Chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm về quản lý nước thải phi tập trung

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 13/10/2017

(TN&MT) - Ngày 12/10, tại Hà Nội, tổ chức Hợp tác ngành nước Đức – GWP, Công ty Tilia phối hợp với Hội cấp thoát nước Việt Nam – VWSA, Tổ chức giải pháp nước quốc tế - WSI cùng tổ chức “Hội nghị quốc tế về Quản lý nước thải phi tập trung, Kinh nghiệm vận hành lâu dài”. Sự kiện diễn ra trong 2 ngày từ 12 – 13/10.

Tham dự Hội nghị có hơn 100 đại biểu đến từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Trường đại học Xây dựng, Hội cấp thoát nước Việt Nam cùng 1 số Công ty, tập đoàn của Đức như Binder Group, Borda, Tilia, GFA…

Ông Frank Pogade - Chủ tịch Tổ chức phi chính phủ về nước WSI phát biểu khai mạc Hội nghị.
Ông Frank Pogade - Chủ tịch Tổ chức phi chính phủ về nước WSI phát biểu khai mạc Hội nghị.

Mục đích của Hội nghị nhằm trình bày kinh nghiệm vận hành dài hạn các hệ thống và giải pháp xử lý nước thải phi tập trung và chia sẻ những thách thức điển hình, những hạn chế và giải pháp khắc phục.

Đồng thời, tạo ra một diễn đàn để các bên cùng thảo luận. Thúc đẩy mạng lưới quốc tế về “xử lý nước thải phi tập trung”. Thúc đẩy việc trao đổi kinh nghiệm giữa các quốc gia đang áp dụng giải pháp phi tập trung cho vấn đề vệ sinh.

.
Các đại biểu tham dự Hội nghị

 Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Frank Pogade – Chủ tịch Tổ chức phi chính phủ về nước WSI cho biết: “Những kinh nghiệm vận hành liên quan đến tính bền vững về tài chính và vận hành kỹ thuật xử lý nước thải ở Việt Nam vẫn chưa được phổ biến rộng rãi. Hội nghị lần này sẽ thúc đẩy mạng lưới quốc tế về xử lý nước thải phi tập trung cũng như tạo ra một diễn đàn để các bên cùng thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm vận hành dài hạn các hệ thống, những hạn chế và giải pháp khắc phục…”

Hoạt động đào tạo và nâng cao năng lực thông qua các dự án quản lý nước thải tại Việt Nam đã được triển khai trong nhiều năm qua. Về vấn đề này, ông Nguyễn Đắc Hoàn – Giám đốc dự án DEVIWAS chia sẻ kinh nghiệm triển khai Dự án Liên minh quốc tế nghiên cứu về nước bang Sachsen xây dựng phương án quản lý nước bền vững cho quận Long Biên – Hà Nội, cũng như sự cần thiết phải đào tạo bồi dưỡng nhân lực dưới dạng hội thảo về một số nội dung trọng điểm trong ngành cấp thoát nước.

Đặc biệt là Dự án hợp tác Đức – Việt nâng cao năng lực cho ngành nước được triển khai qua 2 giai đoạn từ 2013 – 2019 đã đẩy mạnh hợp tác Đức – Việt cũng như hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đầu tư và chuyển giao công nghệ ở Việt Nam… Bên cạnh đó, ông Hoàn cũng chỉ ra nhiều thách thức trong quản lý phi tập trung.

.Ông Nguyễn Đắc Hoàn - giám đốc dự án DEVIWAS
.Ông Nguyễn Đắc Hoàn - giám đốc dự án DEVIWAS

Mặt khác, các vấn đề vướng mắc liên quan đến thiết kế, xây dựng, vận hành quản lý nước thải phân tán tại Việt Nam đã được PGS. TS Nguyễn Việt Anh – Viện trưởng, Viện Khoa học và Kỹ thuật môi trường Trường Đại học Xây dựng đưa ra các đề xuất giải pháp cải thiện. Theo đó, cần lồng ghép quản lý nước thải phi tập trung vào quy hoạch đô thị, quy hoạch hạ tầng kỹ thuật; Tiêu chuẩn thiết kế cần sớm được ban hành cũng như phải rà soát lại tiêu chuẩn chất thải nhất là các chỉ tiêu về N, P, vi sinh vật. Các quy định cần hướng tới kiểm soát ô nhiễm nhưng tránh đầu tư xử lý nước thải 2 lần gây lãng phí cũng như cần có quy chuẩn thẩm định, cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn cho các công nghệ và thiết bị, xác nhận chất lượng công trình và hiệu quả vận hành hệ thống, giấy phép cung cấp dịch vụ quản lý nước thải và bùn; Đấu nối hộ gia đình phải là hạng mục bắt buộc cần triển khai dự án toàn diện cả dây truyền: Công trình vệ sinh hộ gia đình – mạng lưới thu gom – xử lý nước thải, bùn – thải bỏ hay tái sử dụng…

Chia sẻ kinh nghiệm địa phương, bà Nông Thị Song Vân - Công ty CP Cấp thoát nước Tuyên Quang cho biết: “Nếu xử lý nước thải tập trung là giải pháp quan trọng giúp làm giảm ô nhiễm môi trường ở các đô thị lớn, thì với những nhà máy, xí nghiệp, nhà hàng, khách sạn riêng lẻ các khu chợ hay các hộ gia đình tại Tuyên Quang, mô hình xử lý phi tập trung lại tỏ ra ưu thế hơn bởi nó có rất nhiều ưu điểm như: không đòi hỏi quỹ đất, trạm bơm lớn; chọn lựa về kỹ thuật đa dạng hơn phù hợp với các mức độ yêu cầu phát thải; giảm thiểu rủi ro về môi trường khi gặp sự cố".

Việc áp dụng giải pháp xử lý nước thải phi tập trung phải đạt được hiệu quả về kinh tế và bảo vệ môi trường, hạn chế được nguồn nước thải gây ô nhiễm và giảm thiểu các tác động trực tiếp của nước thải với môi trường. Khi áp dụng giải pháp xử lý phi tập trung phải tính đến khả năng đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải tập trung trong tương lai và phù hợp với quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt… Vì vậy, vấn đề tuyên truyền phổ biến kiến thức cho người dân là rất quan trọng tạo nên thành công bền vững cho dự án xử lý nước thải phi tập trung tại các huyện miền núi như Tuyên Quang – bà Vân cho biết thêm.

                                                                                                    T.Thủy