Quảng Trạch (Quảng Bình): Dân thấp thỏm lo lắng vì biển tiến sát nhà

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 25/10/2017

(TN&MT) - Cứ vào mùa mưa bão người dân xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch luôn trong tâm trạng lo âu, thấp thỏm vì tình trạng nước biển ngày càng ăn sát vào nhà. Đặc biệt sau cơn bão số 10 vừa qua tình trạng nước biển xâm lấn càng diễn ra nhanh hơn.

Tình trạng sạt lở nghiêm trọng, nước biển xâm thực mạnh uy hiếp nhiều thôn trong xã Cảnh Dương diễn ra trong nhiều năm qua khiến cho người dân hoang mang, lo lắng trước nguy cơ biển ăn sâu sẽ “nuốt” mất nhà.

Sân bóng của thôn Yên Hải đã bị biển xâm thực
Sân bóng của thôn Yên Hải đã bị biển xâm thực

Ông Nguyễn Ngọc Phượng- Trưởng thôn Yên Hải, xã Cảnh Dương cho biết: “Trước kia từ nhà dân ra đến biển có khoảng cách hơn 100m nhưng nay cũng chỉ tầm 20-30m thôi. Hiện tượng xâm lấn của biển năm nào cũng diễn ra, nhất là mùa mưa bão, như vừa rồi sau bão số 10 biển lấn vào từ 20-30 m. Nếu khoảng 1, 2 cơn bão gì đổ bộ vào đây thì biển ăn vào nhà dân là cái chắc. Biển xâm thực diễn ra hàng năm, nếu bão không vào thì nó diễn ra chậm, còn khi bão vào thì nhanh lắm. Gia đình tôi và nhiều nhà khác trước kia có nhà hàng nằm sát biển này, nhưng bây giờ thì không hoạt động được nữa vì biển ăn sát vào, đánh sập cả móng nhà rồi”.

Biển ăn sâu vào nhà dân
Biển ăn sâu vào nhà dân

Theo ghi nhận của PV, nước biển đã khiến một số nhà dân, hàng quán nơi đây phải bỏ hoang, nhiều móng nhà hàng đã bị sóng đánh bật. Nước biển đã ngoạm sát con đường ven biển xã Cảnh Dương. Tại đây người dân đã dùng đá và phế liệu xây dựng đổ ra sát biển để ngăn sự xâm thực. Người dân cũng cho biết, khi triều cường lên thì mực nước biển chỉ còn cách nhà dân sinh sống chỉ vài mét.

Đứng nhìn cảnh nước biển hàng năm cứ ăn sát vào nhà, không còn cách nào khác hàng năm họ vẫn mua đất, đá và vật liệu phế thải xây dựng để đổ ra sát bờ biển ngăn chặn xâm thực, làm giảm sức mạnh của sóng.

Nhiều nhà hàng và nhà dân có nguy cơ bị chìm trong biển
Nhiều nhà hàng và nhà dân có nguy cơ bị chìm trong biển

Ông Nguyễn Phong, tại thôn Đông Cảng, xã Cảnh Dương lo lắng: “Trước đây bãi cát kéo dài ra tận biển cả 100m nay nước biển tiến sát đường và nhà dân, nếu không xây kè thì chắc cũng chỉ 1, hay 2 mùa bão nữa thì mấy thôn này sẽ chìm trong biển, dân sẽ phải đi chỗ khác. Người dân chúng tôi không biết làm gì cả, nhiều hộ tự mua phế liệu xây dựng, đá về đổ để ngăn sóng. Giờ chỉ mong các ban ngành, tỉnh, Trung ương quan tâm, xây dựng bờ kè để bà con yên tâm sinh sống làm ăn”.

Hiện, tại xã Cảnh Dương có 3 thôn Đông Cảng, Yên Hải và Trung Vũ nằm sát bờ biển bị ảnh hưởng trực tiếp và có chiều dài theo bờ biển gần 700m, hiện tượng biển xâm thực diễn ra nhanh trong những năm qua khiến cho người dân nơi đây hết sức lo lắng. Theo lãnh đạo địa phương ở đây cho biết những năm trước đều có đoàn khảo sát xây kè nhưng chưa thực hiện được.

Người dân đổ vật liệu xây dựng ngăn xâm thực
Người dân đổ vật liệu xây dựng ngăn xâm thực

Trao đổi với PV, ông Cao Quý Hà- Phó chủ tịch UBND xã Cảnh Dương cho biết: “ Hàng năm tình trạng xâm lấn đều diễn ra nhưng mức độ chậm hơn, sau bão số 10 vừa qua xâm lấn diễn ra nhanh hơn, nước biển bây giờ đã lên gần sát đường, nhà của dân. Trước kia có mấy nhà hàng nhưng bây giờ không còn nữa do biển xâm lấn vào. 3 thôn này có đường bờ biển dài khoảng 670m. Hiện đang có dự án của tỉnh xây dựng cự biển 9 tỷ, thực hiện từ 2018-2019, bây giờ chỉ mới khảo sát. Trước đây đã kêu gọi nhiều mà không thực hiện được nên giờ biển đã xâm lấn vào sát rồi”.

Nước biển đang ngày càng ăn sâu vào nhà dân
Nước biển đang ngày càng ăn sâu vào nhà dân

“Hàng năm bà con vẫn thường dùng vật liệu xây dựng, đá để đổ ra ngăn nước biển xâm lấn, người dân luôn trong tâm trạng thấp thỏm, lo lắng khi nghe tin bão vào việc này ảnh hưởng đến an cư lạc nghiệp của bà con nhân dân. Đây chỉ mới xây dựng cự đất chống sạt lở tạm thời, chứ về lâu về dài thì cần phải xây dựng bờ kè, đê biển cần kinh phí rất lớn. Địa phương mong muốn các cấp ngành quan tâm, hỗ trợ, có phương án xây dựng bờ kè, đê chắn sóng để người dân được yên tâm sinh sống làm ăn”, ông Cao Quý Hà- Phó chủ tịch UBND xã cho biết thêm.

Bài & ảnh: Hồng Thiệu