Quảng Ngãi: Cần đẩy nhanh tiến độ DA xử lý chất thải rắn y tế nguy hại

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 01/11/2017

(TN&MT) – Đó là chỉ đạo của UBND tỉnh tại buổi làm việc với Sở Y tế và các Sở, ngành liên quan do phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Dũng chủ trì, nhằm tháo gỡ các khó khăn và vướng mắc trong quá trình thực hiện Dự án đầu tư xây dựng Khu xử lý chất thải rắn y tế nguy hại tập trung  tỉnh Quảng Ngãi tại Khu bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt Nghĩa Kỳ.
Cần phải có sự phối hợp tích cực giữa các Sở ban ngành liên quan mới đẩy nhanh tiến độ Dự án theo đúng cam kết
Cần phải có sự phối hợp tích cực giữa các Sở ban ngành liên quan mới đẩy nhanh tiến độ Dự án theo đúng cam kết

Được biết, Dự án (DA) đầu tư xây dựng Khu xử lý chất thải rắn y tế nguy hại tập trung tỉnh Quảng Ngãi được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1592/QĐ-UBND ngày 31/8/2016​; DA được Bộ Y tế và UBND tỉnh Quảng Ngãi ký thỏa thuận tài trợ số 67/BYT-TTTT ngày 08/12/2016 để triển khai thử nghiệm mô hình tập trung xử lý chất thải rắn y tế nguy hại (CTS) tại tỉnh, kinh phí thực hiện DA được sử dụng nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới kết hợp với vốn đối ứng của địa phương.

Dự án được giao cho Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi làm chủ đầu tư, xây dựng tại Khu bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt Nghĩa Kỳ, thuộc xã Hành Dũng, huyện Nghĩa Hành (tỉnh Quảng Ngãi), trên diện tích khoảng 8.000m2, với công suất xử lý 800kg rác/ngày chất thải rắn y tế nguy hại và xử lý nước rỉ rác: 250 m3 ngày/đêm. Tổng mức đầu tư Dự án lên gần 90 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới hơn 63 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách tỉnh gần 27 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2016 và dự kiến đến 2018 hoàn thành, nghiệm thu đưa vào sử dụng.

Dự án bao gồm các hạng mục: Trang thiết bị phục vụ thu gom, vận chuyển chất thải rắn y tế nguy hại; xây dựng khu xử lý chất thải rắn y tế nguy hại tập trung; tăng cường năng lực quản lý chất thải rắn y tế nguy hại theo mô hình tập trung; xây dựng hệ thống nước rỉ rác; chi phí quản lý dự án và các chi phí khác.

Khi dự án hoàn thành sẽ chịu trách nhiệm xử lý chất thải y tế nguy hại của các bệnh viện; trung tâm y tế; trạm y tế… trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Công nghệ được áp dụng là nhiệt hấp, khử tiệt khuẩn chất thải, kết hợp nghiền cắt sau đó chuyển xử lý chôn lấp như chất thải thông thường. Đây là công nghệ tân tiến, thân thiện với môi trường và an toàn xã hội.

Dự án vận hành với chi phí được tính toán sẽ tiết kiệm khoảng 4,8 tỷ đồng/năm so với giá mà tỉnh phải trả cho đơn vị hợp đồng xử lý rác thải y tế nguy hại của các bệnh viện hiện nay.

Theo con số thống kê, trung bình mỗi ngày, các bệnh viện, trạm y tế ở Quảng Ngãi thải ra hơn 900 kg chất thải rắn nguy hại. Việc xử lý rác thải y tế được thực hiện theo hai mô hình là xử lý tại chỗ và xử lý tập trung. Hiện toàn tỉnh đã có 10 bệnh viện được trang bị lò đốt tại chỗ. Nhưng nhiều lò đã bị xuống cấp, không đảm bảo yếu tố môi trường khi hoạt động.

Nhận thấy đây là một Dự án rất có ý nghĩa và sẽ giải quyết triệt để tình hình ô nhiễm do chất thải rắn gây ra trên địa bàn tỉnh trong nhiều năm qua, tại buổi làm việc, sau khi nghe giải trình của các Sở ban ngành và đơn vị liên quan về việc chậm trễ trong quá trình thực hiện Dự án, Phó Chủ tịch UBND tỉnh UBND tỉnh Đặng Ngọc Dũng đã chỉ đạo một số nội dung rất cụ thể nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án này theo đúng lộ trình đề ra.

Hiện nay, một số bãi rác thải đang trong tình trạng quá tải
Hiện nay, một số bãi rác thải đang trong tình trạng quá tải

 Cụ thể, tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Dũng giao Sở Y tế tích cực phối hợp với các Sở ban ngành liên quan lập tiến độ chi tiết thực hiện dự án đối với từng hạng mục công việc cụ thể, đảm bảo tiến độ đã cam kết. Trường hợp vượt thẩm quyền xử lý hoặc không thể đàm phán xử lý các nội dung công việc liên quan đến Dự án, yêu cầu Sở Y tế tham mưu UBND tỉnh giải quyết.

Phó Chủ tịch Đặng Ngọc Dũng nhấn mạnh, Sở Y tế cần tổ chức họp trực báo thường xuyên, tuân thủ theo quy định của Ngân hàng Thế giới và BQL Dự án Hỗ trợ xử lý chất thải bệnh viện Trung ương nhằm tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Dũng cũng đã nghiêm túc phê bình và nhắc nhở các đơn vị liên quan trực tiếp cũng như gián tiếp đến Dự án trong việc phối hợp triển khai thực hiện Dự án, gây ra sự chậm trễ, làm ảnh hưởng đến tiến độ chung Dự án.

Bài & ảnh: Võ Hà