"Cuộc chiến" với rác - bao giờ có giải pháp hữu hiệu?

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 16/10/2017

Rác lổn ngổn trên bãi tắm, rác dập dềnh trên biển, rác ngập trong khu dân cư, tràn ra cả tuyến lộ... Hình ảnh dơ dáy đó có mặt ở tất cả các địa phương, từ Hà Nội, TPHCM... cho tới Phú Quốc (Kiên Giang) - nơi được mệnh danh là thiên đường du lịch. Tất cả như phơi bày sự thật: Cuộc chiến với thứ “giặc rác” vẫn chưa tìm ra giải pháp hữu hiệu, và người dân là đối tượng phải hứng chịu bởi thảm họa ô nhiễm môi trường do rác thải.

Rác, rác và rác... Đó là hình ảnh mà chúng tôi bắt gặp suốt hành trình đi đường - xuống bãi biển và đến các điểm du lịch ở Phú Quốc - Kiên Giang. Đáng lo hơn là, ngoài việc đối mặt với rác tại chỗ, Phú Quốc (PQ) còn phải gánh thêm rác ngoài tầm kiểm soát: Từ sự vô ý của du khách và từ nhiều quốc gia có chung vùng biển.

Mỗi ngày, nhân viên BQL Công trình công cộng huyện Phú Quốc vớt trên sông Dương Đông và bãi Dinh Cậu hơn 7m3 rác. Ảnh: L.T
Mỗi ngày, nhân viên BQL Công trình công cộng huyện Phú Quốc vớt trên sông Dương Đông và bãi Dinh Cậu hơn 7m3 rác. Ảnh: L.T

Có mặt trên từng cây số

Đang mùa mưa, tức không phải thời điểm đông khách đến, nhưng tại các danh thắng của PQ luôn đầy rác. Hôm chúng tôi đến suối Đá Bàn - một trong những danh thắng nằm ở phía Bắc đảo - đồng nghiệp đi cùng đã nói vui: “Ở đây rác nhiều hơn người”.

Thật vậy, tại các phiến đá bằng phẳng, vị thế khô ráo... dọc theo suối, tất cả đều có rác do các du khách để lại sau buổi ăn, uống dã ngoại. Rác ở đây rất đa dạng, từ rau, cải... có thể tự phân hủy, còn có rác “bất tử” với thời gian như hộp xốp, chai nhựa, bọc nilong... Để dọn cho mình chỗ ăn, uống mới, các đoàn đến sau thản nhiên hất rác xuống suối. Vì thế tại các hốc đá dọc theo suối cũng đầy rác.

Hình ảnh phản cảm này tiếp tục đeo bám chúng tôi khi đặt chân đến các danh thắng khác ở PQ: Làng chày Hàm Ninh, Suối Tranh... Không chỉ lổn nhổn tại các danh thắng trên rừng, rác còn dập dềnh trên biển và trên các bãi cát ven bờ từng là niềm hãnh diện của cả nước khi được các tạp chí chuyên ngành nước ngoài xếp vào hàng “Top Ten” của thế giới.

Cận cảnh một góc quá tải của bãi rác xã Cửa Cạn. Ảnh: L.T
Cận cảnh một góc quá tải của bãi rác xã Cửa Cạn. Ảnh: L.T

Ngay cả bãi biển Dinh Cậu - biểu tượng du lịch của PQ và nằm ngay giữa trung tâm hành chính của huyện cũng không tránh khỏi sự hoành hành của cơn “lũ rác”. Bãi cát trắng trải dài ven cửa sông Dương Đông lỗ chỗ những rác là rác...

Ông Chu Mạnh Chung - Trưởng bộ phận Kế hoạch của BQL Công trình Công cộng huyện PQ - xác nhận: “Mỗi ngày tổ vớt rác thu gom tại đây khoảng 7m3 rác”. Tự con số này đã nói lên tất cả.

Rác cao như núi

Không chỉ chất cao ngang ngọn cây lâu năm, tràn ra tận lề đường... bãi rác ở Đồng Tràm (xã Cửa Cạn - PQ) - nơi chứa rác thu gom từ thị trấn Dương Đông và các xã Bắc đảo - còn khiến nhiều người kinh hãi với rỉ và mùi hôi thối. Sau một hồi đi, tôi cảm giác như mình bất lực với chữ nghĩa vì không thể tìm ra từ đủ để chuyển tải hết cảnh tượng hãi hùng đang bủa vây nơi đây.

Dù BQL Công trình công cộng huyện bố trí xe cuốc túc trực cơi nới rác cao đến ngang ngọn cây lâu năm để giảm thiểu quá tải, nhưng do nằm ven con đường Dương Đông - Gành Dầu, một trong những tuyến huyết mạch nối thị trấn Dương Đông - Cửa Cạn - Gành Dầu, nên rác vẫn tràn ra cả lối đi. Nhưng điều khiến chúng tôi lo hơn chính là rỉ rác và mùi hôi từ núi rác.

Cận cảnh đống rác của du khách để lại Suối Đá Bàn sau buổi tiệc dã ngoại. Ảnh: P.V
Cận cảnh đống rác của du khách để lại Suối Đá Bàn sau buổi tiệc dã ngoại. Ảnh: P.V

Không có gì quá lời khi nói bãi rác ở đây bốc mùi hôi nồng nặc đến mức như khiến không khí xung quanh đặc quánh lại. Bởi theo tiết lộ của người có trách nhiệm (xin được giấu tên) cơ quan chức năng đã phải đền bù tiền không nhỏ vì nước rỉ của bãi rác đã làm chết nhiều diện tích cây trồng xung quanh. Tình trạng này cũng xảy ra với bãi rác ở thị trấn An Thới (5ha). Tuy có quy mô lớn hơn, nhưng bãi rác này vẫn đủ để khiến du khách cách đó vài trăm mét ngửi được mùi hôi nồng nặc.

Theo Th.S Đoàn Hữu Thắng - Phó Giám đốc Sở TNMT Kiên Giang - ngay cả trong trường hợp không hoặc chưa quá tải, hai bãi rác này cũng vẫn gây ra nạn ô nhiễm. “Công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt chủ yếu vẫn là chôn lấp hở, hầu hết đều mang tính chất tạm thời, không hợp vệ sinh, không kiểm soát mùi hôi và nước rỉ rác, không có chống thấm đáy, không có tường bao xung quanh bãi rác” - Th.S Thắng trăn trở.

Tại anh, tại ả, hay tại...

Theo tính toán của Chi cục Bảo vệ môi trường Kiên Giang, mỗi ngày, PQ đón nhận khoảng 300 tấn rác, nhưng chỉ tổ chức thu gom được khoảng 150 tấn. Như vậy, có trên 50% rác “rơi”... tự do. Trên thực tế, con số này đang gia tăng với tốc độ phi mã. Theo ông Chung, 9 tháng đầu năm 2017, tổng lượng rác thu gom là 99.871m3, tăng gần 17.000m3 so cùng kỳ năm 2016. Con số khổng lồ này đủ khiến cho tất cả người yêu Đảo Ngọc “khổ lòng”.

Bởi sao thời gian gần như “rơi tự do”, PQ lại tiếp tục “lớn nỗi lo” mới và không kém phần nan giải. Theo kế hoạch, cuối năm 2017, Cty CP Năng lượng Toàn Cầu đưa Nhà máy xử lý chất thải rắn công suất 200 tấn/ngày (tại xã Hàm Ninh) vào hoạt động.

“Với công suất này, ngoài việc xử lý rác hằng ngày ở thị trấn Dương Đông và các xã khu vực Bắc đảo và “tiêu hóa” dần khối lượng lớn tại bãi rác Cửa Cạn, tiến tới chấm dứt hoàn toàn bãi rác lộ thiên này” - ông Thắng chia sẻ thêm: “Theo kế hoạch, năm 2018 sẽ xây nhà máy xử lý rác thứ 2 tại khu vực An Thới để giải quyết rác khu vực Nam đảo”.

Tuy nhiên, theo nhiều người am tường, điều này vẫn chưa thể kiềm chế hữu hiệu câu chuyện rác PQ. Bởi công xuất nhà máy này được tính toán trên cơ sở nguồn rác tại chỗ từ sinh hoạt của người dân nhưng lại chưa thể “lường” hết được với nguồn rác từ “bên ngoài”.

Theo LĐO