Bà Rịa – Vũng Tàu:Ô nhiễm môi trường từ hoạt động chăn nuôi heo

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 31/10/2017

(TN&MT) -  Hiện nay,  tình trạng ô nhiễm môi trường từ các trại chăn nuôi vẫn chưa được cải thiện gây nhiều bức xúc trong nhân dân, đặc biệt là người...

 

(TN&MT) -  Hiện nay,  tình trạng ô nhiễm môi trường từ các trại chăn nuôi vẫn chưa được cải thiện gây nhiều bức xúc trong nhân dân, đặc biệt là người dân hai huyện có mật độ chăn nuôi cao là Xuyên Mộc và Châu Đức.

NÓNG VẤN ĐỀ Ô NHIỄM CHĂN NUÔI HEO

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Phòng TN-MT huyện Châu Đức, trên địa bàn huyện hiện có khoảng 295 trang trại chăn nuôi với quy mô trên 100 con heo cần phải lập đề án BVMT. Tuy nhiên, phần lớn các trang trại này đã xây dựng và hoạt động trước ngày 1-4-2015 nên không có quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) hoặc giấy xác nhận đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường. Ngoài các trang trại quy mô lớn, hiện nay trên địa bàn huyện Châu Đức có nhiều hộ gia đình, cá nhân chăn nuôi nhỏ, lẻ nằm xen lẫn trong khu dân cư tập trung với mật độ cao, gây nhiều bức xúc cho cộng đồng dân cư trong khu vực vì mùi hôi, ô nhiễm nguồn nước.

Nằm ngay trung tâm thị trấn Ngãi Giao (huyện Châu Đức), trại chăn nuôi heo của gia đình ông Nguyễn Văn Hương (tổ 5, ấp Kim Giao) có 40 con heo thịt nuôi bằng chuồng hở. Từ đầu ngõ dài hơn 100m vẫn nghe thấy mùi hôi đặc trưng của việc chăn nuôi heo. Mặc dù gia đình ông Hương có đầu tư hầm biogas tuy nhiên do việc chăn nuôi theo chuồng hở nên mùi hôi thối khiến những hộ gia đình xung quanh than phiền. Ông Nguyễn Chí Hạ, chuyên viên phòng TN-MT huyện Châu Đức cho biết do việc chăn nuôi của gia đình ông Hương tồn tại từ khoảng 30-40 năm trước. Khi đó, khu vực này còn khá hoang vắng, chưa có dân cư. Sau này dân cư đông đúc, việc chăn nuôi đã ảnh hưởng đến đời sống của các hộ dân xung quanh. “Chúng tôi đã nhiều lần nhận được phản ánh của người dân nên yêu cầu gia đình ông Hương không mở rộng thêm quy mô chăn nuôi. Đồng thời vận động ông Hương đến năm 2018 phải di dời trại heo vào khu chăn nuôi tập trung của huyện”, ông Hạ nói.

Nóng nhất về ô nhiễm môi trường từ hoạt động chăn nuôi heo phải kể đến huyện Xuyên Mộc. Tính đến nay, trên địa bàn huyện Xuyên Mộc có 59 trang trại chăn nuôi tập trung theo hình thức công nghiệp và bán công nghiệp. Trong đó, 35 trang trại chăn nuôi heo (tổng đàn gần 70.000 con). Qua giám sát của các cấp HĐND thì thấy, hệ thống xử lý nước thải của một số trang trại chăn nuôi heo trên địa bàn huyện quá tải, tràn ra bên ngoài gây ô nhiễm môi trường. Có những trang trại chỉ cách hồ chứa nước sông Hỏa, sông Kinh khoảng 100m; ao chứa nước thải cách sông, suối, mương dẫn nước tự nhiên từ 5-10m; một số ao chứa nước thải không có lót bạt chống thấm, do đó khả năng ô nhiễm nguồn nước rất cao.

Tại trang trại chăn nuôi chăn nuôi heo của Công ty TNHH chăn nuôi Nhân Hòa (xã Xuyên Mộc, huyện Xuyên Mộc) có quy mô 5.200 con vừa heo nái vừa heo thịt, đoàn phát hiện hệ thống thu gom chất thải bằng hầm biogas của trại đã bị hư hỏng; một lượng lớn chất thải chưa qua xử lý chảy tràn ra môi trường, đổ ra suối Cát, chảy ra sông Kinh. Ước tính lượng nước thải từ trang trại này là 48m3/ngày. Nước thải từ trang trại chảy tràn xuống ruộng lúa của người dân, mùi hôi thường xuyên bốc lên nồng nặc. Ông Nguyễn Duy Lập, một hộ trồng lúa ở ấp 4, xã Xuyên Mộc bức xúc cho biết: “Một số diện tích đất trồng lúa của bà con hiện không còn khả năng canh tác, phải bỏ hoang do lượng phân heo của các trang trại thải ra quá lớn, khiến cây lúa không thể phát triển được”.

20% SỐ TRANG TRẠI CHƯA CÓ ĐTM

Ông Lê Ngọc Linh, Giám đốc Sở TN-MT cho biết, hiện nay toàn tỉnh có 668 cơ sở chăn nuôi heo quy mô từ 50 con trở lên. Trong đó, thẩm quyền do cấp huyện quản lý (là những trang trại chăn nuôi heo dưới 1.000m2) có 625 cơ sở tập trung chủ yếu ở các huyện Châu Đức và Xuyên Mộc. Tuy nhiên, trong số này, chỉ có 20% số trại có ĐTM; 80% không có ĐTM nhưng vẫn hoạt động. Đó là nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng từ các trang trại chăn nuôi heo. Sở TN-MT đã nhiều lần nhắc nhở, hướng dẫn; đề nghị các huyện thực hiện nghiêm túc việc lập ĐTM của các trại chăn nuôi heo. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng ô nhiễm môi trường từ các trại chăn nuôi vẫn chưa được cải thiện gây nhiều bức xúc trong nhân dân, đặc biệt là người dân hai huyện Xuyên Mộc và Châu Đức.

Trước thực trạng nêu trên, nhằm kiểm soát công tác bảo vệ môi trường tại các trang trại chăn nuôi, UBND huyện Xuyên Mộc đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh tạm dừng chủ trương chấp thuận các dự án đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi tập trung trên địa bàn huyện trong một thời gian để huyện và các cơ quan, đơn vị liên quan giải quyết, xử lý xong các tồn đọng của từng trang trại hiện có. Ông Đặng Thanh Minh, Chủ tịch UBND huyện Xuyên Mộc cho biết, quan điểm của huyện là không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế. Trang trại nào gây ô nhiễm môi trường, không đúng quy hoạch, chúng tôi sẽ kiến nghị UBND tỉnh dừng hoạt động và di dời theo đúng quy hoạch chăn nuôi đã được phê duyệt.

Trong khi đó, huyện Châu Đức cũng đang xây dựng đề án “Bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi trên địa bàn huyện”. Ông Phạm Quý Nhân, Phó Phòng TN-MT huyện Châu Đức cho biết, đề án này đưa ra các giải pháp là xây dựng các “vùng cấm, hạn chế, khuyến khích chăn nuôi”. Theo đó, vùng cấm chăn nuôi heo là các vùng đô thị, vùng bảo vệ các hồ chứa nước sinh hoạt (như hồ Đá Đen, sông Ray, suối Giàu…). Trong đó, huyện khuyến khích các trang trại chăn nuôi heo đầu tư phát triển trang trại với quy trình xử lý chất thải đạt chuẩn và chăn nuôi công nghệ cao trong khu chăn nuôi tập trung của huyện. 

 

Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường do hoạt động chăn nuôi heo, trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh BR-VT đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Sở NN-PTNT đề xuất chuyển dần từ chăn nuôi nông hộ sang chăn nuôi trang trại, gia trại phù hợp với từng loại vật nuôi, từng huyện; phát triển chăn nuôi theo hướng bán công nghiệp và công nghiệp, có kiểm soát, áp dụng tiến bộ kỹ thuật tiên tiến, an toàn sinh học, giảm ô nhiễm môi trường. Phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ chăn nuôi trang trại heo đạt 70-80%.

Bài, ảnh: YẾN NHI