Cần cơ chế mạnh thu hút đầu tư vào các dự án thoát nước

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 25/10/2017

Ngày 24/10, tại buổi làm việc của đoàn giám sát Ban Đô thị HĐND TP Hà Nội với đại diện Sở Xây dựng và một số sở, ngành về kết quả thực hiện Quy hoạch thoát nước trên địa bàn, nhiều ý kiến đã chỉ ra những nguyên nhân cơ bản khiến tình trạng úng ngập cục bộ tại TP chưa được giải quyết, đề xuất giải pháp tháo gỡ cũng như tăng cường kêu gọi đầu tư vào các dự án trong lĩnh vực này...

Vẫn còn nhiều điểm úng ngập cục bộ

Theo Phó Trưởng Phòng Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng) Nguyễn Mạnh Hùng, thực hiện Quyết định 725 ngày 10/5/2013 của Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch thoát nước Thủ đô đến năm 2030-tầm nhìn đến 2050, TP giao Sở Xây dựng quản lý hệ thống thoát nước (HTTN) đô thị theo phân cấp, gồm khu vực trung tâm Hà Nội chủ yếu trong vùng Tả Đáy và một phần Bắc Hà Nội, phân thành 5 khu vực thoát nước chính.

Đến năm 2017, qua kiểm chứng các trận mưa đặc biệt trong cơn bão số 10 vừa qua cho thấy hiệu quả tích cực trong HTTN trên địa bàn. Tuy nhiên, dù đã chủ động ứng phó và tăng cường duy trì, song do tình hình thời tiết diễn biến khó lường, nhiều trận mưa cường độ lớn trong thời gian ngắn, nên xuất hiện các điểm ngập lụt cục bộ. Ngoài 18 điểm diễn ra thường xuyên (tại Tô Lịch, Long Biên, Hà Đông, Tả Nhuệ), còn một số điểm úng ngập rải rác trên các tuyến tỉnh lộ, quốc lộ do mới tiếp nhận quản lý duy trì theo phân cấp, như các quốc lộ 70, 72, 21B, 1A…, trên đường gom Đại lộ Thăng Long và trong các ngõ, ngách tại 12 quận.

 Trưởng Ban Đô thị HĐND TP phát biểu tại buổi làm việc​
Trưởng Ban Đô thị HĐND TP phát biểu tại buổi làm việc​

Nguyên nhân của tình trạng này được Sở Xây dựng nhận định là do HTTN TP mới thực hiện đầu tư xây dựng (ĐTXD) hoàn chỉnh HTTN khu vực nội thành thuộc sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét và sông Kim Ngưu với diện tích 77,5m2 có thể giải quyết được tình trạng úng ngập cho những trận mưa có cường độ 300mm/2 ngày. Các khu vực khác chưa được ĐTXD hệ thống thoát nước như Tả Nhuệ, Hữu Nhuệ, quận Hà Đông, Nam Từ Liêm, một phần Bắc Từ Liêm và các khu vực đô thị mới, vẫn úng ngập cục bộ khi có mưa lớn do tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh nhưng hệ thống hạ tầng thoát nước chưa được đầu tư đồng bộ theo quy hoạch được duyệt.

Hơn nữa, một số trạm bơm tiêu chính và các công trình đầu mối kèm theo như kênh dẫn, kênh xả, hồ điều hòa, trạm bơm Liên Mạc (giai đoạn I 90m3/s), trạm bơm Yên Nghĩa công suất 120m3/s chưa được ĐTXD hoặc chưa hoàn thành đưa vào vận hành…

Cũng theo lãnh đạo Sở Xây dựng, việc triển khai các dự án thoát nước theo quy hoạch, kế hoạch phát triển hạ tầng thoát nước đô thị còn chậm do nhu cầu về vốn đầu tư các dự án rất lớn, việc huy động nguồn lực xã hội theo hình thức đối tác công tư để triển khai các dự án thoát nước khó khăn, do đặc thù các dự án này thiếu hấp dẫn nhà đầu tư, quỹ đất đối ứng cho các nhà đầu tư hạn hẹp.

Các dự án thoát nước sử dụng vốn ODA lại thường có quá trình chuẩn bị đầu tư kéo dài, dẫn tới nhiều thay đổi về cơ chế chính sách, mặt bằng, nên phải điều chỉnh. Đặc biệt, thủ tục, quy trình thẩm định, phê duyệt qua nhiều cấp từ TP đến Chính phủ được nhận định là một yếu tố lớn nhất gây chậm trễ ở mỗi giai đoạn. Công tác GPMB cũng gặp nhiều khó khăn do các công trình thoát nước có khối lượng GPMB rất lớn; chính sách, kinh phí phục vụ bồi thường hỗ trợ và bố trí quỹ nhà tái định cư của TP còn nhiều bất cập; chủ đầu tư và chính quyền địa phương lại chỉ đạo thiếu quyết liệt…

Sớm điều chỉnh vốn xử lý các điểm úng ngập cục bộ

Để đẩy nhanh thực hiện Quy hoạch thoát nước Thủ đô, Sở Xây dựng kiến nghị UBND TP quan tâm chỉ đạo BQL Dự án ĐTXD công trình cấp thoát nước và môi trường TP tập trung đẩy nhanh thực hiện các dự án thoát nước để khắc phục và giảm thiểu tình trạng úng ngập mùa mưa bão; chỉ đạo Sở NN&PTNT cùng các nhà đầu tư liên quan ĐTXD các dự án trạm bơm Yên Nghĩa, Liên Mạc, thoát nước Tây Nam Hà Đông, thoát nước khu vực Tả Nhuệ...

Đặc biệt, nhằm tăng cường kêu gọi đầu tư triển khai các dự án theo quy hoạch, Sở kiến nghị TP ưu tiên tập trung các nguồn lực, tích cực kêu gọi đầu tư xã hội hóa (XHH) hoặc hình thức đầu tư đối tác công tư để triển khai các dự án thoát nước khu Tả Nhuệ, Long Biên, Hà Đông… Liên quan vấn đề này, lãnh đạo Công ty Phú Điền-đơn vị tham gia đầu tư, vận hành HTTN của TP cho rằng, TP cần có cơ chế hỗ trợ nhà đầu tư, không chỉ đầu tư theo hình thức BT mà có thể kêu gọi các hình thức khác theo TPP, thông qua các chương trình kích cầu để hỗ trợ lãi suất cho nhà đầu tư, giảm chi phí đầu vào. Cũng cần làm tốt công tác truyền thông để tăng ý thức bảo vệ môi trường cho mọi người, nhằm đưa được giá thoát nước vào đời sống theo hướng người gây ô nhiễm phải trả tiền-đây mới là giải pháp lâu dài.

Đáng chú ý, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục nhấn mạnh: Để xử lý 18 điểm úng ngập cục bộ còn lại hiện nay, cần khẳng định địa hình tại đó không thể phù hợp với quy hoạch, nên Sở đề xuất phương án “phá quy hoạch đặc cách”: chỉ cần đặt một trạm bơm nhỏ, bổ sung một đường thoát riêng (khác với quy hoạch), để đưa nước ra sông.

Trong tháng 11-12/2017 Sở sẽ thi công tại một số điểm úng ngập, hoàn thành trước 30/4/2018, trong đó, giao Công ty Thoát nước trong tháng 10 này đề xuất phương án cụ thể cho một số điểm có tính khả thi, hiệu quả cao, trong tuần sau Sở sẽ trình HĐND TP thống nhất, để Sở KH&ĐT giao kinh phí cho Công ty thực hiện. “Nếu có đủ kinh phí, chúng tôi đảm bảo ứng phó được những trận mưa có cường độ 100mm/2 giờ”, ông Dục cho hay.

Khẳng định quy hoạch thoát nước Thủ đô dù mới thực hiện từ năm 2013 nhưng đã đạt kết quả tích cực, góp phần quan trọng giúp công tác tiêu thoát nước của TP tốt hơn rất nhiều, Trưởng Ban Đô thị HĐND TP Nguyễn Nguyên Quân cũng cho rằng, so với mục tiêu, kế hoạch thì kết quả triển khai quy hoạch chưa đáp ứng nhu cầu. Nhiều dự án trước đây đã có quyết định đầu tư nhưng do khó về vốn nên chưa triển khai được; tổ chức thực hiện chậm, chưa đồng bộ trong toàn hệ thống các khu vực cũng ảnh hưởng lớn đến hiệu quả đầu tư...

Đặc biệt, hầu hết dự án đã được phê duyệt, đã có vốn nhưng triển khai chậm, chủ yếu do chỉ đạo điều hành trong GPMB tại các quận, huyện. “Một số dự án chỉ vướng 3, 4 hộ nhưng nhiều năm chưa hoàn thành, bàn giao, nên các sở ngành, đặc biệt Sở Xây dựng cần phối hợp chặt hơn với quận, huyện giải quyết sớm”, ông Quân nêu rõ.

Đồng thời, Trưởng đoàn giám sát nhận định, cơ chế chính sách thu hút nguồn lực XHH lĩnh vực này chưa đồng bộ, hiệu quả, nhất là hỗ trợ sau đầu tư, tính phí, tính giá chưa đủ bù đắp chi phí nhà đầu tư… “Các sở, ngành, trong đó Sở KH&ĐT cần rà soát ngay cơ chế này để tham mưu, đoàn giám sát cũng sẽ kiến nghị TP.

Nếu không có cơ chế mạnh, rất khó thu hút XHH đầu tư lĩnh vực này”, ông Quân nói và đồng ý với đề xuất điều chỉnh vốn cho các dự án xử lý một số điểm úng ngập cục bộ, Sở Xây dựng cần chủ động đề xuất cụ thể. 

Theo Ktđt