Hợp tác quốc tế tạo sức bật mới
Môi trường - Ngày đăng : 06:35, 30/12/2017
PV: Năm 2017, có thể đánh giá là một năm khá sôi động khi hàng loạt các cam kết, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực KTTV được thực hiện, ông có thể cho biết cụ thể hơn các hoạt động đó?
Ông Trần Hồng Thái: Đứng về góc độ hợp tác quốc tế, có thể nói năm 2017 là năm khá sôi động của Trung tâm KTTV Quốc gia. Hưởng ứng năm 2017, Việt Nam là Chủ tịch Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Trung tâm KTTV Quốc gia đã phối hợp với Trung tâm Khí hậu APEC tổ chức Hội thảo kỹ thuật về “Xây dựng hệ thống sản xuất và tiêu thụ nông sản thích ứng - Tiếp cận liên ngành sử dụng thông tin khí hậu phục vụ an ninh lương bền vững” từ ngày 18 - 21/8/2017 tại TP. Cần Thơ. Đây là hoạt động bên lề của Tuần lễ An ninh lương thực (ANLT) và Đối thoại chính sách cao cấp về ANLT và nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) trong khuôn khổ Năm APEC 2017.
Qua 3 ngày hội thảo, đã có 25 bài phát biểu/trình bày về việc sử dụng các thông tin về thời tiết/khí hậu cho sản xuất nông nghiệp, các phương pháp, công cụ thu thập, phân tích số liệu, chia sẻ thông tin về khí hậu thời tiết trong dự báo tác động đến sản xuất, năng suất và an ninh lương thực. Các đại biểu nhất trí sẽ báo cáo Nhóm công tác về Chính sách an ninh lương thực (PPFS) xem xét, đưa vào Kế hoạch hành động về an ninh lương thực một số khuyến nghị liên quan đến cách tiếp cận liên ngành để chia sẻ và sử sụng thông tin khí hậu cho hệ thống lương thực, thực phẩm; việc chia sẻ thông tin, kiến thức, kinh nghiệm về BĐKH giữa các nước thành viên cũng như việc tăng cường công tác cải thiện hệ thống dự báo khí hậu cho ngành nông nghiệp.
Kết quả của sự kiện này đã đi đúng hướng theo 4 ưu tiên mà Việt Nam đã đề ra trong Năm APEC 2017, trong đó, có ưu tiên về “Tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu”.
Hướng đến kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN 2017 và vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam, trong khuôn khổ hoạt động của Tiểu ban Khí tượng và Vật lý địa cầu ASEAN, Trung tâm KTTV Quốc gia đã phối hợp với Trung tâm Khí tượng chuyên ngành ASEAN tổ chức thành công Diễn đàn nhận định khí hậu mùa khu vực ASEAN (ASEAN COF-9) từ ngày 15 - 17/11/2017 tại Hà Nội.
Tham dự diễn đàn có các đại diện đến từ các nước thành viên ASEAN và Australia, Vương quốc Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ. ASEANCOF 9 đã đưa ra nhận định khí hậu mùa cho vực ASEAN dựa trên sự đồng thuận và quan điểm của các nước thành viên cùng các Trung tâm chuyên ngành toàn cầu và khu vực của Tổ chức Khí tượng thế giới. Diễn đàn đưa ra nhận định về các yếu tố nhiệt độ, lượng mưa, nhiệt độ bề mặt nước biển.
Ngoài ra, Trung tâm KTTV Quốc gia đã đăng cai tổ chức 4 sự kiện của Tổ chức Khí tượng thế giới từ ngày 20 - 23/11/2017 tại Hà Nội.
PV: Từ các sự kiện hợp tác quốc tế như vậy, bạn bè quốc tế chia sẻ, đánh giá như thế nào và chúng ta học hỏi được gì, thưa ông?
Ông Trần Hồng Thái: Khí tượng là một ngành không biên giới. Sự hỗ trợ, chia sẻ của cộng đồng khí tượng thế giới trong công tác quan trắc, nghiên cứu phục vụ dự báo, cảnh báo thiên tai là một trong những điều tự hào của cộng đồng khí tượng mà không phải lĩnh vực nào cũng có thể làm được.
Là một thành viên của WMO, Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ chia sẻ từ các tổ chức trực thuộc nói chung và từ các quan hệ song phương với các nước thành viên nói riêng. Sự phát triển của ngành khí tượng hiện nay (năng lực cán bộ nâng cao, công nghệ dự báo tiên tiến, mạng lưới trạm đang dần tự động hóa) là một trong những minh chứng cho những kết quả hợp tác quốc tế của ngành khí tượng Việt Nam.
PV: Trong khuôn khổ các hoạt động của WMO tại Việt Nam tháng 11/2017, tại cuộc họp Nhóm Quản lý Tiểu dự án (RSMT) thuộc dự án Trình diễn dự báo thời tiết nguy hiểm (SWFDP) có nói đến việc đưa Trung tâm Hỗ trợ dự báo khu vực của WMO vào tác nghiệp. Thực tế, từ năm 2014, Việt Nam đã được WMO chọn là Trung tâm Hỗ trợ dự báo khu vực của WMO. Vậy trong thời gian qua và tới đây, với vai trò này, Việt Nam sẽ được hưởng lợi gì, thưa ông?
Ông Trần Hồng Thái: Qua việc được chọn làm Trung tâm Hỗ trợ dự báo khu vực của WMO, chúng ta đã từng bước nâng cao năng lực dự báo thời tiết nguy hiểm cho khu vực Việt Nam nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói chung tạo điều kiện để Việt Nam nâng cao vị thế trên trường quốc tế trong lĩnh vực phòng chống và giảm nhẹ thiên tai. Ngoài ra, kể từ khi Việt Nam được chọn làm Trung tâm Hỗ trợ dự báo khu vực của WMO đến nay, đã có hơn 50 lượt cán bộ được cử đi đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, kỹ thuật tiếp cận trình độ quốc tế ở một số nước tiên tiến như: Vương quốc Anh, Na Uy, Nhật Bản, Hồng Kông, Hàn Quốc….
Triển khai thành công Trung tâm Hỗ trợ dự báo khu vực của WMO sẽ góp phần đạt được mục tiêu “Đến năm 2020, ngành KTTV Việt Nam đạt trình độ khoa học công nghệ tiên tiến của khu vực châu Á” theo như Chiến lược Phát triển ngành.
PV: Năm 2018, kỷ niệm 50 năm thành lập Ủy ban Bão. Là một thành viên tích cực, Việt Nam sẽ có các hoạt động hưởng ứng nào, thưa ông?
Ông Trần Hồng Thái: Nhằm triển khai các hoạt động của Ủy ban Bão về kế hoạch tổ chức Khóa họp lần thứ 50 và Kỷ niệm 50 năm thành lập Ủy ban Bão năm 2018, Trung tâm KTTV Quốc gia đã tiến hành tổ chức Cuộc thi thiết kế Logo Ủy ban Bão và Cuộc thi cuộc thi ảnh với chủ đề: “Con người với thiên nhiên trong bối cảnh biến đổi khí hậu phục vụ phát triển bền vững đất nước”. Hai Cuộc thi này được đã thu hút được hàng nghìn tác giả khắp mọi miền đất nước tham gia với rất nhiều những tác phẩm tham dự.
PV: Ngành khí tượng thủy văn Việt Nam đã trải qua hơn 100 năm với nhiều cống hiến quan trọng cho đất nước. Ông đánh giá như thế nào về những đóng góp của vấn đề hợp tác quốc tế trong những thành tựu của ngành thời gian qua?
Ông Trần Hồng Thái: Trong hơn 100 năm qua, công tác hợp tác quốc tế của ngành khí tượng thủy văn Việt Nam đã phát triển sâu rộng và đi vào chiều sâu ổn định góp phần tích cực vào quá trình phát triển ngành nói riêng và sự nghiệp phát triển đất nước nói chung.
Việt Nam là thành viên chính thức của Tổ chức Khí tượng thế giới từ năm 1975. Tuy vậy, trước khi thành lập nước Công hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ngành khí tượng Việt Nam đã tham gia Tổ chức Khí tượng thế giới vào năm 1955 và vào năm 1979, Việt Nam là thành viên của Ủy ban Bão. Cùng với việc Việt Nam gia nhập Khối ASEAN, Tổng cục Khí tượng Thủy văn trước đây đã trở thành thành viên chính thức của Tiểu ban Khí tượng và Vật lý địa cầu ASEAN vào năm 1995.
Đồng thời, Việt Nam có những quan hệ song phương chính thức với Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Cam pu chia, Lào và một số tổ chức quốc tế khác.
Nhờ sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo cấp trên, các chương trình dự án hợp tác quốc tế với các đối tác như: Italia, Pháp, Phần Lan, Thụy Sỹ, Na Uy, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Quỹ Phát triển Bắc Âu, Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc, Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á và nhiều đối tác khác đã hoàn thành và phát huy hiệu quả tích cực không những góp phần nâng cao chất lượng bản tin dự báo, bảo vệ sức khỏe và tài sản của người dân mà còn góp phần tăng cường tinh thần đoàn kết hữu nghị giữa các nước cũng như thực hiện tốt cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ban, ngành có liên quan.
Qua những chương trình hợp tác, Việt Nam đã từng bước tăng cường mạng lưới quan trắc, hệ thống thông tin, công nghệ dự báo để tiến đến hiện đại hóa ngành, đáp ứng ngày một tốt hơn công tác dự báo phục vụ nhân dân và các ngành kinh tế.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!