Rác thải điện tử: Cần hành lang pháp lý mạnh mẽ

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 14/11/2017

(TN&MT) - Chất thải điện tử ẩn chứa nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng sức khỏe con người. Tuy vậy, đến nay, công nghệ thu gom, xử lý cũng như...
(TN&MT) - Chất thải điện tử ẩn chứa nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng sức khỏe con người. Tuy vậy, đến nay, công nghệ thu gom, xử lý cũng như những quy định, chế tài về vấn đề này vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tế.
 
Thu gom, xử lý chất thải điện tử chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Ảnh: MH
Thu gom, xử lý chất thải điện tử chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Ảnh: MH
“Trông người mà ngẫm đến ta”
 
Từ những năm 1980, Khối Liên minh châu Âu (EU) đã có quy định buộc các nhà sản xuất, bán lẻ và nhập khẩu phải trả chi phí cho việc thu gom và xử lý các rác điện tử. Chỉ thị ROSH của EU cũng quy định trong số các thiết bị điện khí, điện tử nhập khẩu vào EU phải hạn chế sử dụng các chất độc hại như: chì, thủy ngân, Ca-đi-mi (Cd), Crôm VI...
 
Năm 2006, Pháp đã áp dụng quy định về tái chế rác thải điện tử. Theo đó, mỗi sản phẩm điện tử bán ra đều phải ghi giá trị dành cho việc thu gom, xử lý và tái chế tùy từng loại sản phẩm. Những khoản tiền này nhằm nâng cao nhận thức của người tiêu dùng đối với rác thải điện tử. Mọi chi phí tái chế sẽ do các nhà sản xuất và các nhà phân phối chịu trách nhiệm. Việc xử lý, thu gom và tái chế các loại rác thải do Bộ Sinh thái Pháp chịu trách nhiệm. Hiện, Pháp đã có một cơ sở rộng 25.000 m2 ở gần thành phố Lynn chuyên xử lý rác thải điện tử.
 
Tại Mỹ, có 20 bang và TP. New York có luật quản lý rác thải điện tử. Một số hãng sản xuất như: Apple, Dell, Hewlett-Packard, IBM và Sony đã áp dụng chính sách thu hồi miễn phí hàng chính hãng đã qua sử dụng. Còn Nhật Bản đẩy mạnh tái sử dụng và tái chế thiết bị điện, điện tử đã bị thải loại. Người tiêu dùng phải trả phí tái chế tại nơi xử lý rác thải điện tử.
 
Trong khi đó, tại Việt Nam đến nay, về mặt pháp lý, dòng chất thải điện tử vẫn chỉ được quản lý bởi các quy định chung về chất thải rắn và chất thải nguy hại. Công tác quản lý chất thải điện tử tại thành phố hoàn toàn chưa có sự tham gia của các nhà sản xuất, phân phối. Việc áp dụng các công cụ chế tài, đặc biệt là công cụ tài chính còn chưa hình thành. Phần lớn các cơ sở thu gom, vận chuyển, lưu trữ chất thải hoạt động không có giấy phép, nằm ngoài khu, cụm công nghiệp, quy mô nhỏ. 
 
Ngay như các thành phố lớn cũng chưa có sự quan tâm cần thiết đến hoạt động tái chế chất thải điện tử. Hiện, các cơ sở tái chế chất thải chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực như tái chế thùng phuy, dầu cặn và không có liên quan đến chất thải điện tử. Riêng tại một số cửa hàng bán sản phẩm điện tử cũ, tái chế bằng cách phân loại, bóc tách các bộ phận còn sử dụng được. Sau đó, tiêu thụ tại thị trường nội địa cho các đối tượng sử dụng có mức sống thấp hơn hoặc xuất đi thị trường Trung Quốc. Phần không tái sử dụng được, bỏ theo rác thải sinh hoạt.
 
Thiếu luật và hệ thống kiểm soát
 
Mặc dù, ngày 22/5/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 16/2015/QĐ-TTg quy định về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ để thay thế Quyết định số 50/2013/QĐ-TTg ngày 9/8/2013 phủ nhằm nhằm tăng cường trách nhiệm của nhà sản xuất trong việc thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ. Tuy vậy, theo nhiều chuyên gia môi trường, tính từ khi có Quyết định 50 đến nay, việc thu gom, xử lý loại chất thải điện, điện tử tại Việt Nam hiện vẫn chưa được các doanh nghiệp cũng như cơ quan chức năng liên quan quan tâm và thực hiện. Vì vậy, Việt Nam cần có hệ thống quản lý có thể kiểm soát một lượng lớn chất thải điện tử và thu hồi vật liệu có giá trị. Cần ban hành luật về quản lý chất thải điện tử và chính quy hóa hoạt động tái chế. Hoàn thiện văn bản luật để hình thành khung chính sách đầy đủ. 
 
Ngoài ra, một số ý kiến khác cho rằng, về mặt quản lý Nhà nước, cần có mạng lưới thu gom hiệu quả. Các chất thải điện tử phải được xử lý, thu gom bởi các đơn vị chuyên về chất thải nguy hại. Hiện, các hộ gia đình khi thải bỏ thiết bị điện tử thường đem bán. Việc thu gom rác thải điện tử được thực hiện chủ yếu bởi các cá nhân làm nghề đồng nát, sửa chữa thiết bị hoặc các trung tâm, đại lý rác. Sau khi thu gom, rác điện tử được tháo dỡ tại các trung tâm lớn như: Tràng Minh (Hải Phòng) Bùi Dâu, Phan Bôi (Hưng Yên), Tề Lỗ (Vĩnh Phúc)... hoặc các cửa hàng tư nhân. Với hệ thống đó, Nhà nước khó kiểm soát dòng chất thải điện tử và nguồn rác thải không tập trung. Nhà nước và các hiệp hội ngành phải kiểm soát, giám sát được dòng chất thải điện tử thay vì khối tư nhân như hiện nay để quản lý chất thải điện tử, trong đó, có các quy chuẩn về vật liệu, công nghệ và sản phẩm tái chế.
 
Về phía doanh nghiệp cũng mong mỏi có các quy định mang tính cưỡng chế đối với chủ xả thải để đảm bảo nguồn đầu vào cho hoạt động xử lý. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, nếu không có đầu vào ổn định, công nghệ hiện đại đến mấy cũng vô giá trị. Vì vậy, để các công ty mạnh dạn đầu tư dây chuyền, công nghệ hiện đại và tận thu hết những kim loại quý trong chất thải điện tử các cơ quan chức năng cần xây dựng những quy định buộc chủ xả thải phải cung cấp nguồn nguyên liệu này. Điều này cũng giúp cho các vật liệu quý trong rác thải điện tử như đồng, vàng… không bị nhà cung lấy đi.
 
Theo lãnh đạo Urenco 10, máy điều hòa, tivi cũ mà công ty tiếp nhận hầu hết đều đã bị nhà cung cấp lấy đi các kim loại dễ tháo dỡ và có giá trị cao, chỉ còn sót lại một số bản mạch hay linh kiện đòi hỏi công nghệ cao mới thu hồi được kim loại. Ở tình trạng đó, nếu đầu tư dây chuyền hiện đại sẽ rất lãng phí. Chúng tôi chỉ có thể đầu tư nếu được cung cấp chất thải điện tử nguyên bản. 
 
 
Theo Quyết định số 16/2015/QĐ-TTg quy định về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ, từ 1/7/2016, sẽ thu hồi và xử lý một số sản phẩm thải bỏ là ắc quy và pin các loại; một số thiết bị điện, điện tử; dầu nhớt, săm, lốp các loại. Cũng từ thời điểm này, sẽ thu hồi và xử lý một số sản phẩm thiết bị điện, điện tử thải bỏ như bóng đèn compact; bóng đèn huỳnh quang; máy vi tính (để bàn, xách tay); màn hình máy vi tính; cục CPU (bộ vi xử lý của máy tính); máy in; máy fax; máy quét hình (scanner); máy chụp ảnh; máy quay phim; máy điện thoại di động; máy tính bảng; đầu đĩa DVD; VCD; CD và các loại đầu đọc băng, đĩa khác; máy sao chụp giấy (photocopyer); ti vi; tủ lạnh; máy điều hòa nhiệt độ; máy giặt. Từ ngày 1/1/2018, sẽ thu hồi và xử lý đối với phương tiện giao thông là xe mô tô, xe gắn máy các loại, xe ô tô các loại không sử dụng được thải bỏ.
 
Linh Chi