Cây xăng bị rò rỉ gây ô nhiễm, quản lý xăng dầu đã an toàn?

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 07/11/2017

Những cây xăng dầu thường có kho, bồn chứa nhiên liệu rất lớn, từ vài nghìn đến vài chục nghìn lít lại không hề an toàn tuyệt đối.

Những tưởng, tất cả các kho, bồn chứa này phải được đảm bảo an toàn tuyệt đối, nhưng thực tế lại không phải vậy. Tại huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai đã xảy ra vụ việc một cây xăng bị rò rỉ nhiên liệu, khiến nguồn nước ngầm của một khu dân cư bị ô nhiễm. Tuy quy mô vụ việc chưa lớn nhưng nó lại đặt ra về vấn đề lớn về quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu, nhất là trong lĩnh vực đảm bảo an toàn kho, bồn chứa nhiên liệu.

Gia đình ông Nguyễn Công Tịnh, ở thôn 3, xã Ia Pia, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai hơn 1 năm nay đã nhiều lần viết đơn kiến nghị về việc nguồn nước giếng bị nhiễm xăng từ một cây xăng ở gần nhà. Tại giếng nhà ông, nước bơm lên có mùi hôi của xăng, màu ngả vàng và có váng nhẹ.

Theo ông Tịnh, nguồn nước này không thể dùng để sinh hoạt bởi không chỉ có mùi hôi, khi dùng để tắm giặt cũng gây mẩn ngứa: “Khoảng tháng 6 năm ngoái nước bắt đầu có mùi hôi, càng ngày mùi càng nặng, mình tắm là nhớt, ngứa. Tình trạng nước giờ bị ô nhiễm xăng dầu, mong muốn chính quyền các cấp làm sao để cây xăng dầu có trách nhiệm, để tôi có nguồn nước dùng ổn định, tại vì giếng nước thì cả đời người chứ không phải ngày một ngày hai”.

Ông Tịnh bên giếng nước của gia đình bị nhiễm dầu. (Ảnh báo Gia Lai).
Ông Tịnh bên giếng nước của gia đình bị nhiễm dầu. (Ảnh báo Gia Lai).

Theo ông Tịnh, nguồn nước của gia đình ông bị ô nhiễm có nguyên nhân từ việc rò rỉ nhiên liệu của Công ty xăng dầu Đức Sang, ở cách nhà gần 100m. Việc rò rỉ nhiên liệu này khiến nguồn nước ngầm của cả khu dân cư thôn 3, xã Ia Pia với khoảng chục hộ dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Về phía Công ty xăng dầu Đức Sang, ông Nguyễn Xuân Diệu, Phó Giám đốc công ty cũng đã thừa nhận việc bồn chứa xăng của doanh nghiệp bị rò rỉ. Do bồn nằm trong lòng đất, công ty không xác định được thời điểm bị rò rỉ cũng như đã có bao nhiêu lít xăng ngấm ra lòng đất và phạm vi nguồn nước bị ô nhiễm đến đâu. Đến thời điểm này, Công ty Đức Sang đã tiến hành thay bồn chứa mới và nạo vét đất bị ngấm xăng xung quang bồn để khắc phục ô nhiễm. Đối với những hộ dân bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm, Công ty này hứa có giải pháp để đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân:  “Sau khi xảy ra sự cố, tôi tạm ngưng bồn bị rỉ, thay bồn mới.  Đồng thời cấp nước cho các hộ dân bị ảnh hưởng. Còn những giếng bị ảnh hưởng cứ theo định kỳ 1 tuần mình bơm 1 lần, bơm xả đi”.

Với việc thừa nhận gây ô nhiễm và hứa có giải pháp khắc phục, bước đầu cho thấy thái độ tích cực của phía doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo một số người dân thôn 3, xã Ia Pia, các giải pháp Công ty xăng dầu Đức Sang đưa ra đến nay đều chưa hiệu quả. Nguồn nước ngầm vẫn bị ô nhiễm, người dân thiếu nguồn nước tại chỗ để sử dụng. Một số hộ dân phải mua nước bình hoặc chở nước ở xa về để sinh hoạt. Bức xúc khiến người dân nhiều lần khiếu kiện doanh nghiệp đến chính quyền các cấp trong tỉnh trong suốt hơn 1 năm qua.

Bà Siu H’Sen, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Pia, thẩm quyền xử lý vụ việc hiện do cấp huyện đảm nhận:  “Khoảng 10 hộ dân bị nhiễm xăng dầu, chúng tôi cũng lập biên bản gửi lên các cấp trên giải quyết. Người dân cũng có đơn từ gửi lên các cấp trên. Đoàn của huyện cũng có xuống kiểm tra nhưng kết quả như thế nào thì tôi chưa nắm được. Mong muốn các ngành chuyên môn, chức năng giải quyết cho dân, đảm bảo nguồn nước cho dân chứ kéo dài như thế này thì không được”.

Hiện nay, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Chư Prông đang là đơn vị thụ lý giải quyết vụ việc Công ty xăng dầu Đức Sang bị rò rỉ nhiên liệu gây ô nhiễm nguồn nước của khu dân cư thôn 3, xã  Ia Pia. Các mẫu nước từ các giếng nước bị ô nhiễm đã được gửi đi kiểm nghiệm ở một số nơi. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có kết quả kiểm nghiệm để làm căn cứ xử lý.

Theo ông Nguyễn Hoàng, Chi cục Trưởng Trưởng Chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Sở Khoa học Công nghệ  tỉnh Gia Lai, vấn đề quản lý các thiết bị, bồn, kho chứa xăng dầu trên địa bàn hiện nay còn nhiều bất cập. Hiện vẫn chưa có các quy định trong việc việc kiểm tra, kiểm định chất lượng, mức độ an toàn của các kho, bồn chứa nhiên liệu xăng dầu. Việc đảm bảo an toàn hoàn toàn do các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chịu trách nhiệm: “Bồn bể chứa thì người ta tự lắp đặt. Khi lắp xuống không có quy định là phải có giấy an toàn. Không có quy trình, quy định nào, ai quản lý không thấy, không có văn bản nào quy định hết. Cái này trách nhiệm là chủ cơ sở, người ta phải chịu trách nhiệm toàn bộ”.

Riêng đối với Công ty xăng dầu Đức Sang, xã Ia Pia, bồn chứa nhiên liệu của công ty này từ khi chôn dưới lòng đất đến khi phát hiện sự cố, chưa một lần được kiểm tra, kiểm định mức độ an toàn. Đó cũng là lý do doanh nghiệp không xác định được thời điểm và mức độ rò rỉ như thế nào.

Với đặc thù lưu trữ lượng xăng dầu lớn, các bồn chứa lại thường đặt ngầm dưới lòng đất, nếu không được định kỳ kiểm tra, kiểm định, những sự cố tương tự như tại Công ty xăng dầu Đức Sang rất có thể sẽ còn tiếp diễn./.

Theo VOV