An Giang: Chủ động khắc phục, ứng phó tình hình sạt lở
Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 11/12/2017
(TN&MT) – Theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường(TN&MT) tỉnh An Giang, trong năm qua, tình hình sạt lở trên địa bàn tỉnh có chiều hướng phức tạp, nhất là dọc theo các tuyến bờ sông, kênh, rạch. Trước tình hình đó, lãnh đạo tỉnh An Giang đã thực hiện tốt công tác khắc phục hậu quả, chủ động đề ra nhiều giải pháp để ứng phó với tình hình sạt lở.
Những con số đáng báo động
Ông Võ Hùng Dũng, Phó giám đốc Sở TN&MT tỉnh An Giang cho biết, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 28 điểm sạt lở đất bờ sông, kênh, rạch, với chiều dài sạt lở 2.708 m, làm mất 20.200 m2 đất và ảnh hưởng đến 211 căn nhà (trong đó có 20 căn nhà đã sụp hoàn toàn xuống sông, 4 căn bị sụp một phần) cùng với nhiều tài sản và các công trình hạ tầng khác bị ảnh hưởng, ước tổng thiệt hại gần 100 tỷ đồng. Các địa phương đã di dời khẩn cấp 153 căn nhà, phải vận động di dời thêm 58 căn của các hộ vùng lân cận có nguy cơ tiếp tục xảy ra sạt lở.
Qua kết quả đo đạc, quan trắc cảnh báo sạt lở năm 2017, toàn tỉnh có 51 đoạn sông, kênh, rạch thuộc diện cảnh báo, với tổng chiều dài 162,6km/ 400km đường bờ. So với kết quả cảnh báo sạt lở năm 2016 thì số đoạn cảnh báo không tăng (51/51) nhưng số đoạn cảnh báo ở mức độ đặc biệt nguy hiểm tăng 01 (6/5), số đoạn ở mức độ nguy hiểm giảm 01 (31/32), số đoạn ở mức độ trung bình tăng 01 (11/10) và số đoạn ở mức độ nhẹ giảm 01 (3/4). Trong 51 đoạn cảnh báo có khoảng 20.000 hộ có thể bị ảnh hưởng; trong đó, có hơn 5.380 hộ dân cần di dời khẩn cấp ra khỏi khu vực sạt lở.
Đáng lưu ý 06 đoạn được cảnh báo ở mức độ đặc biệt nguy hiểm có nguy cơ xảy ra sạt lở là rất cao và mức độ ảnh hưởng, thiệt hại lớn, cần có giải pháp phòng tránh và hạn chế thiệt hại do sạt lở gây ra, bao gồm các đoạn trên dòng sông Hậu chảy qua Tân Châu dài 6.900m, huyện Châu Phú dài 1.900m, TP. Long Xuyên 7.600m, đoạn Sông Vàm Nao chảy qua huyện Chợ Mới 3.000m…
Theo ông Võ Hùng Dũng, nguyên nhân sạt lở được các cơ quan chức năng đánh giá chủ yếu là do yếu tố thủy lực, dòng chảy, hình thái dòng sông, cấu trúc địa chất bờ sông, vận động kiến tạo và hoạt động kinh tế - xã hội như ghe tàu, khai thác cát, hoạt động xây dựng, vận tải 02 bên bờ sông...
Mặc khác, do An Giang là vùng đất trẻ, nền đất yếu, rất dễ bị xâm thực, bào mòn nhanh. Sự tác động của sông nước, biên độ chênh lệch của đỉnh triều – chân triều và nhiều dòng sông giao nhau làm cho dòng chảy không bình thường, tạo ra dòng chảy xoáy nước. Dân cư phát triển nhanh, tăng mật độ xây dựng nhà ở bê tông kiên cố, xây dựng công trình kho bãi nhà máy, công trình giao thông, chất tải gần bờ sông làm tăng tải trọng vượt khả năng chịu tải của bờ sông. Việc gia tăng phương tiện giao thông trên bờ, dưới sông gây chấn động… là những nguyên nhân dẫn đến sạt lở đất ven sông, kênh, rạch trên địa bàn tỉnh An Giang trong thời gian qua.
Cảnh báo phòng tránh, quan tâm đời sống cư dân
Để chủ động phòng tránh sạt lở bờ sông, kênh, rạch, năm 2016 Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đã ban hành chỉ thị về việc tăng cường công tác cảnh báo, phòng chống và khắc phục hậu quả sạt lở đất bờ sông trên địa bàn tỉnh. Trong đó giao nhiệm vụ cho các địa phương nơi có nguy cơ sạt lở chủ động cắm biển báo; thông tin, tuyên truyền, vận động người dân di dời ra khỏi khu vực cảnh báo; hạn chế các hoạt động giao thông, xây dựng; chuẩn bị nhân lực, phương tiện, trang thiết bị; gia cố các vị trí đường giao thông xung yếu, công trình hạ tầng trọng điểm.
Sở TN&MT làm nhiệm vụ quan trắc cảnh báo sạt lở và đề xuất thực hiện các giải pháp khắc phục về chỉnh trị dòng chảy. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động triển khai công tác phòng chống, sẳn sàng ứng phó khi có sự cố sạt lở xảy ra, hỗ trợ trong công tác phòng chống thiên tai. Sở Xây dựng tham mưu sắp xếp bố trí dân cư, cơ sở hạ tầng. Sở Giao Thông vận tải rà soát quy hoạch giao thông, xây dựng các tuyến đường tránh xung yếu và gia cố các tuyến giao thông có nguy cơ bị sạt lở. Sở Tài chính kịp thời bố trí kinh phí cho công tác phòng chống thiên tai và khắc phục hậu quả.
Trên cơ sở nhiệm vụ được giao, các ngành, các địa phương đã tập trung thực hiện khắc phục hậu quả sạt lở trên địa An Giang thời gian qua kết quả hết sức khả quan. Qua tổng kết chó thấy, toàn tỉnh có 211 căn nhà bị ảnh hưởng từ các vụ sạt lở cần phải di dời, trong đó đã di dời khẩn cấp là 153 căn, các địa phương đang vận động di dời thêm 58 căn đối với các hộ nằm trong vùng lân cận có nguy cơ tiếp tục xảy ra sạt lở. Đến nay, các địa phương đã bố trí ổn định được 27 căn vào các khu vực đất công, cụm dân cư vượt lũ, đất do doanh nghiệp ứng trước để xử lý khẩn cấp.
Để tiếp tục xử lý việc hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng sạt lở ổn định nơi ở, UBND tỉnh đã cho chủ trương đầu tư khu dân cư ấp Mỹ Hội, xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới với quy mô 5.3ha, tổng kinh phí 41 tỷ đồng từ nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương do UBND huyện Chợ Mới làm chủ đầu tư. Khu dân cư này dự kiến sẽ bố trí thêm cho 107 hộ bị sạt lở. Dự kiến đến cuối năm 2017 dự án sẽ hoàn thành.
Theo Phó giám đốc Sở TN&MT tỉnh An Giang, hiện nay còn 77 hộ tại các điểm sạt lở và khoảng 5.380 hộ có nguy cơ sạt lở cao chưa có giải pháp xử lý. Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã kiến nghị Chính phủ trước hỗ trợ nguồn vốn đầu tư ngay 07 khu dân cư để bố trí cho các hộ này và tiếp tục di dời các hộ có nguy cơ sạt lở cao để sớm ổn định cuộc sống. Đồng thời kiến nghị Trung ương hỗ trợ tỉnh tiếp cận các nguồn vốn để thực hiện dự án “Chống xói lở và ngập lụt ứng phó BĐKH vùng ĐBSCL – tỉnh An Giang”, trong đó có hợp phần xây dựng cầu Vĩnh Ngươn và kè sông Hậu dài 5.500m từ cầu Vĩnh Ngươn đến kênh Đào bảo vệ TP. Châu Đốc, dự kiến vốn 68,44 triệu EURO, thời gian hoàn thành 5 năm (2018-2023).
“Các cấp, các ngành trong tỉnh thường xuyên tuyên truyền, giáo dục nhân dân nâng cao hiểu biết về sạt lở bờ sông, kênh, rạch, những tác động đến môi trường, kinh tế, xã hội, để người dân có ý thức bảo vệ, khai thác hệ thống sông, kênh, rạch một cách hợp lý. Trong đó quan tâm tới việc động viên, khuyến khích nhân dân bảo vệ cây cối ven sông, không xây cất nhà cửa lấn chiếm lòng sông, không khai thác đất, cát ven sông, tham gia nạo vét, khơi thông dòng chảy kênh, rạch nhằm vừa đảm bảo yêu cầu tưới, tiêu thoát lũ vừa có tác dụng giảm tốc độ dòng chảy cục bộ một số khu vực trong kênh, rạch, giảm nguy cơ xảy ra xói lở lòng dẫn” – Ông Võ Hùng Dũng cho biết thêm.
Bài, ảnh: Bạch Thanh