Vĩnh Phúc công tác bảo vệ môi trường ở Tam Dương còn nhiều khó khăn

Môi trường - Ngày đăng : 14:14, 16/01/2018

Những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất trên địa bàn huyện Tam Dương có sự tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Tuy...
Những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất trên địa bàn huyện Tam Dương có sự tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Tuy nhiên, chất lượng môi trường của huyện còn bất cập, việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường còn hạn chế, tình trạng xả thải rác còn diễn ra ở nhiều khu vực. Vì vậy, dẫn đến công tác bảo vệ môi trường ở Tam Dương còn nhiều khó khăn.
 
Theo đánh giá của Phòng TN&MT huyện Tam Dương, hiện nay, các nguồn gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn gồm các bãi tập kết rác thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi, nước thải sinh hoạt…

Với kết quả quan trắc của các cơ quan chuyên môn cho thấy, về môi trường nước, mặt quan trắc 13/13 mẫu tại các ao hồ, kênh mương, sông suối đều có các chỉ tiêu vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước mặt. Trong đó, thông số ô nhiễm vượt quy chuẩn nhiều nhất là vi khuẩn và nitrit. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường nước mặt trên địa bàn huyện chủ yếu do chăn nuôi, rác thải, nước thải sinh hoạt…
 
TNMT Vĩnh Phúc công tác bảo vệ môi trường ở Tam Dương còn nhiều khó khăn
Trên đoạn Quốc lộ 2C địa phận xã Đạo Tú (Tam Dương), người dân vứt rác thải bên lề đường không đúng nơi quy định, gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Dương Chung

Các nguồn thải này chủ yếu chưa qua xử lý hoặc chưa được xử lý đạt quy chuẩn trước khi thải ra môi trường, nhất là đối với các cơ sở chăn nuôi, nước thải sinh hoạt. Mặc dù nhiều cơ sở đã đầu tư xây dựng hầm Biogas, bể tự hoại, nhưng nước thải sau hệ thống này vẫn vượt quy chuẩn cho phép nhiều lần.

Khối lượng nước thải trên địa bàn huyện hàng ngày xả thải rất lớn, trong đó, nước thải chăn nuôi phát thải khoảng 3.000m3/ngày; nước thải sinh hoạt hơn 8.500m3/ngày, chưa kể đến số lượng nước thải từ hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn. Theo kết quả phân tích từ 26 mẫu nước thải, cho thấy, 26/26 mẫu đều có các chỉ tiêu vượt quy chuẩn cho phép. Nguồn nước thải sinh hoạt tại các khu dân cư hay nước thải chăn nuôi mới chỉ được xử lý sơ bộ bằng bể tự hoại chưa đạt quy chuẩn hoặc hầm Biogas, sau đó, thải trực tiếp ra môi trường.
 
Cùng với đó, hàng ngày, có gần 360 tấn chất thải chăn nuôi được thải ra môi trường, trong khi đó, trên địa bàn huyện mới chỉ có 3/13 xã, thị trấn được đầu tư công trình xử lý nước thải khu dân cư tập trung là Hợp Thịnh, Vân Hội và Đạo Tú, tuy nhiên, công suất xử lý mới đạt 200m3/ngày đêm.

Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng về thu gom, xử lý chất thải tập trung tại cụm, khu công nghiệp trên địa bàn huyện chưa được đầu tư hoàn chỉnh hoặc chưa được đầu tư theo quy định. Đối với hệ thống bãi tập kết rác thải sinh hoạt, hiện nay, toàn huyện có 41 bãi tập kết, khu xử lý rác thải sinh hoạt, trong đó, có 2 lò đốt rác và 39 bãi tập kết rác tạm thời.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, nhiều bãi tập kết rác đã đầy không còn khả năng tiếp nhận, có 2 bãi tập kết đã đóng cửa. Tại khu tập kết, việc xử lý rác chỉ được thực hiện theo phương pháp thủ công là chôn lấp nên khu vực xung quanh bãi tập kết rác bốc mùi hôi thối, phát sinh nhiều côn trùng, ruồi, muỗi… ảnh hưởng xấu đến môi trường.

Ngoài ra, nguồn thu từ ngân sách thấp nên việc đầu tư cho sự nghiệp bảo vệ môi trường còn hạn chế; ở cấp xã, tuy đã bố trí cán bộ phụ trách tham mưu quản lý môi trường nhưng năng lực hạn chế; công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi chưa thường xuyên; hạ tầng về môi trường tuy được đầu tư nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển KT-XH của các địa phương.

Hơn nữa, ý thức trách nhiệm của một số tổ chức, cộng đồng, gia đình, cá nhân còn hạn chế, cố tình vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, vì lợi ích kinh tế cá nhân coi nhẹ vấn đề bảo vệ môi trường, sức khỏe của người dân…

Trước tình trạng phức tạp và có chiều hướng đi xuống về chất lượng môi trường, UBND huyện Tam Dương chỉ đạo các phòng chuyên môn, các xã, thị trấn huy động sự tham gia của các tổ chức, cộng đồng dân cư và gia đình, cá nhân vào công tác bảo vệ môi trường.

Trong đó, mỗi địa phương bố trí, phân công cán bộ chuyên trách làm công tác môi trường, đồng thời, quan tâm đến việc thu gom, xử lý rác thải, tránh tình trạng người dân vứt rác bừa bãi; chỉ đạo Phòng NN&PTNT huyện phối hợp với Sở NN&PTNT triển khai hỗ trợ xây dựng 660 hầm Biogas và hỗ trợ đệm lót sinh học cho hơn 1.000 hộ chăn nuôi gia cầm, góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường tại cơ sở chăn nuôi, nhất là các gia trại đang phát triển trong các khu dân cư hiện nay…

Để khắc phục tình trạng ô nhiễm, nâng cao chất lượng môi trường, huyện Tam Dương tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai các quy định của Luật Bảo vệ môi trường; tổ chức thực hiện nghiêm nghị quyết của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ môi trường; chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án Bảo vệ môi trường huyện giai đoạn 2017-2021.

Huyện chỉ đạo UBND các xã tổ chức lại đội ngũ thu gom rác thải phù hợp, hiệu quả; xử lý, khắc phục ô nhiễm môi trường tại các bãi tập kết rác thải, tiến tới đóng cửa các bãi tập kết tạm thời gây ô nhiễm; triển khai việc thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển rác sinh hoạt, giao chỉ tiêu thu cho từng xã, thị trấn; triển khai các dự án, mô hình bảo vệ môi trường: xây dựng hầm Biogas, mô hình xử lý chất thải gia cầm bằng đệm lót sinh học…