Các tổ chức tôn giáo tích cực tham gia bảo về môi trường và ứng phó BĐKH

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 02/11/2017

(TN&MT) - Ngày 2/11, Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng Sở tài nguyên và Môi trường Hà Nội, các tổ chức tôn giáo thành phố Hà Nội đã tổ chức Hội nghị đánh giá 1 năm triển khai Kế hoạch tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu.

Hội nghị nhằm đánh giá kết quả 1 năm thực hiện Kế hoạch Liên tịch số 44/KHLT-MTTQ-TNMT về phối hợp giữa Ban thường trực UB MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội, Sở TN&MT cùng các tổ chức tôn giáo trên địa bàn thành phố về công tác bảo vệ môi trường và ứng phó BĐKH (giai đoạn 2016 – 2020). Tham dự hội nghị có ông Vũ Hồng Khanh, Phó Chủ tịch UB TƯ MTTQ Việt Nam - Chủ tịch UB MTTQ Việt Nam TP Hà Nội; ông Nguyễn Văn Thanh, Trưởng ban Tôn giáo UB TƯ MTTQ Việt Nam; ông Lê Tuấn Định - Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội và đại diện chức sắc các tôn giáo, các cơ quan liên quan và mặt trận các cấp trên địa bàn TP.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh phát biểu tại hội nghị
Phó Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh phát biểu tại hội nghị

Lồng ghép xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh

Tổng kết 1 năm thực hiện chương trình phối hợp, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UB MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội cho biết, Ban thường trực đã lồng ghép chương trình phát huy vai trò các tổ chức tôn giáo trong BVMT và ứng phó BĐKH vào chương trình “Toàn dân tham gia BVMT”, gắn với cuộc vận động “Toàn dân xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” để chỉ đạo, vận động, hướng dẫn nhân dân nâng cao nhận thức và hành vi theo hướng tích cực để bảo vệ môi trường ở địa bàn dân cư. Đồng thời, phối hợp với Sở TN&MT xây dựng 3 mô hình điểm tại chùa Trung Hậu (huyện Mê Linh), Họ Cơ giáo (xã Hồng Vân, huyện Thường Tín, Thánh thất Cao Đài Thủ đô (quân Hai Bà Trưng), chú trọng lựa chọn các hình thức truyên truyền phù hợp với điều kiện thực tế.

Đến nay, toàn bộ 30/30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố đã ký kết phối hợp BVMT và ứng phó BĐKH với các tổ chức tôn giáo và cơ sở thờ tự. Tổng cộng có 584 xã, phường, thị trấn, 5.136 Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư tổ chức ký cam kết thực hiện công tác BVMT, ứng phó BĐKH đến từng hộ gia đình và tại các cơ sở thờ tự tôn giáo. Các tổ dân phố thực hiện nhiều chiến dịch dọn dẹp vệ sinh, thu gom rác thải 2 lần/tuần, vận động phân loại rác tại nhà… các tổ chức tôn giáo đẩy mạnh tuyên truyền về văn minh lễ hội, không đốt, rải vàng mã trên đường đưa tang, thực hiện hỏa táng người quá cố…

Đại diện các tổ chức tôn giáo tham gia Hội nghị
Đại diện các tổ chức tôn giáo tham gia Hội nghị

“Sau 1 năm thực hiện với sự phối hợp tích cực của chính quyền, MTTQ các cấp, cơ quan TN&MT và các tổ chức tôn giáo trên địa bàn, đa số bà con giáo dân, các tín đồ và nhân dân tại các mô hình, khu dân cư đã bước đầu ý thức được tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường và có những hoạt động cụ thể, chống ô nhiễm và tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Điển hình là huyện Phú Xuyên đã phát động phong trào trồng cây xanh, trồng hoa tạo cảnh quan ở 43 tuyến đường. Tại chùa Thanh Nhàn, nơi thường xuyên nấu ăn từ thiện, đã chuyển từ sử dụng bếp than, bếp củi sang nấu bằng bếp ga và bếp củi không khói. Quận Hoàng Mai  đã phối hợp kiểm tra và giám sát 15 đơn vị thực hiện công tác môi trường, đề nghị xử phạt hành chính 4 đơn vị với số tiền hơn 43 triệu đồng. MTTQ huyện Mê Linh đã cùng với các sư chùa Trung Hậu vận động người dân đặt các thùng thu gom thuốc bảo vệ thực vật trên cánh đồng và hơn 2.000 thùng rác tại các khu dân cư; phối hợp giám sát công tác BVMT các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn… Sau khi tuyên truyền đã giảm được 90% vỏ bao bì, tạo môi trường sạch sẽ.

Phát huy vai trò của các tổ chức tôn giáo 

Các tổ chức tôn giáo thành phố Hà Nội như: Phật giáo, Công giáo, đạo Tin Lành, Cao Đài, Islam, tôn giáo Baha’I, Phật đường Nam tông minh Sư đạo, Giáo hội các Thánh hữu ngày sau của Chúa Giêsu Kitô sau khi ký cam kết đã vận động các chức sắc, tín đồ cam kết tham gia BVMT và ứng phó BĐKH với đời sống. Nổi bật là các hoạt động tuyên truyền vận động sâu rộng trong nội bộ tổ chức và tín đồ, người dân xung quanh về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, không sử dụng vật tư, phương tiện độc hại, tăng nguy cơ ô nhiễm và phát thải ra môi trường…

Theo Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo TP Hà Nội, toàn bộ sư trụ trì các chùa đã thống nhất triển khai tuyên truyền Phật tử giảm đốt hương, vàng mã tại nơi thờ tự và trong gia đình, vận động nhân dân đưa người thân qua đời đi hỏa táng (tỷ lệ số ca đi hỏa táng trong 9 tháng đầu năm 2017 đạt 86,3%; tăng 15,8% so với cùng kỳ năm 2016)… Đại đức Thích Viên Đức, Thành hội Phật giáo Hà Nội cho biết: Trong các buổi thuyết giảng Chư Tăng bản tự, Thành hội Phật giáo Hà Nội đã vận động, kêu gọi và hướng dẫn Phật tử có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường, bằng hành động cụ thể như không chặt cây, bẻ cành, đổ rác đúng nơi quy định, xử lý chất thải chăn nuôi đúng quy trình, không làm ô nhiễm nguồn nước….

Tại mô hình điểm Họ Cơ giáo đã vận động toàn bộ 198 hộ gia đình với khoảng 600 nhân danh đã đăng ký trồng rau sạch, bảo đảm vệ sinh các khu chăn nuôi và tạo thói quen thu gom rác thải; Thánh thất Cao Đài đã có 100% gia đình thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, tổ chức phân loại rác hữu cơ và giảm sử dụng túi ni lông.

Quang cảnh Hội nghị
Quang cảnh Hội nghị

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh cho rằng, tất cả các tôn giáo, ngành Tài nguyên và Môi trường, MTTQ từ thành phố đến cơ sở đều tích cực hiện thực hoá những cam kết đối với nhiệm vụ BVMT, ứng phó với BĐKH bằng các hoạt động cụ thể, phù hợp với đặc điểm của từng tôn giáo, địa bàn dân cư. Sau một năm thực hiện đã có kết quả bước đầu, tạo tiền đề để Mặt trận làm tốt hơn trong thời gian tới. Thông qua việc triển khai thực hiện, nhận thức của người dân, các tín đồ, chức sắc, chức việc được nâng lên, tạo sự lan tỏa rộng lớn trong xã hội. Sự lan tỏa đó, sự chuyển động đó sẽ không dừng lại mà sẽ được nhân lên gấp nhiều lần.

Thời gian thực hiện Kế hoạch 44 chưa dài nhưng đã có nhiều mô hình hay, cách làm tốt như mô hình thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật; vấn về khói bụi rơm rạ; xóa chân rác, điểm rác và những bãi rác; mô hình trồng thêm cây xanh… Ông Vũ Hồng Khanh đề nghị, trong thời gian tới, MTTQ, phòng Tài nguyên - môi trường, các tổ chức tôn giáo, các chức sắc, chức việc sẽ cùng đánh giá lại những kết quả đã đạt được, rà soát các giải pháp để tập trung thực hiện hiệu quả hơn.

Khánh Ly