Bình Dương: Trả lời đẩy đủ các vấn đề "nóng" về môi trường

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 12/12/2017

(TN&M) - Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Dương về việc trả lời chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh Bình Dương tại kỳ họp thứ 5 - HĐND khóa IX, Sở Tài nguyên và...

 

(TN&M) - Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Dương về việc trả lời chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh Bình Dương tại kỳ họp thứ 5 - HĐND khóa IX, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Bình Dương vừa trả lời các ý kiến chất vấn về lĩnh vực môi trường nói riêng và TN&MT nói chung trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, trả lời chất vấn của đại biểu về những giải pháp nhằm hạn chế tối đa việc hình thành các nhà máy sản xuất ngoài khu, cụm công nghiệp, nhất là khu dân cư tập trung.

Sở TN&MT Bình Dương cho biết: Việc hạn chế đầu tư các dự án ngoài các khu cụm công nghiệp là một chủ trương lớn của tỉnh, thuộc trách nhiệm tham mưu và tổ chức thực hiện của nhiều ngành và địa phương. Riêng đối với Sở TN&MT trong thời gian qua, đã chủ động tham mưu hoặc phối hợp tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều quy định, chủ trương, chính sách.

Trong đó, đã tham mưu tỉnh trình Chính phủ điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất 2010 – 2020, kế hoạch sử dụng đất 2016 – 2020 theo hướng tăng diện tích đất khu, cụm công nghiệp, thành lập cụm công nghiệp do ngân sách nhà nước đầu tư để hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, giảm diện tích đất sản xuất ngoài khu, cụm công nghiệp.

Thực hiện các quy định, chủ trương, chính sách, từ năm 2015 đến nay, Sở TN&MT Bình Dương đã góp ý tham mưu về chuyên ngành từ chối không chấp thuận chủ trương đầu tư sản xuất bên ngoài khu, cụm công nghiệp và trong khu dân cư tập trung của cho 488/943 dự án, chiếm tỷ lệ 51,7%.

Trong thời gian tới, để hạn chế tối đa việc đầu tư sản xuất bên ngoài khu, cụm công nghiệp và trong các khu dân cư tập trung, Sở TN&MT Bình Dương sẽ chủ động phối hợp với các ngành và địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả các chủ trương, chính sách và quy định của UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành.

Đồng thời, tham mưu tỉnh tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp di dời ra khỏi các khu dân cư; xây dựng chính sách về giá và đất đai để khuyến khích các doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư vào cụm công nghiệp; sửa đổi quy định bố trí các ngành nghề sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế và Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp.

Ngoài ra, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin về TN&MT cho các doanh nghiệp trong lựa chọn địa điểm đầu tư, chuyển đổi công năng sản xuất sang hoạt động thương mại, dịch vụ và đô thị theo lộ trình của tỉnh; tăng cường công tác thanh - kiểm tra các doanh nghiệp nằm ngoài khu, cụm công nghiệp, nhất là nằm trong khu dân cư, đô thị.

Về tham mưu chủ trương cho phép đầu tư dự án sản xuất công nghiệp nằm ngoài các khu, cụm công nghiệp nhằm đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Sở TN&MT Bình Dương cho hay: Theo quy định việc xem xét và tham mưu UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận chủ trương đầu tư cho các dự án đầu tư nằm ngoài khu, cụm công nghiệp do Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì thực hiện lấy ý kiến của các ngành và địa phương, trong đó có ngành TN&MT.

Sở TN&MT thực hiện các nội dung theo quy định như: phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển công nghiệp và quy hoạch xây dựng của tỉnh của dự án; hạ tầng cơ sở nhất là hạ tầng thoát nước khu của dự án; khoảng cách an toàn và cách ly về môi trường của dự án đến khu dân cư…

Trong thời gian qua, ngành TN&MT đã chú trọng và thực hiện nhiều biện pháp nhằm quản lý, kiểm soát quá trình hoạt động của các doanh nghiệp, đó là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp đã đi vào hoạt động. Trong 2 năm 2016 – 2017, đã thanh, kiểm tra 2.808 đơn vị, phát hiện và xử lý vi phạm 867 đơn vị, với số tiền xử phạt 58,77 tỉ đồng.

Song song đó, đẩy mạnh việc hướng dẫn, kiểm tra, nhắc nhở các doanh nghiệp thuộc đối tượng phải lập hồ sơ xin xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường phục vụ vận hành dự án lập hồ sơ xin xác nhận. Hàng năm, Sở TN&MT cùng với Ban Quản lý các khu công nghiệp tổ chức kiểm tra, xác nhận cho gần 100 dự án..

Do tăng cường công tác hậu kiểm nên ý thức, trách nhiệm về công tác bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp trên địa tỉnh được nâng lên, các doanh nghiệp đã quan tâm đầu tư xây dựng các công trình xử lý chất thải và thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường ngày càng tốt hơn.

Về những giải pháp cụ thể để giải quyết triệt để các các dự án đầu tư đang hoạt động trong khu dân cư, khu đô thị, cơ sở sản xuất thuê nhà xưởng gây ô nhiễm môi trường.

Sở TN&MT Bình Dương cho hay: Việc phát triển các khu dân cư không theo quy hoạch dẫn đến tình trạng nhiều cơ sở sản xuất nằm xen lẫn trong các khu dân cư. Hoạt động của các cơ sở sản xuất nằm xen lẫn trong khu dân cư thực tế đã gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân.

Do vậy, di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư, đô thị nhằm khắc phục và cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường, gắn việc phát triển và chỉnh trang đô thị hướng tới mục tiêu đưa tỉnh Bình Dương trở thành đô thị loại I là một trong những mục tiêu, nhiệm vụ khó khăn, phức tạp mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết HĐND tỉnh đã đặt ra.

Trong thời gian qua, UBND  tỉnh Bình Dương đã ban hành tiêu chí di dời và chính sách hỗ trợ di dời; công bố danh sách và tổ chức thực hiện di dời 32 cơ sở gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư, đô thị. Đến nay, đã có 30/32 cơ sở hoàn thành di dời hoặc chấm dứt hoạt động hoặc chuyển đổi ngành nghề, 02 cơ sở đang thực hiện di dời.

Công tác thanh, kiểm tra, xử lý cũng đã được tăng cường. Trong quá trình thanh, kiểm tra, khi phát hiện các doanh nghiệp chưa thực hiện đầy đủ các biện pháp đạt quy chuẩn môi trường thì ngoài việc xử phạt hành chính còn buộc doanh nghiệp phải thực hiện các biện pháp khắc phục; trường hợp doanh nghiệp không khắc phục được sẽ buộc đình chỉ hoạt động và di dời ra khỏi khu vực dân cư, đô thị.

Trong thời gian tới, để giải quyết triệt để các dự án đầu tư hoạt động trong khu dân cư, khu đô thị thì ngoài việc tăng cường công tác thanh, kiểm tra, xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, ngành TN&MT sẽ tham mưu tỉnh xem xét, ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ các cơ sở gây ô nhiễm môi trường phải di dời ra khỏi khu dân cư, đô thị.

Cùng với đó, kiến nghị UBND tỉnh Bình Dương đẩy nhanh tiến độ hình thành cụm công nghiệp do ngân sách nhà nước đầu tư, đi kèm với việc ban hành cơ chế, chính sách về giá và đất đai để khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp di dời vào cụm công nghiệp này.

Về biện phápcụ thể khắc phục tình trạng các doanh nghiệp xả lén nước thải chưa qua xử lý ra môi trường, vào các đường cống thoát nước thải sinh hoạt, đặc biệt khi trời mưa.

Sở TN&MT Bình Dương cho biết: Trong thời gian qua, Sở TN&MT Bình Dương đã triển khai nhiều biện pháp nhằm kiểm soát tình trạng xả lén các chất thải chưa qua xử lý ra môi trường của các doanh nghiệp. Cụ thể, đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường để tạo ra sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức cũng như hành động của các doanh nghiệp về bảo vệ môi trường.

Song song đó, triển khai lắp đặt hệ thống quan trắc tự động, hệ thống camera quan sát và thiết bị lấy mẫu tự động cho 60 doanh nghiệp có lưu lượng từ 500 m3/ngày đến dưới 1.000 m3/ngày. Hiện nay, tổng số nguồn thải được lắp đặt hệ thống quan trắc tự động là 94 doanh nghiệp và kiểm soát được lượng nước thải 128.000 m3/ngày, chiếm 80% lượng nước thải công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Mặt khác, kiện toàn lại Đội kiểm tra liên ngành đột xuất về TN&MT theo hướng tăng cường số đội viên và mở rộng phạm vi hoạt động sang lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản. Đội kiểm tra liên ngành đột xuất về TN&MT là một mô hình mới chỉ có ở tỉnh Bình Dương, nhằm kịp thời xử lý và hạn chế việc các doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở của pháp luật để né tránh, đối phó trong quá trình thanh, kiểm tra.

Trong thời gian tới, để tiếp tục kiểm soát các doanh nghiệp xả lén ra môi trường, Sở TN&MT Bình Dương tiếp tục duy trì thực hiện các biện pháp nêu trên và sẽ nghiên cứu và triển khai thêm một số giải pháp, đó là tiếp tục phát huy tính hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Đội công tác liên ngành kiểm tra đột xuất môi trường cấp tỉnh và cấp huyện trong kiểm tra, xử lý vi phạm môi trường.

Bên cạnh đó, phân cấp cho cấp huyện, cấp xã trong kiểm tra xử lý vi phạm môi trường, thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp nhằm tăng cường đội ngũ kiểm tra, giám sát; kiểm soát các hệ thống xả thải của doanh nghiệp, lắp đặt đồng hồ đo lưu lượng nước cấp và nước thải để tránh các doanh nghiệp có cơ hội xả lén.

Ngoài ra, tham mưu UBND tỉnh Bình Dương xem xét và ban hành quy định để mở rộng việc lắp đặt hệ thống quan trắc tự động và hệ thống camera quan sát đối với các nguồn thải có lưu lượng nước thải từ 200 m3/ngày trở lên. Như vậy, sẽ có thêm khoảng 150 doanh nghiệp lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải và kiểm soát được lượng nước thải 144.000 m3/ngày, chiếm 90% lượng nước thải công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Tường Tú