Giải pháp tận dụng chất thải rắn

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 11/12/2017

Phế thải xây dựng được nghiền nhỏ, đưa vào sử dụng trong thi công hạ tầng và san lấp đang là giải pháp tốt, có thể tận dụng khi quỹ đất chôn lấp thu hẹp, tiết kiệm chi phí và bảo đảm vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, để vận hành hiệu quả rất cần sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, đơn vị thi công và người dân Thủ đô.

Thông tin với các đại biểu tại kỳ họp thứ năm, HĐND thành phố khóa XV vừa diễn ra, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết, liên quan đến vấn đề môi trường được các đại biểu quan tâm, hiện nay một số địa phương đã bố trí máy nghiền phế thải tại các công trình xây dựng, điển hình như tại quận Hoàng Mai và trong thời gian tới tiếp tục triển khai tại huyện Thanh Trì và Gia Lâm. Việc này bảo đảm công tác thu gom chất thải rắn phá dỡ từ các tòa nhà, chống việc đổ trộm và lẫn vào rác thải bên ngoài.

Cuối tháng 11-2017, tại khu vực phường Thanh Trì (quận Hoàng Mai), Công ty CP Xử lý chất thải xây dựng và đầu tư phát triển môi trường Hà Nội đưa vào vận hành dây chuyền xử lý phế thải xây dựng trên diện tích 2,5ha. Ông Đặng Tiến Thành, Giám đốc công ty cho biết, thiết bị được sử dụng là máy nghiền RM 100 GO, công nghệ Châu Âu, công suất nghiền tối đa 250 tấn/giờ thành nguyên liệu dạng hạt, đường kính từ 2 đến 7cm, có khả năng xử lý đa dạng nguyên vật liệu, phế thải xây dựng cùng hệ thống khử bụi và máng tiếp liệu tân tiến tích hợp hệ thống sàng thô giúp đưa vật liệu vào máy nghiền một cách tối ưu.

"Máy có nhiều ưu điểm, phù hợp với Hà Nội trong việc giải quyết vấn đề xử lý chất thải rắn. Thời gian tới, chúng tôi sẽ lắp thêm thiết bị để tách ni lông, gỗ, thạch cao nhằm bảo đảm chất lượng của vật liệu sau nghiền", ông Thành nhấn mạnh.

Dây chuyền xử lý chất thải rắn tại Khu Liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (huyện Sóc Sơn).  Ảnh: Giang Sơn
Dây chuyền xử lý chất thải rắn tại Khu Liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (huyện Sóc Sơn). Ảnh: Giang Sơn

Với thực tế hiện nay, khi Hà Nội mỗi ngày thải ra khoảng 3.000 tấn phế liệu xây dựng, cùng với tốc độ đô thị hóa nhanh, số lượng công trình xây dựng ngày càng tăng thì giải pháp này đang phát huy tác dụng, nhất là khi vấn đề quy hoạch khu vực chôn lấp không theo kịp nhu cầu; góp phần giảm áp lực xử lý chất thải xây dựng, tiết kiệm diện tích đất để chôn lấp, giúp các chủ đầu tư giảm chi phí khi sử dụng vật liệu mới...

Tuy nhiên, theo ông Đặng Tiến Thành, công tác tái sử dụng vật liệu sau nghiền gặp khó khăn, thiếu cơ sở pháp lý khi chưa có quy chuẩn đối với vật liệu tái chế sau nghiền từ chất thải xây dựng. Do đó, các chủ đầu tư, các ban quản lý dự án xây dựng hạ tầng đô thị không đủ cơ sở để đưa vào làm vật liệu san nền thay cát tự nhiên. Mặt khác, chi phí xử lý chất thải rắn xây dựng theo công nghệ nghiền được công ty xây dựng theo quy định hiện hành lớn hơn 80.000 đồng/m3, trong khi giá cát san nền hiện nay khoảng 40.000 đồng/m3.

Để phát huy mặt tích cực của công nghệ này phục vụ cho phát triển Thủ đô, ông Thành mong muốn các ban, ngành thành phố cho phép tạm áp dụng đơn giá xử lý chất thải xây dựng bằng công nghệ nghiền tương đương 70% đơn giá công ty xây dựng là 70.000 đồng/m3; đồng thời thông tin tới các ban quản lý dự án, chủ đầu tư ký hợp đồng xử lý chất thải rắn xây dựng và yêu cầu các nhà thầu vận chuyển về đúng nơi tập kết...

Theo đánh giá của các chuyên gia, công nghệ nghiền phế thải, tạo thành sản phẩm phục vụ xây dựng đã đáp ứng được một số tiêu chí chính như: Tiết kiệm chi phí, thời gian, quỹ đất để xử lý chất thải và bảo đảm được vệ sinh môi trường. Thành phẩm sau khi nghiền chất thải xây dựng có thể sử dụng thay cho cát đen hoặc đá dăm cấp phối dùng trong khâu trải nền đường. Vật liệu này còn có thể sử dụng sản xuất gạch không nung, gạch block lát vỉa hè, bê tông dùng cho đường giao thông nông thôn... Đây được xem là giải pháp hữu hiệu để phát triển đô thị bền vững, vì vậy, rất cần sự hỗ trợ của thành phố, chủ đầu tư công trình và sự ủng hộ của người dân Thủ đô.

Theo HNMO