Khẩn cấp ứng phó với áp thấp nhiệt đới "kép" đang uy hiếp nhiều tỉnh phía Nam

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 01/11/2017

(TN&MT) - Để chủ động ứng phó áp thấp nhiệt đới "kép" trên Biển Đông, nhiều tỉnh phía Nam đã cấm tàu thuyền ra khơi; đồng thời bố trí sẵn lực lượng ứng trực, tăng cường tuyên truyền, cập nhật tình hình mưa bão cho nhân dân.

Thông tin mới nhất từ Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, hồi 13h ngày 1/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) ở vào khoảng 7,7 độ Vĩ Bắc; 106,5 độ Kinh Đông, cách Côn Đảo khoảng 110km về phía Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 - 7 (40 - 60km/giờ), giật cấp 9.

Dự báo trong 24 giờ tới, ATNĐ di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km.

Do ảnh hưởng của ATNĐ kết hợp với không khí lạnh, ở vùng biển Tây Nam quần đảo Trường Sa, vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau (bao gồm các huyện đảo Phú Quý, Côn Đảo), vùng biển Cà Mau đến Kiên Giang (bao gồm cả đảo Thổ Chu) có mưa rào và dông kèm khả năng lốc xoáy, vòi rồng; gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9; biển động mạnh.

Vị trí và hướng đi của hai ATNĐ lúc 11 giờ trưa 1.11.2017. Ảnh: NCHMF
Vị trí và hướng đi của hai ATNĐ lúc 11 giờ trưa 1.11.2017. Ảnh: NCHMF

Cùng lúc đó, một cơn ATNĐ có vị trí tâm ở vào khoảng 11,6 độ Vĩ Bắc; 120,2 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Bắc đảo Palaoan (Philippines). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 7, giật cấp 9.

Dự báo trong 24 giờ tới, ATNĐ di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km và có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 13 giờ ngày 2/11, vị trí tâm bão ở cách đảo Song Tử Tây khoảng 140km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10.

Để chủ động ứng phó với ATNĐ “kép” song hành uy hiếp Nam Bộ, sáng 1/11 tại Hà Nội, Ban chỉ đạo (BCĐ)Trung ương về phòng, chống thiên tai (PCTT) đã tổ chức họp khẩn với các Bộ, ngành, địa phương. Lãnh đạo Bộ NN&PTNT lưu ý các địa phương cần tránh tâm lý chủ quan trong ứng phó. Đặc biệt là khu vực được dự báo chịu ảnh hưởng trực tiếp là Nam Trung Bộ, Nam Bộ không thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, khả năng và kinh nghiệm ứng phó còn rất hạn chế.

Đồng thời, đề nghị Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương tiếp tục theo dõi chặt chẽ, thông tin thường xuyên diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động ứng phó. Các đô thị lớn như TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ cần chủ động phương án ứng phó với triều cường, ngập lụt ở mức cao. Các tỉnh chỉ đạo bà con nông dân thu hoạch sớm diện tích lúa đã cấy, chủ động tiêu thoát nước chống úng ngập cho diện tích lúa mới cấy.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT - Phó trưởng ban Thường trực BCĐ Trung ương về PCTT Hoàng Văn Thắng đặc biệt lưu ý: ATNĐ dự báo vào khu vực ĐBSCL, người dân ít phải đối phó với thiên tai nên chủ quan. Bài học kinh nghiệm từ sự chủ quan trong cơn bão số 5 có tên quốc tế Linda cách đây 20 năm đã gây thiệt hại rất nặng nề cho khu vực này. Vì vậy, công tác dự báo khí tượng thủy văn phải nhanh chóng, chính xác, kịp thời đưa ra quyết định và truyền tải đến người dân để chủ động trong ứng phó, phát huy cao nhất vai trò của chính quyền địa phương.

PV