Điện Biên: Đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường trong sơ chế cà phê

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 25/10/2017

(TN&MT) – Mùa thu hái và sơ chế cà phê của nông dân huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên đã bắt đầu được hơn một tháng. Năm nay, cà phê được đánh giá là bội thu, sản lượng ước tính từ 15 – 20 tạ/ha. Để giảm thiểu áp lực đối với công tác bảo vệ môi trường, ngay từ đầu vụ, huyện Mường Ảng đã chú trọng phổ biến, nâng cao nhận thức về công tác bảo vệ môi trường đối với các cơ sở và hộ gia đình.
Vỏ cà phê được người dân tận dụng, thu mua làm phân bón
Vỏ cà phê được người dân tận dụng, thu mua làm phân bón

Mường Ảng là địa phương tập trung phát triển kinh tế cây cà phê lớn nhất của tỉnh Điện Biên với trên 3.300 ha. Mùa cà phê thường diễn ra trong khoảng 4 tháng (từ tháng 9-12 hàng năm), bởi vậy khi mùa thu hoạch cà phê đến cũng là lúc các cơ sở, gia đình đồng loạt tiến hành xay sát vỏ cà phê, nguy cơ gây “sức ép” đến môi trường xung quanh.

Thời điểm cách đây 2 năm trước, khảo sát tình trạng các cơ sở lớn sơ chế cà phê trên địa bàn huyện, cho thấy: Đa số các cơ sở hoạt động đều gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường: Nước thải không được xử lý, đổ trực tiếp ra môi trường, bã thải tồn dư gây mùi hôi thối, khu say xát không được đảm bảo vệ sinh môi trường.

Ông Phạm Văn Triệu, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mường Ảng cho biết: Hiện tại trên địa bàn huyện có gần 300 hộ gia gia đình và 4 cơ sở có hoạt động sơ chế cà phê ướt và chăn nuôi. Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ việc sơ chế cà phê, Phòng đã phối hợp với chính quyền các xã trên địa bàn huyện tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức về công tác bảo vệ môi trường. Yêu cầu các cơ sở sản xuất, hộ gia đình ký cam kết và nghiêm chỉnh chấp hành các biện pháp bảo vệ môi trường. Đặc biệt đối với 4 cơ sở sơ chế cà phê lớn trên địa bàn, Phòng và chính quyền các xã thường xuyên phối hợp kiểm tra và cử địa chính các xã phụ trách giám sát trực tiếp nếu phát hiện sai phạm sẽ xử phạt. 

Đối với vỏ cà phê, bã thải sau say sát giờ không còn là chất thải gây ô nhiễm với môi trường và cuộc sống của người. Thay vào đó, vỏ cà phê đã được người dân tận thu ủ làm phân hữu cơ bón cho cây trồng. Cách làm này vừa tiết kiệm chi phí sản xuất, vừa giải quyết ô nhiễm môi trường, tạo lợi ích kép cho người trồng cà phê.

Chúng tôi có mặt tại cơ sở sản xuất cà phê Thanh Kế thuộc nông trường cà phê Mường Ảng, theo quan sát của chúng tôi, xưởng sản xuất này được đầu tư một máy sát vỏ cà phê, khu sân bê tông rộng hàng nghìn mét vuông để phơi nông sản, lò sấy, phía sau có bể lắng chứa nước thải. Anh Kế, cho biết: Máy chật vỏ, bã cà phê thải ra đến đâu, được chúng tôi hót hết ra hố chôn đến đó để dùng bón cho cây trong vụ tới. Làm vậy vừa không có mùi hôi mà tận dụng ủ làm phân được.

Ông Phạm Văn Triệu cho biết thêm: Để giảm thiểu tới mức thấp nhất tình trạng ô nhiễm môi trường do sản xuất, chế biến cà phê gây ra. Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện đã phối hợp với chính quyền các xã thường xuyên tổ chức kiểm tra công tác bảo vệ môi trường của các cơ sở. Có thể thấy so với mọi năm thì năm nay công tác bảo vệ môi trường trong sản xuất cà phê đã có nhiều tiến bộ, do người dân đã biết cách xử lý bã và nước thải.

Tuy nhiên, trong quá trình kiểm tra vẫn phát hiện một số cơ sở, hộ gia đình còn để xảy ra tình trạng gây ô nhiễm môi trường, điển hình là Công ty TNHH - XNK Việt Bắc. Qua kiểm tra, phát hiện Công ty này còn để tồn dư bã cà phê quá 24h trong khu sản xuất, vẫn để tình trạng nước rỉ ra phía lòng suối. Phòng đã tiến hành lập biên bản và yêu cầu đơn vị này nhanh chóng khắc phục tình trạng ô nhiễm; yêu cầu bắt buộc thực hiện đúng cam kết bảo vệ môi trường trong sản xuất, kinh doanh. Thời gian tới, Phòng đã tham mưu, đề xuất với cấp trên  chuyển cơ sở sản xuất này đến địa điểm xa khu dân cư sinh sống, hạn chế các yếu tô gây ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe của người dân.

Nam Hương