Giáo sư Lân Dũng: Chúng ta đang quá lãng phí trong việc xử lý rác
Môi trường - Ngày đăng : 17:45, 05/01/2018
Toàn bộ số rác này được tập trung xử lý tại khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn do Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị (URENCO) quản lý.
Với công suất lớn tới 4.000 tấn/ngày, khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn hiện là bãi rác lớn nhất Hà Nội. Chi nhánh Urenco 8 (thuộc Cty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội), đơn vị quản lý Khu liên hiệp xử lý rác thải Nam Sơn cho biết, mỗi ngày khu này tiếp nhận khoảng 3.800 - 4.000 tấn rác. Những dịp lễ, tết, con số này còn tăng lên gấp rưỡi. Đơn giá của UBND TP. Hà Nội đặt hàng cho bãi rác Nam Sơn hiện nay là khoảng 70.000 VND/tấn, tương đương 3,5 USD.
Mỗi năm, TP Hà Nội đang phải chi khoảng 3.000 tỉ đồng cho việc xử lý rác thải. Như vậy, con số này tương ứng với khoảng 8 tỉ đồng mỗi ngày.
Thế nhưng, rác vẫn ngập đường phố, bao vây Hà Nội mỗi dịp lễ, tết.
Nói về con số 3.000 tỉ đồng, GS Lân Dũng cho hay, “đây là điều hết sức vô lý và rất đáng buồn”.
“Hà Nội hay dựa vào việc đầu tư của nước ngoài, mua công nghệ của họ để sử dụng vào các nhà máy rác thải mà coi thường các nhà khoa học Việt Nam. Trong khi, với tư cách là Chủ tịch Hội các ngành sinh học Việt Nam, tôi khẳng định, các nhà khoa học của nước ta có thể sử dụng phương pháp vi sinh vật để phân hủy rác”, ông nói.
3.000 tỉ đồng để chi trả cho việc thu gom, xử lý rác thải, trong khi số tiền đầu tư cho các nhà khoa học chẳng đáng là bao. Đây là một thiệt thòi đối với nền khoa học Việt Nam và các nhà khoa học.
“Các dự án được mua công nghệ nước ngoài để xử lý rác thải được tạo ra như thế nào, lãng phí ra sao, có hiệu quả hay không, câu hỏi này nhiều người chưa trả lời được, không chỉ riêng tôi”, GS Lân Dũng bày tỏ.
Theo Chủ tịch Hội các ngành sinh học Việt Nam, phương pháp vi sinh vật từng được thử nghiệm ở Huế trong công tác xử lý rác thải và đã mang lại kết quả. Nếu phương pháp này được áp dụng tại Hà Nội, chắc chắn sẽ thành công vì nơi đây gần với các trung tâm, viện nghiên cứu về các ngành sinh học, môi trường.