nóng gay gắt nhất trong năm 2018 với nền nhiệt chạm ngưỡng 40 độ C diễn ra trong những ngày qua khiến cuộc sống, sinh hoạt của người dân thủ đô bị đảo lộn. Trên nhiều tuyến phố chính ở Hà Nội, trong ngày 1-7, do trốn nắng, lượng người tham gia giao thông giảm hẳn. Ở một số khu chợ của Hà Nội, thay vì ngồi tới 12 giờ, nhiều người bán hàng cũng tục lục dọn hàng từ lúc 10-11 giờ để tránh nắng. Chị Nguyễn Ngọc Diệp (ngụ quận Đống Đa) cho biết theo kế hoạch, cuối tuần này, chị sẽ cho hai cậu con trai đi chơi ở ngoại thành nhưng với thời tiết oi bức, nắng nóng gay gắt nên phải hoãn lại.
Miền Trung: Hoa màu chết khô
Cùng với Bắc Bộ, các tỉnh, thành miền Trung đang trải qua những ngày nắng nóng như đổ lửa.
Tại tỉnh Quảng Ngãi, nắng hạn kéo dài liên tục trong 2 tháng qua khiến hàng ngàn hecta đất sản xuất thiếu nước, nhiều diện tích hoa màu chết khô. Theo thống kê sơ bộ của huyện Đức Phổ, gần 200 ha diện tích đất sản xuất thiếu nước tưới, ở nhiều nơi, người dân không thể xuống giống. Ở các huyện Lý Sơn, Bình Sơn, Mộ Đức…, hàng trăm hecta diện tích hoa màu có nguy cơ chết héo. Riêng huyện Lý Sơn, rất nhiều diện tích trồng hành, tỏi và các loại cây nông nghiệp khác của người dân bị bỏ hoang.
Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Quảng Ngãi cho biết gần 1.000 ha đất sản xuất nông nghiệp trên toàn tỉnh thiếu nước tưới. Mực nước tích trữ tại phần lớn các hồ, đập trên địa bàn toàn tỉnh đều sụt giảm nghiêm trọng.
Còn tại Quảng Nam, tình hình nắng nóng, khô hạn kéo dài khiến nước mặn xâm nhập sâu vào hạ lưu các sông Thu Bồn, Vĩnh Điện, ảnh hưởng nghiêm trọng đến vụ hè thu (lúa non) của các huyện Duy Xuyên, Điện Bàn và TP Hội An. Theo ông Văn Bá Năm, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Duy Xuyên, từ ngày 17-6 đến nay, mặn đã xâm nhập với diễn biến phức tạp. Độ mặn tại bể hút đo được vào ngày 20-6 lên đến 6,3‰, cao hơn gấp nhiều lần so với độ mặn cho phép (dưới 0,8‰). Do 2 trạm bơm tại địa phương không thể hoạt động nên gần 500 ha lúa hè thu của 2 xã Duy Phước và Duy Vinh có nguy cơ chết. Nếu thời gian tới, mặn vẫn tiếp tục xâm nhập sâu hạ lưu sông Thu Bồn, chắc chắn số diện tích lúa non sẽ bị khô hạn.
Trong khi đó, dự báo từ ngày 1 đến 7-7, TP Đà Nẵng đối mặt với đợt nắng nóng từ 38-40 độ C. Sở NN-PTNT TP Đà Nẵng đã phát cảnh báo nguy cơ cháy rừng trong đợt nắng nóng này. Ghi nhận trong ngày 1-7, các bãi tắm ở TP Đà Nẵng đông nghẹt người. Từ sáng sớm đến tận 9-10 giờ, vẫn còn hàng trăm người trốn nóng ở các bãi biển. Đến khoảng 16 giờ, các bãi tắm Phạm Văn Đồng, Mỹ Khê… đông nghịt. Ngược lại, trên nhiều tuyến đường ở TP Đà Nẵng vào thời điểm nhiệt độ cao nhất trong ngày (11 giờ đến 15 giờ) vắng bóng người đi đường.
Xáo trộn nơi "chảo lửa"
Ninh Thuận vốn được xem là "chảo lửa" trong đợt nắng nóng kéo dài này. Gần 1 tuần qua, người dân nơi đây quay cuồng bởi nhiệt độ lên đến 39-40 độ C.
Theo ghi nhận, 4 ngày qua, tại TP Phan Rang - Tháp Chàm, mới hơn 8 giờ, nhiệt độ trong bóng râm đã xấp xỉ 36 độ C. Đến giữa trưa, ngoài trời, nhiệt kế chỉ hơn 39 độ C. Tại nhiều xã của các huyện miền núi Bác Ái, Ninh Sơn, nhiệt độ vượt 40 độ C.
Hai ngày qua, dù là cuối tuần nhưng các tuyến phố chính ở TP Phan Rang - Tháp Chàm vắng hơn bình thường. Người người trốn biệt trong nhà để tránh nóng. Chị Cao Thị Xuân Lan (phường Mỹ Hương, TP Phan Rang - Tháp Chàm) cho biết vợ chồng chị phải đưa 2 con nhỏ về nhà cha mẹ ở Đà Lạt để nghỉ ngơi vì quá nóng.
Những nhà trong khu dân cư đông đúc phải sử dụng vòi nước tưới đẫm sân, vách nhà, mái hiên… để giải nhiệt. Nhiều gia đình không có máy điều hòa phải mua nước đá về hòa tan trong xô, thau rồi dùng quạt điện thổi hết công suất cho giảm nóng. Anh Hoàng Thái, một chủ thầu xây dựng ở huyện Ninh Hải, than vãn do nắng nóng quá dữ nên công nhân phải đổi lịch làm việc, sáng từ 6 đến 10 giờ, chiều từ 14 giờ 30 phút đến 18 giờ.
Nóng bức đã và đang làm xáo trộn sinh hoạt hằng ngày của người dân địa phương. Nhiều loại dịch bệnh như sốt siêu vi, tiêu chảy, cảm cúm đã xuất hiện. Bệnh viện Đa khoa Ninh Thuận khuyến cáo bệnh nhân mắc bệnh mùa hè như cảm cúm, tiêu chảy, sốt siêu vi đến khám chữa bệnh tăng đột biến những ngày qua, bình quân hơn 70 ca/ngày.